28/05/2005 22:53 GMT+7

Chuyện những nhà sưu tầm: Giấc mộng kê vàng

PHAN CẨM THƯỢNG (Báo Thể Thao và Văn hóa)
PHAN CẨM THƯỢNG (Báo Thể Thao và Văn hóa)

Là người được học hành nhiều năm về nghệ thuật, đôi khi tôi vẫn thấy thẩm mỹ của mình chẳng bằng những nhà sưu tập, những người chưa một ngày ngồi trên ghế nhà trường nghệ thuật.

Có những đứa trẻ sinh ra lôi thôi nhếch nhác, có đứa thích chải chuốt , sĩ diện như một thói quen bẩm sinh. Khi lớn lên chưa chắc đứa luộm thuộm có thẩm mỹ tốt hơn đứa điệu đà. Thẩm mỹ biểu hiện bằng các hình thức bên ngoài, nhưng hình như quyết định bởi đời sống tâm hồn bên trong.

Khi sưu tập Đức Minh tan vỡ, con ông là Tú có một phần, sau bán cho ông Danh Anh, con út là Trí có một phần toàn là những bức danh tiếng như Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh, Thiếu nữ bên hoa phù dung của Nguyễn Gia Trí. Có lẽ người anh đã nhường cho người em những gì tốt đẹp. Nhưng nhìn kỹ, tôi lại thấy những bức không tên tuổi thích hơn.

"Chỉ có một cái đẹp thực sự là cái đẹp nói lên sự thật" (danh ngôn)

Ông Danh Anh cho tôi xem một bức phố khô khan và đơn điệu của Bùi Xuân Phái, thậm chí ta không nghĩ tranh này do Phái vẽ. Xem lại lần hai thấy hay hay, là lạ. Xem lần nữa thấy thích hẳn. Tôi thầm thán phục thẩm mỹ của ông Đức Minh, rằng mình có học mấy cũng chẳng lại.
i6z3BSFm.jpgPhóng to
Ông Đức Minh (Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái cùng vẽ)
Bùi Xuân Phái là người có thẩm mỹ tốt, nên ông vẽ gì cũng đẹp, nhưng ông hình như từ bỏ một hướng thẩm mỹ đặc sắc của chính mình, tức là vẽ một bức tranh có vẽ ít tình cảm, ít hoài cổ, ít xúc động hơn. Cũng đáng tiếc.

Ông Bùi Đình Thản (Đức Minh) là một nhà buôn từ thời Pháp thuộc. Cái danh tính tư sản dân tộc luôn bị kẹt giữa sự cạnh tranh của tư sản mại bản và phong trào giải phóng dân tộc do những người cộng sản lãnh đạo.

Con đường sưu tập của ông hình thành từ lòng yêu nước, muốn giữ lại những giá trị văn hóa còn chưa được nhận thức, chứ không đơn thuần là thú chơi tranh. Thẩm mỹ bản năng tốt cộng với một ý thức như vậy dẫn đến khả năng phát hiện những họa sĩ và tác phẩm hơn người. Người đi buôn hiểu rõ giá trị của đồng tiền, thẩm mỹ của họ thực sự là kết quả của mồ hôi xương máu.

aIR9Hd2N.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Lâm (Bùi Xuân Phái vẽ)
Ông Nguyễn Văn Lâm là một trường hợp khác. Một thị dân, buôn bán nhỏ, có trí thức, tính tình khoáng đạt và cảm thông với văn nghệ sĩ. Ông bán bánh mì và cà phê, khi văn nghệ sĩ qua ăn uống, không có tiền, ông cho chịu và có thể gán tranh. Ông thoạt đầu không có tiền mua bán nghệ thuật như ông Đức Minh, nhưng dần dà cũng có sưu tập nhất định, tự nhiên, không cố gắng, không quá chọn lọc. Nghệ sĩ thích đến quán của ông chơi, tâm sự với nhau, chè chén, cảm thông, thân tình hơn đến "Bảo tàng Đức Minh".

Thẩm mỹ của ông Lâm hình thành từ sự tiếp xúc thường nhật với văn nghệ sĩ qua con đường cảm thông số phận, sự túng bấn thường trực.

Trần Hậu Tuấn, sinh năm 1955, thuộc thế hệ sau cả ông Đức Minh và ông Lâm. Xuất thân từ gia đình trí thức trong quân đội, sớm theo học thể thao, ưa võ nghệ, có thể nói học vấn của Tuấn hình thành theo lối giang hồ. Bóng đá, võ thuật và hội họa từ Bùi Xuân Phái đều là những nghệ thuật đẹp, đem lại cảm quan thẩm mỹ lành mạnh, tinh tế và thoáng đạt cho ông. Bươn chải trong cuộc sống, mua bán đổi chác tranh trong giai đoạn thị trường nghệ thuật nảy nở, dẫn đến những kinh nghiệm khôn khéo và không ít cay đắng trong chốn thương trường éo le.

e35886S4.jpgPhóng to
Ông Trần Hậu Tuấn (Đặng Xuân Hòa vẽ)
Không chút nghi ngờ nào vào kinh nghiệm của mình, nhưng trước một bức họa, một đồ cổ, ông Bùi Đình Thản còn nhìn kỹ lưỡng, thậm chí mượn, trao đổi tạm thời tác phẩm với họa sĩ, để có thời gian xem xét, thưởng ngoạn trước khi mua. Ông Nguyễn Văn Lâm thì gì cũng sưu tập, mua đổi, xin dễ dãi như ta đi chợ quê thuở trước. Cái gì thuộc về văn nghệ sĩ là ông yêu qúy, tình cảm giản dị, đôi chút vụ lợi đáng yêu giúp ông dễ dàng tiếp nhận cái mới, cũng như thu thập không ít "phế thải".

Ở giai đoạn Trần Hậu Tuấn, thì sự cho coi như không còn - tranh tượng lớn hay bé, nghệ sĩ già hay trẻ, tất cả đều phải tiền. Mà có tiền chưa chắc đã xong, dẫu muốn bán, nhưng các nghệ sĩ tiền phong còn ngúng nguẩy, đò đưa không kém gì nhà sưu tập. Tuấn có cách thức riêng của mình để tiếp cận tác phẩm. Trò chuyện, nêu ý kiến, qua lại, ngắm nghía, khen cho vui, rồi đột ngột thẳng thắng phê bình.

Hai vị đại lão tiên sinh Bùi Đình Thản và Nguyễn Văn Lâm thì đã chầu trời, còn bạn Tuấn thì chắc cũng lượng thứ cho nhà phê bình khi viết những dòng này, chỉ là muốn tìm hiểu một con đường thẩm mỹ. Số phận cũng đùn đẩy tôi vào nghề phê bình, dù cho đến nay tôi tôi cũng chẳng thích cái việc dòm dỏ vào bếp núc của người khác.

Thuở nhỏ do học cùng với Bùi Quốc Trí, mà nhiều lần được vào bảo tàng Đức Minh, nhưng không phải vì yêu nghệ thuật, mà vì đó là tư gia duy nhất ở Hà Nội có bàn bóng bàn. Lớn lên lại có dịp du ngoạn Xiêm La với ông Lâm. Ở lân bang tình yêu này, mọi người phải ghen tỵ với sự hồn nhiên của ông Lâm, khi một mỹ nữ Thái Lan cắt cơn ho của ông bằng cách kéo tay ông đặt lên ngực nàng. Và bây giờ thỉnh thoảng được đánh trần, bận xà lỏn nằm ngủ dưới những kiệt tác trong phòng tranh của Trần Hậu Tuấn.

Họ lưu giữ những quốc bảo, nhưng ít ai đánh giá được tầm quan trọng của họ. Công sức của hai lão nhân tựa hồ đã tan tựa giấc chiêm bao. Chỉ còn lại nồi kê chưa chín của họ Trần đang nấu dở. Chứng kiến sự tan vỡ của các sưu tập mới chợt hiểu câu nói của người xưa "trăm năm xây nhà vạn gian, phá đổ chỉ có một ngày", cũng là vì người ta còn thiếu cái đức văn hóa vậy

PHAN CẨM THƯỢNG (Báo Thể Thao và Văn hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên