19/09/2015 10:00 GMT+7

Chuyên nghiệp như những sân chơi… phong trào

H.ĐĂNG - Đ.VUI - Đ.THIỆN (huydang@tuoitre.com.vn)
H.ĐĂNG - Đ.VUI - Đ.THIỆN (huydang@tuoitre.com.vn)

TT - Việc những sân chơi phong trào đôi lúc còn quy mô, hấp dẫn hơn cả giải chuyên nghiệp đã trở thành chuyện quen thuộc ở VN.

Nhằm rèn luyện sức khỏe cho công nhân viên, từ các cơ quan nhà nước đến những công ty, xí nghiệp tư nhân, nhiều nơi đầu tư gầy dựng việc tập luyện, thi đấu thể thao rất chuyên nghiệp.

Chỉ một môn cầu lông ở hội thao TAND cũng đã có hàng trăm khán giả xem tại nhà thi đấu Phú ThọẢnh: Đ.T.
Chỉ một môn cầu lông ở hội thao TAND cũng đã có hàng trăm khán giả xem tại nhà thi đấu Phú Thọ - Ảnh: Đ.T.

Hàng trăm triệu đồng kinh phí, hàng ngàn CĐV và VĐV tham dự, thật bất ngờ khi biết đó lại là những con số xoay quanh một giải đấu phong trào - Đại hội thể thao ngành tòa án nhân dân (TAND) lần 3 diễn ra cuối tháng 8 ở TP.HCM.

Bỏ trăm triệu đồng cho việc tập luyện

Khi ấy, nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) trở nên nhộn nhịp đặc biệt với hội thao nói trên của ngành tòa án. Dù chỉ là một sân chơi phong trào, hội thao vẫn có quy mô chẳng kém bất kỳ một giải đấu chuyên nghiệp nào khác như: có cả họp báo trước giải, có cả tình nguyện viên (hơn 200 người - đều là công nhân viên ngành tòa án), hội thao của những quan tòa, thẩm phán, luật sư... khiến nhà thi đấu Phú Thọ rộn rã suốt ba ngày như thể đang đăng cai một giải đấu thể thao tầm cỡ.

Ông Trương Thế Trọng, phó chủ tịch công đoàn TAND TP.HCM, cho biết đơn vị mình thường xuyên tổ chức hội thao nhân những ngày truyền thống trong ngành. “Mỗi năm chúng tôi tổ chức ít nhất hai hội thao lớn, kèm thêm vài giải đấu lẻ tẻ cho các công nhân viên thuộc TAND TP.HCM. Mỗi lần tổ chức giải, chúng tôi chỉ vận động tài trợ một số vật dụng như nước uống, còn lại từ chi phí thuê sân đến đồng phục thi đấu, giải thưởng đều do cơ quan xuất kinh phí. Mỗi một hội thao như vậy không dưới 30 triệu đồng”.

Việc bỏ cả trăm triệu đồng cho phong trào thể thao của cơ quan vốn cũng không hiếm. Điển hình như CLB bóng bàn của Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (Q.3, TP.HCM). Được thành lập từ năm 2008 với mục đích ban đầu chỉ là rèn luyện phong trào chơi bóng bàn cho công nhân viên trong xí nghiệp, CLB nơi đây hiện trở thành một địa điểm chơi bóng bàn có tiếng tăm của giới banh nhựa ở TP.HCM. Cứ mỗi tối, công nhân viên trong xí nghiệp lại đến đây tập luyện và không chỉ dợt bóng cho vui mà có huấn luyện hẳn hoi.

Ông Phạm Lê Hoàng, quản lý CLB, cho biết: “Giám đốc xí nghiệp giao việc quản lý CLB cho tôi. Chúng tôi ai cũng đi làm cả, bản thân tôi làm việc từ 8g đến 17g mới xong việc, sau đó mới tính đến chuyện tập bóng bàn. Nhưng đã chơi thì phải thi đấu giải này giải kia mới vui, mới kích thích phong trào. Vì vậy, chúng tôi tập luyện rất thường xuyên để tham gia các giải đấu phong trào trong làng bóng bàn”.

Anh Hoàng từng là VĐV bóng bàn chuyên nghiệp của tỉnh Hải Dương. Vì thế khi thành lập CLB, anh lập tức được chọn làm HLV cho đội bóng bàn của xí nghiệp. Bóng bàn ở VN phát triển rất mạnh ở mảng phong trào khi có vô số giải đấu dành cho những tay vợt không chuyên nghiệp. Mỗi năm CLB của xí nghiệp nơi đây lại được cử đi “chinh chiến” 5, 6 lần. Anh Hoàng cho biết mỗi chuyến đi như vậy chi phí đều do cơ quan lo và lên đến 50-60 triệu đồng mỗi năm. Cộng với chi phí tiền bàn, tiền điện, nước được miễn phí cho công nhân viên, số tiền Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn đầu tư cho đội banh nhựa của mình lên đến cả trăm triệu đồng/năm.

Những hình thức xã hội hóa đặc biệt

Nói đến những sân chơi phong trào rầm rộ nhất ở Sài Gòn phải kể đến môn quần vợt. Được xem là môn thể thao “nhà giàu”, phong trào quần vợt ở TP.HCM phát triển mạnh nhất ở các hội doanh nhân. Cụ thể như CLB doanh nhân Sài Gòn có hẳn một diễn đàn riêng về quần vợt. Hầu như mỗi tuần các thành viên trong diễn đàn lại tổ chức một giải đấu khá quy mô có kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như Giải tennis doanh nhân Quang Trường diễn ra cuối tháng 8-2015 quy tụ khoảng 200 tay vợt phong trào và có kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Là giải đấu mừng kỷ niệm ngày thành lập của một công ty sản xuất cửa kính, các tay vợt tham dự giải gồm khá nhiều công nhân viên trong công ty. Theo lẽ thường, để có kinh phí tổ chức giải thì mỗi thành viên phải góp tiền.

Ông Duy Trường, trưởng ban tổ chức giải và cũng là giám đốc công ty, cho biết: “Những người tham gia giải không phải ai cũng là doanh nhân, nhiều người chỉ là nhân viên bình thường trong công ty, không thể đóng đến mấy triệu đồng để tham gia một giải. Vì vậy, chúng tôi phải nỗ lực vận động nhà tài trợ để giảm bớt chi phí cho anh em, như vậy giải cũng vui hơn”.

Cụ thể, khoản phí mỗi tay vợt phải đóng khi tham gia giải khoảng 500.000 đồng. “Bình thường thuê sân đánh vài giờ cũng tốn gần đủ số tiền này rồi. Nếu tôi vào được sâu trong giải thì có thêm giải thưởng, thi đấu xong mọi người còn tổ chức liên hoan...” - một tay vợt hào hứng chia sẻ trước thềm giải đấu. Sở dĩ được vậy là nhờ những khoản tài trợ nước uống (1.000 chai nước), áo đấu (200 áo)... mà giải huy động được từ các doanh nhân khác tham gia giải.

Trong khi những giải đấu phong trào do các doanh nghiệp tổ chức thường huy động được tài trợ thì với những cơ quan nhà nước, điều này khá khó khăn. Các CLB thể thao của những nơi này phải xoay xở tự tìm cách tồn tại, mở rộng thêm phong trào. Ông Hoàng, HLV trưởng của đội bóng bàn Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, nói: “Nếu chỉ xây phòng tập cho tầm mười mấy công nhân viên trong xí nghiệp chơi thì phí phạm quá, nên chúng tôi mở cửa CLB cho người ngoài đến chơi, với mức giá thuê bàn 20.000 đồng mỗi ngày. Cứ mỗi tháng, tôi đóng lại cho xí nghiệp 10 triệu đồng”.

Cách thức hoạt động như vậy giúp CLB mỗi lúc một đông đúc người chơi hơn. CLB cũng tham gia hoạt động của diễn đàn bongban.org, nơi tổ chức rất nhiều giải bóng bàn phong trào hấp dẫn khắp cả nước. Cứ như vậy CLB càng lúc càng rộng mở, mỗi khi tổ chức giải lại có được nhà tài trợ là những khách thường đến chơi ở đây, các công nhân viên trong xí nghiệp càng đánh càng “lên tay”...

Trong khi đó, đội bóng đá của TAND TP.HCM còn thuê hẳn HLV chuyên nghiệp về dẫn dắt cho đội. Ông Nguyễn Xuân Tùng, chánh án TAND Q.9 và là một thành viên trong đội, cho biết mỗi tháng cơ quan đều hỗ trợ một phần chi phí thuê sân, còn lại bao nhiêu thì các cầu thủ trong đội góp tiền lại để mời HLV, may áo đấu... Mỗi tuần đội bóng của TAND TP.HCM tập luyện đến ba buổi, chẳng kém gì những đội bóng “phủi”.

Hệ thống tính điểm chuyên nghiệp

Nhằm tạo tính hấp dẫn, cân bằng cho các giải đấu phong trào, diễn đàn của hội tennis doanh nhân (tennisdoanhnhan.com) đặt ra một hệ thống tính điểm cho các thành viên. Cứ thắng - thua một trận hoặc một giải đấu, mỗi thành viên sẽ được cộng - trừ một số điểm. Các thành viên có số điểm tương đương nhau sẽ đánh chung nội dung, điều này giúp trình độ các trận đấu được cân bằng hơn.

Tổ chức gần 50 hội thao một năm

Ông Lê Hồng Triều - giám đốc Cung văn hóa Lao động TP.HCM - cho biết hằng năm có rất nhiều công ty, doanh nghiệp, đơn vị đến đây liên hệ tổ chức các giải hội thao. Trung bình mỗi tháng Cung văn hóa Lao động diễn ra khoảng ba hội thao, mỗi năm có thể tổ chức gần 50 giải. Quy mô của các giải phong trào này cũng tăng dần. Như giải truyền thống ngành giáo dục, cách đây khoảng 20 năm chỉ có khoảng vài trăm người tham dự thì nay lên đến hơn cả ngàn người.

H.ĐĂNG - Đ.VUI - Đ.THIỆN (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên