Ơn nghĩa sinh thành - Bài 1: Trời xanh có thấu...Ơn nghĩa sinh thành - Kỳ 2: Nước mắt chảy xuôi
Tôi cho rằng cần phải lên án tình trạng này, đồng thời cũng cần phải ủng hộ những tấm gương luôn đặt nặng ơn nghĩa sinh thành. Những tấm gương con thảo, cháu hiếu không phải là hiếm. Đưa những tấm gương này lên mặt báo để những con người tệ bạc với cha mẹ cảm thấy tủi hổ với lòng mình.
Tôi đã đọc 2 bài báo Ơn nghĩa sinh thành của báo. Tôi thấy những điều bài báo nêu để lại rất nhiều suy nghĩ cho những người con đối với cha mẹ. Tôi đã nhiều lần đến Trung tâm nuôi dưỡng người già và tàn tật Thạnh Lộc và cảm nhận được những gì bài báo đã nêu.
Càng đến đây tôi càng thấm thía thêm những tình cảm, tâm tư của người già tại trung tâm này và tôi vẫn tự hỏi tại sao những cụ già này đều đã có một gia đình, khi còn trẻ cũng thành đạt, mà về già lại lại gặp cảnh này? Một câu hỏi mà tôi đã tự đặt ra rất nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được lời giải chính thức. Nhưng tôi thầm nghĩ những người làm con và những người trẻ hãy trân trọng, biết ơn cha mẹ, phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Cái gì mất đi thì còn có thể lấy lại nhưng cha mẹ mất đi làm sao có được.
Tôi đã nhiều lần muốn viết về các cụ già tại đây như hôm nay báo Tuổi Trẻ đã viết. Tôi nghĩ đó cũng là hồi chuông cảnh báo cho những người con từ chối cha mẹ của mình, cho những người con đối xử không tốt với cha mẹ trong cuộc sống hiện nay. Qua báo, tôi đề nghị nên vận động nhiều mạnh thường quân giúp đỡ các cụ tại đây vì cuộc sống của các cụ còn nhiều khó khăn lắm và rất thiếu tình cảm, nhất là tình cảm của những cháu nhỏ thăm các cụ. Xin cảm ơn các phóng viên đã thực hiện loạt bài này.
Tôi có nhớ khi học môn triết học, tiến sĩ Vũ Tình đã dạy tôi rất nhiều nhưng có một câu hỏi: "Ta là ai?" mà tôi còn nhớ và mãi nhắc nhở tôi phải làm gì trong cuộc sống hàng ngày. Nếu những người con trong ký sự "Ơn nghĩa sinh thành" của tác giả Vũ Bình trả lời được câu hỏi "Ta là ai?" để biết về đạo làm con phải biết phụng dưỡng khi cha mẹ tuổi già thì nhiều cụ đâu phải héo hon trải qua những ngày cuối cuộc đời trong trại dưỡng lão.
Đâu có những đứa con bòn rút từng đồng tiền cuối cùng của mẹ mình một cách vô cảm để lao vào ma tuý. Đâu có những đứa con lừa gạt cha mẹ mình để lấy tài sản mặc dù cuộc sống của họ không túng quẫn. Đâu có những đứa con phải đợi đến lúc tiễn đưa cha mẹ mình về bên kia thế giới mới nhận ra mình chưa kịp làm những gì mà đạo làm con không thể thiếu. Cũng cùng một câu hỏi "Ta là ai?" mà mỗi người trong xã hội đều suy ngẫm và trả lời trong từng hoàn cảnh thì cuộc sống này sẽ tốt hơn biết bao nhiêu.
Những đêm khi nghĩ về người mẹ, người đàn ông 40 tuổi như tôi lại khóc, nước mắt chảy trên gò má không phải vì thời chiến tranh bom rơi, đạn lạc cướp mẹ đi, hay vì những đứa con của mẹ đối xử "bạc như vôi" như trong "Trời xanh có thấu".
Khóc chỉ vì thương cuộc đời lam lũ của ba mẹ. Có bà mẹ nào không hai vai gánh gồng lam lũ đội nắng, dang mưa làm bất cứ việc gì để nuôi con mong đặng thành người. Có bà mẹ nào mong con công thành danh toại trả ơn cho mẹ. Không! Mẹ chỉ cầm con sống sao cho nên người, nên nghĩa... Lưng mẹ còng hơn, lưng cha cũng vậy, khi nghe tin cơn bão dữ tràn vào quê nhà. Bão tan, có những bà mẹ tan tác nhà cửa, ruộng vườn kể cả người thân, nỗi đau như nén lại, ai cầm được mắt? Ngôi nhà cũ hôm qua còn đó, ruộng lúa vàng bông, mùa màng sắp bội thu, vậy mà chỉ một trận cuồng phong cuốn đi xa quá...
Xưa, ngày của cha mẹ là ngày của những nắm cơm muối gói trong tàu lá chuối, là tiếng gà gáy canh mẹ đã nhẹ nhàng dậy thổi cơm cho cha ra đồng. Bên cha cuốc bẫm, mẹ lặn đầm sâu bắt ốc về nấu bát canh chua, gọi là tẩm bổ cho con ăn no để học. Ai cũng có mẹ có cha, và hạnh phúc nhất trên đời cho những ai còn có mẹ có cha. Sao không phải là một cánh hồng tặng cho cha mẹ lúc bóng xế chiều tà mà lại là tiếng kêu "trời xanh có thấu" của cha của mẹ với những người con bội bạc?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận