03/04/2007 06:04 GMT+7

Chuyện "kép tuồng" Ken Arakawa

BẮNG VÂN (thực hiện)
BẮNG VÂN (thực hiện)

TT - 13 năm qua, phó tiến sĩ sử học Ken Arakawa làm việc tại VN, nhưng với vai trò trợ lý tổng giám đốc Tập đoàn Mitsubishi VN và chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH siêu thị PSSC (VN).

Zkm83z3q.jpgPhóng to
Phó tiến sĩ sử học Ken Arakawa
TT - 13 năm qua, phó tiến sĩ sử học Ken Arakawa làm việc tại VN, nhưng với vai trò trợ lý tổng giám đốc Tập đoàn Mitsubishi VN và chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH siêu thị PSSC (VN).

Lao tâm khổ tứ trong thương trường nhưng Ken vẫn sưu tầm rất nhiều sách về văn hóa, lịch sử và danh nhân VN như: Truyện Kiều, sách về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... Đặc biệt, gần hai năm nay nghệ thuật tuồng VN đã hút hồn vị thương gia Nhật Bản. Ông cho biết:

- Bố tôi là một học giả. Ông đã khuyến khích tôi nghiên cứu về VN. Năm 1975, đọc tin trên báo biết VN đã thống nhất, ông rất vui mừng. Lúc đó tôi là sinh viên chuyên ngành sử học, tôi đã viết một bài báo về sự kiện Sài Gòn giải phóng. Tôi nhớ mãi lần cùng bố đi xem bộ phim Kim Đồng của VN. Phim rất hay, hình ảnh anh Kim Đồng luôn in đậm trong tâm trí tôi. Khi đến VN, tôi tìm mọi cách để được xem lại bộ phim. Lúc Kim Đồng bị bắn chết, niềm xúc động cùng với những kỷ niệm về bố ào đến khiến tôi bật khóc.

* Và đó là lý do khiến ông chọn đất nước chúng tôi là chốn làm ăn?

- Tôi làm luận văn phó tiến sĩ sử học với đề tài về thân thế sự nghiệp của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Rồi thật may mắn khi 12 năm trước đây, tôi được sang làm việc lâu dài tại đất nước VN xinh đẹp này. Ngoài giờ làm việc, cứ có dịp tôi lại đi mua sách, tìm những cuốn sách cổ, tối về nghiên cứu và học chữ Nôm. Năm 2003, tôi tìm đến làm việc với Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, sau đó viết bài trên báo Nhân Dân (VN) và các báo ở Nhật Bản đề nghị chính phủ hai nước có chương trình giữ gìn di sản Hán-Nôm.

Đến VN, tôi đã nghiên cứu về Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hiện còn dấu tích ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Nhưng rất tiếc là không có biển chỉ dẫn, chỉ cần gắn ở đó một tấm biển nhỏ thôi cũng đủ để người VN và thế giới biết rằng nơi đây từng có một trường học của những chí sĩ yêu nước VN đầu thế kỷ 20. Tôi và bạn bè lại đang vận động để thực hiện công việc này.

* Ông học tiếng Việt như thế nào mà nói sõi vậy?

- Tôi thường dành thời gian nghỉ trưa để dạy tiếng Nhật cho các nhân viên người Việt và ngược lại, họ cũng dạy tôi học tiếng Việt. Tôi cũng là “tín đồ” của những chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trên sóng Đài Tiếng nói VN. Ngôn ngữ là phương tiện nhanh nhất để đến với nhau và tìm hiểu nhau.

* Sân khấu truyền thống VN có nhiều thể loại, vì sao ông mê tuồng?

- Ngay từ hồi còn thanh niên, tôi đã yêu nghệ thuật truyền thống. Bốn năm trước, tôi được xem tuồng tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Từ đó tôi rất thích nên muốn học và một người bạn đã giới thiệu tôi với Nhà hát Tuồng T.Ư. Tôi trở thành học trò của NSƯT Lộc Huyền từ gần hai năm rồi. Mỗi tuần, tôi học ba buổi vào cuối chiều thứ hai, tư, sáu. Hiện tôi đang tập nói lối, nhịp đôi, nhịp ba... Cô giáo rất vui tính nhưng làm việc thì cực kỳ nghiêm túc. Mỗi khi tôi hát sai nhịp, cô lại nghiêm mặt, mắng ngay: “Hát lại, sao lại hát thế!”. Tôi lại thấy mình bẽn lẽn như một cậu học trò nhỏ (cười).

* Học hát tuồng, ông thấy khó nhất điều gì?

- Tuồng phải vừa uốn giọng, vừa theo nhịp rồi lại còn lăn, lê, bê, siến... nữa chứ, khó lắm. Ngay cả người Việt chưa chắc đã hiểu, nói và hát được tuồng. Nhưng càng tập tôi càng ham! Hát tuồng như tập khí công, rất tốt cho sức khỏe.

Tôi thấy nhiều thanh niên VN hiện nay rất tích cực học ngoại ngữ... điều đó rất tốt, nhưng khi tôi hỏi họ có hiểu nghĩa chữ Hán - Nôm hay hát tuồng thì hầu như chỉ nhận được những cái lắc đầu thờ ơ. Lịch sử, văn hóa (trong đó có nghệ thuật truyền thống) là tinh hoa văn hóa dân tộc, là tấm hộ chiếu tinh thần của mình nên mỗi người đều phải góp phần giữ gìn!

* Ngoài tuồng, ông còn đam mê gì nữa?

- Tôi đang tự học chữ Nôm. Học chữ Nôm, tôi phát hiện nhiều điều rất hay. Ví dụ chữ “mẹ” là do chữ “nữ” và chữ “mỹ” ghép lại mà thành. Điều này khác so với chữ Hán nên tôi rất lấy làm thú vị. Tôi đang có 10 bản chữ Nôm Truyện Kiều; mỗi bản lại có những thú vị riêng, thậm chí là khác nhau trong từng câu, từng chữ. Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm và bóc tách Truyện Kiều.

* Ở VN đã 12 năm, ông đã du ngoạn được những đâu?

- Sắp tới, tôi đến mũi Cà Mau nữa là đủ 64 tỉnh, thành của đất nước các bạn. Đi đâu tôi cũng tìm hiểu văn hóa từng vùng, miền. Tôi thích ăn tất cả các món ăn VN, đặc biệt là món bún chả, rất ngon!

* Xin cảm ơn ông! Chúc ông kinh doanh thành công và trở thành một “kép tuồng” thứ thiệt!

BẮNG VÂN (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên