10/04/2019 14:24 GMT+7

Chuyện chưa kể về tướng Đồng Sỹ Nguyên

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TTO - Những năm kháng chiến chống Mỹ, Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đóng tại xóm 7, xã Hương Đô, huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh gắn liền với vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên.

Chuyện chưa kể về tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 1.

Ngôi nhà được phục dựng lại ngôi nhà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở vào thời kỳ kháng chiến - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Những ngày đầu tháng tư, tìm về xã Hương Đô, chúng tôi nghe người dân nơi đây kể rất nhiều về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Đó là những năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đã quyết định chuyển Sở Chỉ huy Tiền phương từ huyện Minh Hóa, Quảng Bình về xã Hương Đô của huyện Hương Khê.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm phó chủ nhiệm kiêm Tư lệnh Tiền phương Tổng cục Hậu cần.

Thời kỳ thành lập sở chỉ huy tiền phương ở xã Hương Đô, ông Ngô Đăng Nghĩa (74 tuổi) là một cán bộ đoàn thanh niên của xã.

Ông Nghĩa kể thời đó khu vực xóm 7 xã Hương Đồ rừng cây rập rạp. Để có diện tích thành lập sở chỉ huy, nhân dân Hương Đô đã nhường 20 ngôi nhà và rất nhiều vườn tược…

Thời chiến tranh, sở chỉ huy đóng tại nhà ông Nguyễn Văn Nhuệ và bà Đinh Thị Khánh. Ngôi nhà 3 gian, bằng gỗ, lợp tranh, vách phên nứa... Sau những ngày làm việc vất vả, Trung tướng thường lui về nghỉ tại đây.

Căn nhà rất đơn sơ, chỉ có chiếc chõng tre và bộ bàn ghế gỗ nhưng lại có hệ thống đường hầm dẫn đến mọi cơ sở tác chiến.

Chuyện chưa kể về tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 2.

Sở chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần ở xã Hương Đô in dấu vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh: VĂN ĐỊNH

"Trung tướng sống rất giản dị, gần gũi dân lắm. Giường ngủ của ông chỉ là cái chõng tre. Những lúc họp chỉ huy, ông từ căn nhà này đi theo đường hầm là đến khu hầm chỉ huy", ông Nghĩa kể.

Bộ phận hậu cần phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh đặt tại nhà ông Ngô Hạp và bà Nguyễn Thị Minh. Bộ phận thông tin liên lạc đặt tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ. Còn hội trường hội họp và sinh hoạt văn nghệ của bộ đội được đặt tại gia đình ông Hoàng Văn Học, có hầm hào trú ẩn, xung quanh có đắp bờ lũy.

Đây là nơi diễn ra hội nghị tổng kết mùa khô 1966-1967, còn gọi hội nghị Hương Đô.

Vào khu vườn nhà bà Nguyễn Thị Hoàn, chúng tôi mới biết có hệ thống hầm chỉ huy và nơi làm việc rất an toàn của trung tướng Nguyên. Bà Hoàn kể thời còn nhỏ, mỗi lần tướng Nguyên đến họp đều cầm trên tay hai cái kẹo để phát cho hai chị em bà.

"Nhận kẹo của trung tướng, chị em mừng lắm. Tôi nhớ ngày tết, cha mẹ tôi làm mâm cơm mời trung tướng và một số cán bộ chỉ huy đến dùng bữa. Thấy Trung tướng và mọi người ăn hết cơm, bố mẹ tôi mừng lắm", bà Hoàn bùi ngùi nhớ lại.

Chuyện chưa kể về tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 3.

Hầm chỉ huy, nơi trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thường họp khẩn với các lãnh đạo cao cấp - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Nguyên là bí thư huyện ủy Hương Khê, ông Phan Văn Đệ (98 tuổi) rất nhiều lần tiếp xúc tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Ông Đệ nhớ như in năm 1966, Trung tướng về làm việc với chính quyền và nhân dân Hương Khê có nói: "Các anh à, phải lo sản xuất, chiến đấu, phòng tránh và đánh địch. Đặc biệt đảm bảo mạch máu giao thông để chi viện cho tuyền tuyến vào miền Nam".

Thời đó ông Đệ được Trung tướng gọi đến sở chỉ huy ăn cơm. Ngoài vài ba miếng thịt hộp, bữa cơm chủ yếu là rau. Lâu lâu người dân bắt được con cá, con cua đồng bữa ăn của trung tướng mới được cải thiện.

Chuyện chưa kể về tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 4.

Hệ thống đường hào này là nơi tướng Đồng Sỹ Nguyên đến các cơ sở chiến đấu để chỉ đạo - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Thời gian đảm nhiệm phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần tiền phương, tướng Nguyên phụ trách 4 binh trạm vận tải từ nam sông Lam vào đến đặc khu Vĩnh Linh, tổ chức tiếp nhận hàng và bộ đội hành quân từ hậu phương miền Bắc vào để giao cho Đoàn 559.

Trung tướng nhận định đặt sở chỉ huy tại xã Hương Đô là chủ động giành yếu tố bất ngờ đối với quân địch.

Quá trình tiếp tế lương thảo cho chiến trường miền Nam, tướng Nguyên đã chỉ đạo chiến dịch "đá hóa" mặt đường đồng loạt. Đó là lợi dụng ban ngày trời mưa phùn để vận chuyển quân lương vào miền Nam.

Trung tướng nhận định chỉ một ngày xe chạy ban ngày sẽ bằng cả tuần xe chạy ban đêm. Người đảm nhiệm "mệnh lệnh" này phải có tinh thần dũng cảm, quyết tâm cao…

Năm 2005, quần thể Khu di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đến năm 2013, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.



VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên