12/01/2006 17:54 GMT+7

Chuyện cáp treo và tiền công đức ở lễ chùa Hương

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Mùa lễ hội chùa Hương năm 2006 sắp bắt đầu, với nhiều nét mới. Tuy nhiên, hai chuyện nóng nhất là cáp treo và tiền công đức. Vụ việc lộn xộn xảy ra hôm khánh thành cáp treo (10-1) là một minh chứng rõ nét.

3nXKG31a.jpgPhóng to

Cáp treo chùa Hương đưa vào mùa hội 2006

Mùa lễ hội chùa Hương năm 2006 sắp bắt đầu, với nhiều nét mới. Tuy nhiên, hai chuyện nóng nhất là cáp treo và tiền công đức. Vụ việc lộn xộn xảy ra hôm khánh thành cáp treo (10-1) là một minh chứng rõ nét.

Tiếng ồn và sự không hài hoà của cáp treo

Bà con vòng ngoài, vòng trong. Lãnh đạo tỉnh và huyện, khách mời đều phải dừng ở UB xã, không thể vào đến khu Thiên Trù. Và các xe ôtô từ xa chở khách hành hương phải đậu từ xa. Lực lượng công an và dân quân xã chạy đôn đáo khắp nơi. Đó là quang cảnh ngày khánh thành cáp treo (10-1) mới đây.

Chuyện tranh chấp quyền lợi giữa hai công ty cổ phần cáp treo chùa Hương (Hupaco) và Cty cổ phần vận tải và du lịch Hương Sơn (Hutranco) đã được Toà án Nhân dân Tối cao phán quyết. Nhưng mọi sự đền bù vẫn tỏ ra chưa thoả đáng với một số cá nhân và vụ ẩu đả xảy ra giữa hai bên, trong ngày khánh thành cáp treo làm cán bộ xã đau đầu.

Không chỉ các tiết mục văn nghệ sáng khánh thành phải bỏ, mà đêm diễn chào mừng của Đoàn chèo Hà Nội dự kiến tối 10-1 cũng bị huỷ. Việc đổi chủ đầu tư, với những quyết định khó hiểu của một số cấp có thẩm quyền đã làm dư luận xì xào cho rằng "nén bạc đâm toạc tờ giấy", công ty sau cướp công công ty trước.

Sự phản ứng không chỉ đến từ phía một số người dân có hàng quán bày bán sợ thất thu khi khách đi cáp treo, mà còn là sự nhìn xa hơn của dư luận từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu môi trường đến phương tiện truyền thông.

Không ai phủ nhận tính lợi của cáp treo: Thuận tiện, giải toả ách tắc, rút ngắn thời gian mà thời gian nhiều khi chính là tiền bạc. Nhưng đưa công nghệ hiện đại phục vụ bà con vào khung cảnh thiên nhiên nơi đất Phật còn phải tính đến sự hài hoà. Làm sao bố trí cáp treo dọc bên sườn núi, kín đáo và hoà hợp hơn, chứ ai lại để cáp treo lồ lộ chạy ngay trên đầu khách hành hương đi bộ leo núi.

Chưa kể, tiếng máy hoạt động cáp treo không êm tai chút nào mà kêu ro ro suốt ngày, phá vỡ bầu không khí thanh tịnh cần thiết của không gian nơi đất Phật.

Huyện sẽ thu tiền công đức?

Đây là vấn đề được đưa ra trong cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo lễ hội du lịch chùa Hương. Theo báo Văn Hoá dẫn lời ông Đào Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây - thì năm nay huyện Mỹ Đức sẽ quản lý tiền công đức (tiền cúng để trên đĩa và tiền bỏ thẳng vào hòm công đức) tại các điểm di tích trong khu vực Hương Sơn. Với lý do để tái đầu tư, nâng cấp, tôn tạo các hạng mục của di tích và cơ sở hạ tầng phục vụ khách đến vãn cảnh chùa.

Ông Trịnh Tiến Dũng - Bí thư Đảng uỷ xã Hương Sơn - lại cho biết: Trước đây, Nhà nước có giám sát, nhà chùa thu tiền, sau một thời gian thì nhà chùa giám sát, quản lý toàn bộ. Nay tỉnh muốn huyện (Mỹ Đức) nắm để biết nguồn thu, còn chùa vẫn thu tiền.

Theo tài liệu phổ biến tín ngưỡng, tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Điều 28, mục 1 có nêu rõ: "Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật".

Theo đó, nếu huyện nắm và quản lý số tiền trên thì không đúng theo quy định. Nhân dân thập phương đóng góp công đức vào nhà chùa và nhà chùa có trách nhiệm phân bổ số tiền đó để dành tu bổ, tôn tạo các di tích. Đó là điều hiển nhiên và thực tế cho tới nay, các công trình tu bổ, tôn tạo tại chùa đều là tiền chùa!

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên