18/10/2007 14:11 GMT+7

Chung ước mơ khám phá những vì sao

MẠNH KHÔI
MẠNH KHÔI

TTO - Cùng chung niềm đam mê khám phá vũ trụ; mày mò học hỏi và tự chế được những chiếc kính thiên văn có thể quan sát được bầu trời, mặt trăng, sao Thổ - đó là vài nét về câu lạc bộ (CLB) thiên văn nghiệp dư ấy.

SnmRjL9p.jpgPhóng to
Hình chụp mặt trăng từ kính thiên văn của CLB - Ảnh: Anh Tuấn
TTO - Cùng chung niềm đam mê khám phá vũ trụ; mày mò học hỏi và tự chế được những chiếc kính thiên văn có thể quan sát được bầu trời, mặt trăng, sao Thổ - đó là vài nét về câu lạc bộ (CLB) thiên văn nghiệp dư ấy.

CLB ấy chính thức thành lập ngày 19-5-2007, quy tụ nhiều người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, có người đã đi làm, có người là học sinh, sinh viên…

Những người vươn ra vũ trụ

Cùng gặp nhau trên những diễn đàn online về khoa học vụ trụ, thiên văn… họ dần dần cảm thấy gần gũi hơn vì có cùng niềm đam mê tìm hiểu về vũ trụ, về những ngôi sao, những hành tinh. Từ những diễn đàn họ đã gặp nhau thật ở ngoài đời và kết bạn, lập nên CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM. Nói về CLB, anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB cho biết: “Trong CLB không có ai học về thiên văn cả, người học bách khoa, kinh tế, tổng hợp… nhưng ai cũng mê thiên văn nên tham gia CLB”.

Anh Tuấn là dân bách khoa nhưng đã tìm hiểu, nghiên cứu thiên văn khi mới vào đại học. Vốn mê tìm hiểu về vũ trụ, thiên văn từ nhỏ nhưng do ở quê (Vĩnh Long - NV) nên Anh Tuấn không có điều kiện tiếp xúc và nuôi dưỡng niềm đam mê này. Song với Anh Tuấn: “Mình rất thích khám phá, tìm hiểu về thiên văn, vũ trụ, giờ nó trở thành một phần không thể thiếu đối với mình”.

Chính vì vậy mà khi vào các diễn đàn online của giới thiên văn, anh đã nhanh chóng làm quen rồi tập hợp những người có cùng sở thích như mình vào CLB. Tuấn bộc bạch: “Hiện giờ ở TP.HCM ai nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực vật lý - thiên văn mình đều biết hết”.

Cũng là người mê thiên văn, anh Lê Quang Thủy, trưởng nhóm làm kính thiên văn của CLB cho biết: “Ngày nào cũng vậy, tôi phải dành một giờ cho thiên văn mới… ngủ được, những ngày nghỉ thì dành nhiều hơn cho thiên văn”. Thời gian dành cho thiên văn là khi anh lên mạng tìm đọc những thông tin mới nhất về lĩnh vực này trên báo, hoặc đọc những nguyên lý cấu thành vũ trụ, đọc tài liệu về các ngôi sao, hành tinh xa tít… Anh Thủy say sưa nói: “Khi đọc, hiểu về những hành tinh nằm trong vũ trụ cảm thấy thích thú lắm”.

vKbyVVfz.jpgPhóng to x9tQIfj6.jpg

Các thành viên CLB và chiếc kính thiên văn tự tạo với giá 500.000 đồng - ảnh M.K.

Không chỉ có Anh Tuấn, anh Thủy mà còn rất nhiều bạn trẻ khác khi vào diễn đàn trên mạng, chia sẻ về những hiểu biết của mình về thiên văn cũng trở thành thân quen và hội tụ về CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM. Nhất là sau khi tổ chức Ngày hội thiên văn vũ trụ vào ngày 7-10 vừa rồi thì số lượng bạn trẻ tham gia đã lên đến con số trên 100 người.

Tự tạo kính thiên văn

CLB ra đời, nhu cầu hoạt động thực tiễn được đặt ra, đó là nhu cầu quan sát bầu trời, quan sát thiên văn. Thế nhưng không có kính thiên văn thì làm sao thực hành quan sát, còn nói miệng thì có khác gì đọc sách! Đó là những trăn trở của những người đồng sáng lập CLB để rồi chủ nhiệm Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề ấy với một thành viên của CLB là anh Lê Quang Thủy.

Sau khi được đặt vấn đề, anh Thủy đã lên mạng tìm kiếm tài liệu, thông tin về kính thiên văn, cùng những nguyên lý về kính tải về nghiên cứu. Lúc đó anh Thủy phát hiện dân amateur thế giới đã có làm nhiều kính thiên văn vì “thường dân nghiệp dư đều nghèo lấy đâu ra tiền mua kính thiên văn với giá hàng ngàn đô”, anh Thủy nói.

Thế là anh bắt tay vào làm thử với cái khó nhất là gương cầu. Không có những vật liệu chuyên nghiệp, anh Thủy và các thành viên trong CLB phân công nhau đi tìm vật liệu. Đó là ống kính cũ trong máy ảnh, máy quay phim từ “chợ trời”, ống nhựa, kính trong xây dựng… Mua những vật liệu ấy với giá một món vài ba chục ngàn để cải tiến, mài thành những thấu kính, thị kính “với chất lượng không thua gì…hàng hiệu” các bạn trong nhóm làm kính cho biết.

GcP3q82K.jpgPhóng to

Anh Lê Quang Thủy: “Mỗi ngày tôi phải dành một giờ cho thiên văn mới ngủ được". Anh là trưởng nhóm làm kính thiên văn của CLB - Ảnh: M.K.

Dù chỉ bỏ ra mỗi ngày một vài giờ cho việc chế tạo kính cùng những vật liệu mua với giá cực rẻ ở “chợ trời”, ở những nơi bán đồ cũ nhưng chẳng bao lâu chiếc kính thiên văn đầu tiên (loại kính phản xạ) cũng thành công với giá nguyên vật liệu khoảng vài trăm ngàn.

Rồi những nguyên lý ấy được nâng cấp lên để làm ra những sản phẩm “ngon lành hơn, chức năng lớn hơn, quan sát tốt hơn”. Những chiếc kính lớn hơn, có khả năng quan sát xa và rõ hơn lần lượt ra đời theo thời gian dù các thành viên chỉ dành cho việc làm kính có vài giờ mỗi ngày.

“Ai cũng có việc riêng, người đi học, người đi làm nên cứ thế phân công ai làm được gì thì làm cho sản phẩm chung của CLB”, Nguyễn Anh Tuấn bộc bạch. Chiếc kính tổ hợp (nếu mua bên ngoài với chức năng tương tự giá khoảng vài ngàn đô, sắp hoàn thành qua bàn tay của những nhà khoa học nghiệp dư chỉ với giá vài trăm ngàn đồng. Số tiền làm kính đều do anh em CLB gom góp từ tiền túi và nguyên liệu từ “chợ trời”)…

Làm được kính thiên văn cho CLB, các thành viên làm kính ngay lập tức chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các anh em nghiệp dư khác ở Hà Nội, Đà Nẵng…bằng cách viết cách làm và tải lên địa chỉ của CLB (www.vietastro.org). Có những người không tìm được vật liệu để chế tạo kính thì anh Thuỷ và các thành viên trong CLB sẵn sàng cung cấp và làm giúp những chi tiết khó thực hiện.

Anh Thủy nói: “Chia sẻ như vậy để anh em cùng thực hiện được ước mơ khám phá vũ trụ của mình. Được xem hình ảnh từ các hành tinh bởi cái kính do mình làm ra “khoái” lắm”. Với những nhà khoa học nghiệp dư của CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM thì đó là cái tâm của người làm khoa học: chia sẻ những hiểu biết của mình cho mọi người cùng có lợi.

Một số dự án thiên văn mà bạn trẻ, các nhà thiên văn nghiệp dư có thể tham gia:

- Dự án HOU (Hands On Universe): dành cho HS các trường THPT, SV trên toàn thế giới sử dụng và phân tích những hình ảnh được chụp trên những đài thiên văn lớn của thế giới. Tìm hiểu tại www.handsonuniverse.org

- Dự án SYSTEMIC – Tìm kiếm hành tinh ngoài hệ mặt trời dành cho nhà thiên văn nghiệp dư. Tìm hiểu tại www.oklo.org

- Dự án SETI – Tìm sự sống ngoài hành tinh dành cho những “nhà khoa học bình dân”. Tìm hiểu tại www.seti.org

MẠNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên