![]() |
NSƯT Thế Tuyền |
Mặc dù Thế Tuyền không thiếu nhiệt tình, các diễn viên trẻ vẫn từ chối, với họ hát kiểu cổ rất khó. “Chẳng lẽ lại ra đường hô: Làng nước ơi có ai học hát văn không à!”, ông hóm hỉnh nói…
Tại Hội Phủ Giày 2002, gặp Thế Tuyền trên ghế BGK chấm hát văn, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền biết mình đã may mắn được tiếp xúc với một kho tư liệu sống. Giọng Thế Tuyền trong nghề gọi là thổ màu (“nôm na” là giọng nam trung biểu cảm, sinh sắc). Ông hát rất có tình, rất khí thế.
1. Thế Tuyền học hát văn từ cha, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiệp (1904-1979) - nổi tiếng trong giới vì tay đàn không giống ai. Nguyên công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, ông Hiệp bị tai nạn lao động, mất bàn tay khi đang tra dầu máy. 25 tuổi, ông Hiệp bước sang hát văn.
Ông buộc một miếng gảy bằng tre vào mỏm tay cụt mà chơi đàn nguyệt; rồi định cư Hà Nội, mở hiệu phở ở Đại La. Cậu út Thế Tuyền lên 6 đã dự lên đồng, 12 tuổi đã theo các bậc Đan, Khiêm, Kha (nay ở Hà Nội chỉ còn cụ Kha vào tuổi 80) đi khắp các đền Hàng Dầu, đền Hàng Giày, chùa Trấn Quốc cùng các đền điện tư nhân ăn lộc Mẫu.
Sau 1954, lên đồng bị xếp vào loại mê tín dị đoan, hát văn cũng vạ lây. Hà Nội không còn đất sống, cả nhà Thế Tuyền dắt nhau về quê cũ - nơi có đền Cửa Cát bên sông Hồng, mở hội tháng Tám. Năm 1959, Thế Tuyền thi vào Đoàn Chèo Nam Định và trở thành lứa diễn viên đầu tiên.
Ở đoàn, ngoài vai trò kép chính, Thế Tuyền đệm đàn nguyệt cho Kim Liên hát những bài văn mới (lời phần lớn của nhà văn Chu Văn, nguyên Trưởng Ty Văn hóa Hà Nam Ninh), hoặc vừa đàn vừa hát. Nội dung chính của hát văn thời kỳ này là ca ngợi chế độ mới, cổ động chủ trương mới, cổ vũ tinh thần sản xuất và chiến đấu.
Việc của Thế Tuyền là chọn làn điệu. Nội dung “trữ tình” thì cho vào điệu Cờn, chẳng hạn bài Gái đảm Nam Hà, có đoạn: Cô gái Nghĩa Hưng, bèo dâu ngập đất, ruộng đồng tốt tươi… Cần tăng cường khí thế thì dùng điệu Xá. Ca ngợi thì dùng điệu Vãn cho tôn nghiêm. Rồi Thế Tuyền cũng chỉnh sửa lời và biến tấu cho phù hợp. Chẳng hạn Đạn reo ii… thì hát thành aa… ngân dài cho… hoành tráng!
2. Hơn 30 năm trước, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiệp - cha Thế Tuyền, từng tâm sự: “Trong đời cung văn, tôi chỉ chịu thua có ông cả Mã trên Hà Nội, nhưng cả Mã cũng không thể bì được thằng Tuyền. Mà bà lão nhà tôi (mẹ kế của Thế Tuyền - PV) hát cũng không ví nổi được với cái Kim Liên bây giờ. Nói anh bỏ lỗi chứ, giá là thời xưa, thằng Tuyền với cái Liên đi hát, thì dân cung văn tứ xứ đến xấu hổ mà đập đàn nhóm bếp cả!” (*)
Giờ đây, ông Tuyền nói lại: “Nói thế cũng không phải với các cụ, các cụ hay ở cái cổ. Chỉ có văn mới thì đúng là đàn hát phải có khí thế, theo đúng tính chất lời văn, là điều mà không phải ai cũng làm được”. Hát văn kiểu mới tiết tấu tăng nhanh, một bài kết cấu theo kiểu ca khúc, có mở có kết, chứ không miên man đàn, thỉnh thoảng mới hát như hát văn “cổ điển”.
Tuy nhiên, mỗi bài văn mới gói ghém nhiều làn điệu, mà cây đàn nguyệt có đặc trưng là sang làn điệu khác phải lên dây lại. Do vậy, nhờ hát văn mới mà Thế Tuyền luyện được tuyệt chiêu lấy dây trong đúng có một nhịp - bài hát vẫn diễn tiến như thường.
Thời chiến, hát văn sống trên sân khấu, trên sóng phát thanh, có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trước mỗi đêm chèo, bao giờ cũng phải có tiết mục hát văn hâm nóng. Ông Bí thư Đảng ủy xã Xuân Tân có lần tâm sự với Thế Tuyền: “Trong bom đạn, ôm chiếc Oriont nằm dưới địa đạo nghe anh chị hát mà nhớ quê hương, chỉ muốn xông lên diệt giặc…”. Đó có thể chính là tác dụng của bài Hoa dũng sĩ (1968)- lời do một anh bộ đội ký tên Lê Na viết từ chiến trường B ra, yêu cầu đích danh Kim Liên - Thế Tuyền thể hiện.
3. Hết thời oanh đến thời liệt. “Bây giờ đến lúc được hát văn thoải mái thì mình lại không tham gia được. Bà đồng trẻ nhìn bọn mình cũng chán... Cái quan trọng là bà đồng bây giờ không đủ tư cách để thưởng thức hát văn cổ. Họ chỉ thích lên giá Thượng để còn nhảy! Mẫu Thoải con vua Thủy thì họ bảo xúi quẩy - không hầu cái giá ấy! Các cung văn trẻ cũng chỉ học nhanh nhanh còn đi theo bà đồng kiếm tiền”, ông Tuyền kể. “Ngày trước, bà đồng thuộc văn, về giá nào biết giá ấy. Hát sai văn hoặc không đúng điệu, bỏ phắt khăn ra, không hầu nữa”.
Còn bây giờ, người ta hát văn dễ dãi, tùy tiện. Chẳng hạn, giá ông Hoàng Mười ở Nghệ An thì người ta thêm cả dân ca Nghệ Tĩnh, hò Huế vào. Thế cũng chưa “bạo” bằng tóm cả inh lả ơi lẫn Nhạc rừng vào giá Mẫu Thượng Ngàn. Một bài hát thiếu nhi của Bùi Đình Thảo (Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi) cũng được trưng dụng, sửa sang tí chút: Cọ xòe ô che nắng râm mát đường cô đi… Rồi tùy tình hình mà vận dụng Lý ngựa ô, Lý qua cầu, nhạc vàng...
Ông Tuyền bảo: “Hát văn bây giờ Tây ta hỗn hợp. Một số người đến yêu cầu tôi dạy cho họ - chỉ cần biết hát, họ bảo hát gì thì kệ họ, đàn, phách không cần.” Cách đây… 7 năm, ông nhận dạy một người gốc Nam Hà, từ tận khu kinh tế mới Tây Nguyên ra xin học. Tuy nhiên, anh này cũng chỉ học một tháng cho biết...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận