08/12/2010 11:27 GMT+7

Chưa có kinh nghiệm, trình bày ra sao khi phỏng vấn?

               NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT    
               NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT    

TTO - * Tôi năm nay 24 tuổi, tốt nghiệp ĐH ngành thương mại một trường ĐH dân lập ở TP.HCM năm 2008. Sau khi tốt nghiệp tôi quyết định học tiếp cao học mà không đi làm vì lúc đó tôi thích làm giảng viên, mặt khác tôi nghĩ hãy học luôn một lần rồi sau này đi làm, vừa làm vừa học không hiệu quả.

ccmtsTlo.jpgPhóng to
Ảnh: job-interview-power.com
TTO - * Tôi năm nay 24 tuổi, tốt nghiệp ĐH ngành thương mại một trường ĐH dân lập ở TP.HCM năm 2008. Sau khi tốt nghiệp tôi quyết định học tiếp cao học mà không đi làm vì lúc đó tôi thích làm giảng viên, mặt khác tôi nghĩ hãy học luôn một lần rồi sau này đi làm, vừa làm vừa học không hiệu quả.

Lúc đầu tôi rất háo hức với việc học nhưng sau một năm, càng học tôi càng thấy nản và mệt mỏi vì chương trình học không hứng thú với tôi. Trong khi đó, bạn bè tôi ai cũng đều đi làm và có kinh nghiệm làm việc.

Đầu năm 2010, tôi quyết định nộp đơn xin việc vào các vị trí giảng viên, nhân viên kinh doanh, xuất nhập khẩu (những vị trí đúng với chuyên ngành tôi đào tạo ĐH) ở rất nhiều nơi nhưng thất bại vì chưa có kinh nghiệm làm việc.

Hiện nay tôi cảm thấy rất chán nản và mệt mỏi, không còn hứng thú với nghề giảng viên nữa, nhưng cũng không thể bỏ ngang việc học cao học vì tiếc. Tôi cảm thấy mình đã tính toán sai lầm trên bước đường sự nghiệp của mình.

Bây giờ khi đi xin việc tôi phải trình bày trong CV của mình như thế nào? Tôi sẽ trả lời như thế nào khi nhà tuyển dụng hỏi tôi về kinh nghiệm làm việc, chưa kể tôi tốt nghiệp trường ĐH dân lập? Và tôi phải tìm công việc nào thì thích hợp?

(Trinh Xuan Hung)

- Chào bạn. Chúng tôi rất hiểu cảm giác của bạn khi mọi dự tính cho tương lai không diễn ra như bản thân mong đợi.

Để giải quyết vấn đề, điều đầu tiên bạn cần làm là bình tâm suy xét: tâm trạng “chán nản, mệt mỏi” của bạn thật sự xuất phát từ nguyên do gì, không hứng thú với tính chất công việc giảng viên, hay đơn thuần không hứng thú với chương trình học cao học?

Nếu nguyên nhân nằm ở chương trình học, tuy nhiên bạn vẫn mong muốn trở thành giảng viên, chúng tôi thiết nghĩ bạn cần nhanh chóng vực dậy tinh thần, nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn và hãy kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu của mình. Trong quá trình theo học, bạn có thể làm các công việc bán thời gian, thời vụ hay toàn thời gian (nếu sắp xếp được) liên quan đến chuyên ngành học để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nhằm phục vụ việc giảng dạy trong tương lai; hoặc làm giáo viên dạy kèm để rèn luyện kỹ năng giảng dạy…

Trường hợp bạn xác định ước mơ nghề nghiệp của mình không còn là giảng viên và muốn xác định một công việc khác phù hợp và tập trung theo đuổi ngay từ bây giờ, bạn nên tiến hành tìm việc trên tất cả các kênh tiềm năng như: báo chí, website, qua các mối quan hệ… Hãy đọc thật kỹ các bản mô tả công việc thuộc các ngành nghề khác nhau để xác định công việc tương đối phù hợp nhất với sở thích và sở trường bản thân cũng như phù hợp với năng lực hiện tại của bạn.

Ở giai đoạn đầu chuyển hướng nghề nghiệp, chức danh công việc và mức lương có thể chưa đúng với mong đợi của bạn. Tuy nhiên, khi đã làm một công việc tương đối phù hợp nhất, đây là lúc bạn tích lũy kinh nghiệm thực tế và kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực yêu thích.

Một công cụ đắc lực sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình tìm công việc mơ ước là hồ sơ tìm việc. Với trường hợp của bạn, mặc dù chưa có kinh nghiệm vẫn có thể tạo được một hồ sơ ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng cách bổ sung những dự án nghiên cứu, hoạt động xã hội hay việc tham gia các hội, đoàn trong trường học; tập trung nhấn mạnh kiến thức, thành tích và kỹ năng mềm bạn đã tích lũy được.

Ngoài ra, hãy tận dụng ưu thế của thư xin việc: trong thư hãy nhấn mạnh lợi thế của bản thân, thể hiện niềm đam mê và quyết tâm muốn gắn bó lâu dài với lĩnh vực yêu thích.

Về kinh nghiệm, trong thư tìm việc và lúc trả lời phỏng vấn, hãy trình bày hai năm qua bạn đã tập trung thời gian để nâng cao kiến thức chuyên ngành, đồng thời xác định công việc yêu thích, giờ đây bạn đã có thể sắp xếp thời gian để theo đuổi công việc mơ ước và áp dụng những kiến thức đã học để hoàn thành tốt công việc được giao…

Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ với bạn là: tốt nghiệp trường ĐH dân lập không phải là vấn đề quá lớn khi bạn tìm việc, vì hầu hết các nhà tuyển dụng uy tín đều đánh giá ứng viên dựa trên năng lực và thái độ làm việc của họ.

Chúc bạn vững tâm và có quyết định sáng suốt cho tương lai!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

               NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT    
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên