* Bịa đặt trong Sự tích Hồ Tố đại vương ở làng Yên Lão!
Trong bài 77, trang 263- 264, Sđd, tác giả Lương Hiền viết:
“Đến đời Trần Nhân Tông có giặc Ô Mã Nhi sang đánh nước ta, ông Hồ Tố đề cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” ra đánh giải vây, cắp được vua Trần ở trong vây chạy thoát, rồi bàn với ông Trần Hưng Đạo cắm chông và lưới sắt ở sông Bạch Đằng, chém được tướng Ô Mã Nhi, giặc Tàu tan chạy, vua phong cho là Hồ Tố Đại vương”.
Nhưng theo lịch sử thì: Cờ đề “Phá cường địch, báo hoàng ân” là cờ của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Ba lần quân Nguyên Mông xâm lược, không có lần nào vua Trần bị vây để cho ông Hồ Tố cắp vua ở trong vòng vây chạy thoát! Chỉ có lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông tự làm tướng, đón đánh quân Nguyên Mông ở Bình Lệ nguyên, quân ta núng thế, tướng Lê Tần can vua không nên dốc túi đánh nước cuối cùng, mà nên lui quân tránh thế mạnh ban đầu của giặc.
Vua Trần Thái Tông nghe lời can, hạ lệnh lui quân về sông Lô. Quân Nguyên Mông bám theo bắn tới tấp vào thuyền vua, tướng Lê Tần đem vua xuống thuyền nhỏ, dùng ván thuyền che lớp mưa tên được an toàn. Đây là cuộc lui quân, không phải bị vây.
Tướng Ô Mã Nhi bị quân ta bắt sống tha chết cho, trên đường về Tàu bị đắm thuyền mà chết, không phải quân ta chém chết tướng Ô Mã Nhi. Quân ta cắm cọc ở sông Bạch Đằng, không phải cắm chông.
Sự tích Hồ Tố Đại vương ở làng Yên Lão, xã An Lão hoàn toàn bịa đặt vụng về “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”, trong dân gian đâu có chuyện này!!!
* Gái đẹp thành ra... sóng không màu, không mùi
Hai câu: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách/Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Nghĩa là: Mưa không có khóa mà giữ được khách/ Sắc đẹp không phải là sóng lớn mà dễ dìm chết người.
Tập Các Trạng Nguyên nước ta, NXB Giáo dục Hà Nội, xuất bản năm 1989, lại dịch là: Mưa không ngớt không thể giữ khách. Sóng không màu dìm chết người thi đỗ như chơi.
* Đường về lăng miếu thành đường của kẻ săn bắn
Hai câu trong bài thơ qua núi Tam Điệp (Quá Tam Điệp sơn), tức đèo Ba Dội, của vua Thiệu Trị: Bất vi Vương ốc không lưu kính/Cánh tác La Phù thặng biệt tung.
Nghĩa là: Há như Vương ốc không đường tắt/ Còn giúp La Phù tỏ lối thông (Vua Thiệu Trị ví núi Tam Điệp (Đèo Ba Dội) hiểm trở như núi Vương ốc ở phía nam Ký Châu (Trung Quốc), nhưng núi Tam Điệp (Đèo Ba Dội) có đường đi tắt về làng La Phù, nơi có lăng miếu nhà Hậu Trần (1407- 1414), cách đó hơn 10 km.
- Trong cuốn Cảnh đẹp Ninh Bình, NXB Thế giới Hà Nội, 1997, lại dịch nghĩa là: Nếu không phải là con đường đi lại của nhà vua/ Thì cũng là lối đi lại của kẻ săn bắn.
* Thơ lãng mạn thành văn của anh kỹ sư trồng trọt
Đôi câu đối chữ Hán, dịch nghĩa là: Cây chuối tiêu xanh ngoài vườn không có lòng dâm mà bốn mùa có chửa (có trái)/ Cây quế đỏ cung trăng chẳng đắp vun mà tám tiết đều xuân.
Tập Nam Định đậm đà bản sắc dân tộc (Sở VH-TT Nam Định, 2000) dịch nghĩa là: Cây chuối ngoài vườn, người quân tử ngồi bên cửa sổ cũng thấy vui vui/ Cây dưới trăng không lấp đất vào gốc thì từ tháng tám không được tốt tươi.
* Chết hơn 600 năm vẫn được mời về kinh
Thiền sư Đỗ Đô công đời Lý, thờ ở chùa Phúc Thắng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (1762) đời Lê Trung Hưng, sắc phong thêm Mỹ tự (chữ đẹp) có đoạn (…) nghĩa là: Vì Tự vương phong lên vị Vương, vào ở Chính phủ, lễ có lên bậc, nên gia phong Mỹ tự (chữ đẹp)...
Tác giả Văn hóa vùng đất Lạng, Hương Mần, lại dịch là:
Vì Tự vương phong lên ngôi Vương, Thiền sư tới Kinh đô phụ chính, để tôn phù tôn miếu, xã tắc, làm cho bền chặt cơ đồ lớn, thì cần đăng trật (lên bậc)...
Thiền sư Đỗ Đô công mất năm 1122, đến năm 1762 là 640 năm, Thiền sư còn đâu để vào Kinh đô phụ chính, tôn phù tôn miếu, xã tắc?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận