![]() |
Các bạn trẻ đang chọn mua phần mềm "giá rẻ" tại cửa hàng máy tính trên đường Bùi Thị Xuân, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Những điều trông thấy...
Theo đánh giá của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), VN là nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới (95%). Thực tế cho thấy tại các cửa hàng bán linh kiện, phụ kiện và các mặt hàng liên quan đến máy tính ở các phố Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng, Sương Nguyệt Anh (TP.HCM) hay Lý Nam Đế, khu Bách khoa... (Hà Nội), phần mềm lậu được bày bán công khai với giá bất ngờ (chỉ 8.000-12.000 đồng/đĩa).
Khi chúng tôi hỏi một chủ cửa hàng trên đường Sương Nguyệt Anh: “Tôi muốn mua chương trình diệt virus”, chị bán hàng lập tức đưa cho cả xấp catalogue để lựa chọn. Trong số những chương trình giới thiệu trong các catalogue này có những sản phẩm mặc dù chưa được nhà sản xuất chính thức phát hành nhưng đã có bản lậu được bán với giá rất rẻ như Windows Longhorn. Không chỉ có các phần mềm máy tính, các phần mềm, game, công cụ cho điện thoại di động bẻ khóa cũng được cung cấp công khai với giá chỉ 10.000 - 20.000 đồng. Ngoài những chương trình phần mềm của các nhà sản xuất nước ngoài như Windows XP, Office XP, còn có những sản phẩm của VN như mtd2002, Vietkey, Vietspell, Vietware và nhiều phần mềm văn phòng khác.
Ông Hà Thân, giám đốc Công ty Lạc Việt, cho biết trong khi công ty bán được khoảng 10.000 sản phẩm (300.000 đồng/bản), con số phần mềm sao chép lậu đã lên gần 500.000 bản với giá chỉ 10.000 đồng/bản. “VN có 1,5 triệu máy tính thì chỉ có khoảng 5% trong số này sử dụng sản phẩm của chính hãng, còn 95% máy dùng sản phẩm bất hợp pháp”, ông Thân nói.
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT thuộc Bộ Bưu chính Viễn Thông, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ vi phạm bản quyền cao như vậy chính là mức sống ở Việt Nam còn thấp mà giá sản phẩm chính hiệu như Windows lại quá cao, sản phẩm dễ dàng bị sao chép và có vòng đời thấp. Hơn nữa, đến nay, Nhà nước chưa có văn bản nào chỉ đạo cơ quan sử dụng phần mềm có bản quyền, các cơ quan pháp luật cũng chưa có biện pháp hợp lý để xử lý triệt để tình trạng này. |
Trong các công ty, doanh nghiệp VN, người ta cũng khó tìm được đơn vị nào dùng phần mềm hợp pháp. Thực tế này cho thấy vào ngày 5-5, Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiến hành thanh tra ba công ty máy tính lớn ở Hà Nội và tìm thấy vài chục máy tính không hề cài phần mềm hợp pháp, giá trị phần bẻ khóa được cài đặt trong mỗi máy tính không dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi của cả tảng băng. Bởi hiện nay có đến 99% doanh nghiệp nhà nước dùng phần mềm không có khóa.
Giải pháp không thực tế!
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng tham vọng đạt 500 triệu USD doanh thu phần mềm vào năm 2005 sẽ không thực hiện được nếu Nhà nước không mạnh tay dập tắt nạn ăn cắp bản quyền. Đó là chưa kể đến việc kinh tế VN không thể phát triển và có thể bị trừng phạt nếu không tôn trọng các cam kết quốc tế khi chính thức gia nhập AFTA, WTO.
Theo ông Tuấn, muốn người tiêu dùng từ bỏ dần thói quen dùng phần mềm bẻ khóa, cần phải có sự quyết tâm lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Trước hết, cần thấy rằng việc vi phạm của người dân một phần cũng là do không có kiến thức về pháp luật và không có hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ. Do vậy cần có các biện pháp đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân về vấn đề sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm. Thứ 2, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chế tài xử lý vi phạm và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc thực thi nghiêm luật SHTT. Thứ 3, cần phối hợp các bộ, ngành, địa phương để mở các đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, cũng cần phải đàm phán với các tập đoàn phần mềm lớn để giảm giá bán sản phẩm phần mềm cho Việt Nam, đầu tư phát triển và khuyến khích ứng dụng phần mềm nội địa, nhất là phần mềm nguồn mở.
Tuy nhiên, trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, các nhà chức trách địa phương cũng đều khẳng định sẽ hợp tác tìm hiểu tận gốc tình trạng vi phạm bản quyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó phải có quan điểm rõ ràng và quyết tâm ủng hộ những hoạt động bảo vệ bản quyền, xây dựng và tôn trọng thương hiệu phần mềm VN, đồng thời sẽ thành lập một hệ thống quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thống nhất. Thế nhưng cho đến nay những vấn đề này vẫn chưa hề được giải quyết.
Để tránh trả chi phí cao cho việc mua bản quyền mà không vi phạm, công ty máy tính FPT Elead, CMS, Viettronics Tân Bình và một số doanh nghiệp khác cho biết sẽ cài sẵn hệ điều hành mã nguồn mở Linux với giá 1 USD/máy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều cho rằng Linux chưa phải là giải pháp tốt để thay thế Windows. Điểm yếu chung của tất cả các gói Linux là có quá ít ứng dụng, và tính tương thích phần cứng, phần mềm kém. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, Vietkey Linux, một trong những gói Linux được trông đợi nhiều nhất, vẫn còn quá non trẻ và chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Theo một điều tra gần đây, trong một số dự án máy tính cho trường học, các công ty máy tính đã cài Vietkey Linux trên các máy tính, nhưng sau khi đưa về trường, đa số các máy này đều xóa phần mềm Linux và thay bằng Windows. Vì thế, nhiều khả năng là mặc dù mua máy tính có sẵn Linux, người dùng cũng sẽ ra cửa hàng và tự mua đĩa CD Windows về để tự cài đặt.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện tại Chính phủ đang làm việc với Microsoft để đàm phán về việc giảm giá sản phẩm của họ cho Việt Nam. Chính sách giảm giá này có thể được áp dụng linh hoạt tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, đối với từng dự án, đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm nguồn mở để giúp lộ trình giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền ở VN khả thi hơn.
Các nhà sản xuất máy tính VN nói gì? Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc công ty máy tính Mekong Xanh, cho biết: “Sử dụng phần mềm bẻ khóa là phạm luật, nhưng nhiều khách hàng đều cho rằng đã mua máy tính thì hiển nhiên phải có các phần mềm thông dụng. Họ chưa có thói quen chi tiền cho bản quyền phần mềm, đặc biệt là phần mềm của Việt Nam, vì giá sẽ cao hơn khá nhiều so với hiện nay. Tuy vậy, nếu khách hàng nào có nhu cầu cài đặt phần mềm có bản quyền thì chúng tôi cũng sẽ cài vào, nhưng rất tiếc cho đến nay số lượng người dùng yêu cầu cao nhất cũng chỉ 2% mà thôi”. Ông Vũ Quang Vinh, giám đốc công ty TNHH Vĩnh Trinh, nhà lắp ráp máy tính thương hiệu SuperPower: "Khi chúng tôi cung cấp máy tính, không có mấy người hỏi mua bản quyền phần mềm trên các máy tính, vì giá máy sẽ bị tăng lên tối thiểu 500 - 600 USD so với hiện nay. Với mức sống như hiện nay, quả thực có rất nhiều khách hàng không kham nổi và họ lại tìm đến những nơi cung cấp đầy đủ. Vấn đề chính ở đây là khách hàng không chấp nhận và chưa ý thức được việc sử dụng phần bẻ khóa là phạm pháp. Tuy nhiên, từ sau đợt thanh tra này chúng tôi quyết định thuê bộ phần mềm của Microsoft để sử dụng tại văn phòng với giá 349 USD/năm để giải quyết tạm thời vấn đề bản quyền tại công ty. Với khách hàng, sẽ bán máy nhưng không cài đặt phần mềm". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận