20/11/2010 06:45 GMT+7

Chống nghiện game từ gia đình

MAI VINH
MAI VINH

TT - Hôm qua 19-11, 10 học viên lớp cai nghiện game online do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức đã hoàn tất khóa học, trở lại cuộc sống thường nhật sau hai tuần sinh hoạt cách ly với những bài trị liệu và hoạt động đặc biệt.

arNBZ8oF.jpgPhóng to
Các hoạt động tập thể là một bài trị liệu trong khóa cai nghiện game online - Ảnh: MAI VINH

Tại khóa học, sau khi được điều trị ổn định các vấn đề về sức khỏe tâm thần và được hướng dẫn tìm đam mê mới thay thế đam mê cũ, các học viên được vận động tự nguyện xóa toàn bộ tài khoản game online. Đêm xóa tài khoản là đêm mà các game thủ vật vã và nhiều nước mắt nhất.

Khi gia đình không là mái ấm

Sau đêm tự tay định đoạt số phận các nhân vật của mình, các game thủ gần như thoát khỏi trạng thái trầm cảm, trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng hơn và bắt đầu tham gia các hoạt động của khóa học tích cực, chủ động hơn. Các bạn cũng tâm sự, chia sẻ về cuộc sống gia đình mình. Trong câu chuyện về gia đình, mỗi bạn đều có một hoàn cảnh mà ở đó điểm chung đều chứa đựng những yếu tố bất ổn do phía người lớn tạo ra.

Cách giáo dục của gia đình sai

Học viên đến lớp trễ nhất trong tình trạng được xem là nặng nhất là N.T.H. (TP.HCM). H. cũng là người mang chứng trầm cảm nặng và phải thường xuyên uống thuốc an thần do bị ám ảnh bởi các hành vi và hình ảnh nhân vật trong game. Ông Nguyễn Hoàng Minh Tân khẳng định: “Tình trạng của H. có lẽ sẽ không đến nỗi nếu gia đình hành xử khéo hơn, không nhốt H. trong nhà liên tục hai tháng. H. từng nói trong hai tháng đó em cô đơn và hoảng loạn tột độ”.

Trong mắt N.H.Đ., tỉnh Bình Thuận, “gia đình là nơi có bố dữ dằn” và xông vào đánh Đ. mỗi khi đi nhậu về, mẹ thì liên tục la mắng con từ những việc rất nhỏ nhặt và tỏ ra nghi ngờ mỗi khi Đ. ngồi vào máy tính. Khi đến trung tâm, khái niệm về tình cảm gia đình với Đ. rất mờ nhạt, mỗi khi nói về bố mẹ Đ. dùng từ “họ”. Đ. cho biết: “Mình cảm thấy nơi bố mẹ không có tình thương nào cả. Suốt ngày mình trong tình trạng bị quản thúc. Khi chơi game online với những người bạn chưa quen biết mình thấy thoải mái hẳn. Thay vì bị đánh thì mình được đánh”.

T.H.Đ. (TP.HCM) thì thẳng thắn thừa nhận gia đình là nơi có quá nhiều điều xung đột. Bố dạy con một đằng làm một nẻo. Bố mẹ cứ liên tục nói xấu nhau với con và nói xấu nhau với bạn bè. Theo T.H.Đ., câu chuyện còn tệ hơn khi cả bố lẫn mẹ đều không hề tế nhị khi phơi bày mọi thứ không hay ra trước mặt mình. Đ. tâm sự đã cố gắng rất nhiều để hòa nhập vào cuộc sống gia đình nhưng thất bại và hậu quả là một lỗ hổng niềm tin dành cho gia đình đã hình thành.

T.H.Đ. cho biết thời gian chơi game trung bình của mình là hơn 12g/ngày và khẳng định “nơi ấy tôi thấy vui hơn”. Theo các điều phối viên, trước khi học “bài học về tình cảm gia đình”, T.H.Đ. là người có những biểu hiện của chứng trầm cảm nặng và luôn lảng tránh khi kể về gia đình mình. Sau này Đ. chia sẻ không thích nói chuyện với gia đình vì thiếu sự tin tưởng, chủ yếu là nói nhát gừng vài câu cho xong chuyện.

Cần sự yêu thương

Ông Nguyễn Hoàng Minh Tân, giám đốc đào tạo của trung tâm và người trực tiếp quản lý lớp, tỏ ra bức xúc khi một phụ huynh nhờ ông viết cho con mình... một lá thư vì không có thời gian (!). Ông nói: “Khi đưa con đến đây các phụ huynh đều trong tình trạng lo lắng. Bây giờ khi con mình đã khá lên một tí thì chính bố mẹ lại không thay đổi, trở lại như cũ, lo việc của mình và tiếp tục không quan tâm đến chúng”. Ông cảnh báo: kiểu này thì các em đã cai nghiện game và chính các bậc phụ huynh rồi sẽ lại rơi vô vòng luẩn quẩn: con cái nghiện game - cai nghiện game - nghiện game.

Ông Nguyễn Thành Nhân, giám đốc trung tâm, khẳng định: “Các học viên đã bắt đầu có cái nhìn khác về gia đình. Cụ thể là các em đã chịu dùng từ “bố mẹ” thay cho “họ” trong các bài viết thu hoạch sau này và chịu viết thư gửi về tâm sự với gia đình”. Trong cuộc họp phụ huynh lần cuối trước khi làm lễ công nhận học viên đã hoàn thành khóa học, ông nói: “Câu chuyện cuộc đời của các em sẽ do chính các em viết tiếp. Điều quan trọng nhất bây giờ là phải thay đổi cách đối xử với con em mình khi các em đang thay đổi theo hướng tốt. Tất nhiên cách hành xử đó phải nhiều yêu thương”.

Và những người phụ trách lớp mong mỏi: họ đã làm xong phần việc đầu tiên là cách ly các em khỏi cơn nghiện game online và thế giới ảo; việc còn lại, để hướng các em đến những giá trị sống đích thực, có ích và lành mạnh, chính là từ nỗ lực của các em và gia đình.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên