17/11/2012 07:14 GMT+7

Chọn nghề: sở thích thôi, chưa đủ!

(Mai Thi, thingo_nice@...)
(Mai Thi, thingo_nice@...)

AT - * Gia đình muốn em học sư phạm nhưng em muốn học tài chính ngân hàng. Vậy em nên chọn trường nào?

- Người lớn khuyên bạn theo ngành sư phạm hẳn cũng có lý do. Vậy bạn đã thử tìm hiểu vì sao cha mẹ khuyên mình theo nghề này: vì đó là ngành nghề được xã hội tôn quý, vì việc làm ngành sư phạm ổn định... hay vì ba mẹ thấy bạn phù hợp với nghề giáo? Còn bạn, bạn muốn học tài chính ngân hàng vì lẽ gì? Vì đó là ngành “hot” có nhiều bạn chọn, vì nghề đó nghe có vẻ “khấm khá”, nhàn hạ? Bạn đã tìm hiểu kỹ công việc cụ thể ngành nghề đó chưa? Giữa nghề giáo và nghề liên quan đến tài chính, bạn thấy mình dễ thích nghi với ngành nào hơn?

Khi chọn một nghề cho đời mình, sự yêu thích là yếu tố quan trọng vì có yêu thích bạn mới dễ gắn bó và vượt qua khó khăn để theo nghề. Tuy nhiên, thích trên cơ sở bạn phải hiểu rõ ngành nghề đó chứ không phải chỉ là cảm giác thích mơ hồ. Và quan trọng nhất, bạn có phù hợp với ngành nghề mình thích và có đủ học lực thi đậu vào ngành đó không...

Học sư phạm, ra trường làm cô giáo, công việc rõ ràng, dễ hình dung. Nhưng trong ngành tài chính ngân hàng, còn rất nhiều điều HS phổ thông chưa thể hiểu hết. Chẳng hạn như công việc khi ra trường là gì, làm ở đâu... Nếu theo ngành tài chính công việc của bạn sau này có liên quan đến các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán... với các công việc bạn có thể làm như: giao dịch viên ngân hàng, nhân viên thẩm định các dự án cho vay, nhân viên tư vấn chứng khoán... Bạn nên tìm hiểu thêm nhiều vị trí công tác liên quan đến ngành này, thử hình dung khả năng mình có thể làm tốt những việc đó không trước khi đặt bút vào hồ sơ dự thi.

Thêm một yếu tố nữa để bạn cân nhắc: đó là khả năng xin việc làm sau này. Ở ngành sư phạm, hiện nay nhiều tỉnh thành thiếu giáo viên bậc tiểu học và mầm non nhưng đã thừa giáo viên THCS và THPT. Riêng ngành tài chính ngân hàng, do có quá nhiều trường đào tạo, chỉ tiêu đào tạo hằng năm lớn, số người ra trường hằng năm rất đông nên thật sự cũng không dễ tìm việc làm...

Có lẽ, bạn nên ghi ra tất cả những gì mình tìm hiểu được về hai ngành nghề trên, lưu ý đặc biệt đến những yếu tố am hiểu về nghề và khả năng phù hợp của bản thân. Và bạn nên chọn nghề nào mình hiểu hơn, phù hợp hơn. Cũng có thể, bạn chưa thật sự phù hợp với cả hai ngành nghề trên. Cũng không sao, bạn vẫn còn thời gian tìm hiểu thêm hàng trăm nghề nghiệp trên đời. Và nên chọn nghề nào mình thấy “dễ” và gần gũi hơn với mình.

* Cho em hỏi giữa điều dưỡng và y sĩ, ngành nào dễ tìm việc làm hơn?

- Trước đây, khi hầu hết các tỉnh thành thiếu bác sĩ nghiêm trọng, y sĩ là một ngành học có thời gian đào tạo ngắn hơn đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành y tế. Nhưng nay, hầu hết các trường y đã không còn đào tạo ngành này. Ngành y tế địa phương cũng không còn hoặc chỉ tuyển rất ít người có bằng y sĩ. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh thành đều thiếu đội ngũ điều dưỡng. Nhu cầu nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện hiện rất ít. Nhiều bệnh viện tư cũng thiếu điều dưỡng thật sự giỏi. Nhiều người có bằng y sĩ đã học thêm nghiệp vụ để làm công việc điều dưỡng. Vì vậy, cơ hội việc làm ngành điều dưỡng sẽ rộng cửa hơn rất nhiều so với ngành y sĩ.

* Học lực của em chỉ mức trung bình nhưng em yêu thích ngành hướng dẫn du lịch và luật. Em thích học khối C và đang phân vân giữa hai ngành học này...

- Học lực của bạn ở mức trung bình nhưng nếu chỉ tính riêng các môn khối C (những môn bạn dự thi) điểm số có khá hơn không? Xin thông tin thêm với bạn: điểm chuẩn ngành luật khối C những năm gần đây khá cao (bình quân mỗi môn khoảng 6 điểm mới có hi vọng trúng tuyển). Như vậy, nếu điểm số các môn khối C của bạn cũng không cao, bạn sẽ gặp khó nếu thi vào ngành luật hệ chính quy. Bạn có thể chọn một ngành nghề khác, bậc học CĐ hoặc trung cấp và có thể học luật hệ vừa làm vừa học để có kiến thức.

Riêng với ngành du lịch, bạn có thể dự tuyển vào các trường trung cấp hoặc CĐ du lịch. Những bậc học này có thể phù hợp với học lực bạn hơn. Nếu học tốt, bạn có thể trở thành hướng dẫn viên các tour trong nước. Nếu bạn có thêm khả năng ngoại ngữ, giao tiếp tốt, tận tình, chu đáo... bạn sẽ dễ thành công với nghề.

* Muốn làm biên tập viên trong đài truyền hình cần học ngành gì?

- Biên tập viên là nghề liên quan đến “chữ nghĩa” nhiều. Muốn theo nghề này, nhất định bạn phải có năng khiếu ngôn ngữ, viết lách. Biên tập viên báo chí liên quan đến vấn đề xử lý thông tin thời sự, các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc tế... Mỗi lĩnh vực cần sự am hiểu có khác nhau nhưng yêu cầu chung cho người làm công việc này là khả năng xử lý thông tin ở lĩnh vực mình phụ trách. Biên tập viên đài truyền hình còn yêu cầu cao hơn nữa. Bạn nhất định phải có ngoại ngữ tốt, ngoại hình phù hợp với công việc thường xuyên xuất hiện trên màn hình, phải có khả năng nói năng, diễn đạt và cũng phải có giọng nói tốt nữa...

Một số ngành học bạn có thể theo học để làm được việc này như: báo chí truyền thông, ngoại ngữ... Bạn nên lưu ý, đây là một nghề dễ nổi tiếng nhưng không phải dễ thành công và rất “kén người”. Tuy nhiên bằng ĐH ngành nào không quan trọng bằng khả năng bẩm sinh của bạn có phù hợp với nghề biên tập viên hay không. Chúc bạn thành công.

* Năng khiếu của em nghiêng về các môn xã hội, tiếng Anh và có khả năng giao tiếp... Xin định hướng cho em nên thi ngành nào?

- Tiếp sau vấn đề năng khiếu, bạn nên tự hỏi mình thích làm việc gì. Một số ngành nghề có thể phù hợp với bạn như: xã hội học, báo chí truyền thông, quản lý văn hóa, tâm lý học, một số ngành sư phạm xã hội (sư phạm văn, sư phạm ngoại ngữ, sư phạm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân...). Bạn nên tìm hiểu thêm thông tin tuyển sinh các ngành này, tìm thêm thông tin trên sách báo về công việc cụ thể từng ngành để hiểu rõ nghề hơn trước khi chọn nghề.

(Mai Thi, thingo_nice@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên