26/01/2013 03:11 GMT+7

Chọn ngành: cho mình hay cho... cha mẹ?

 H.B.
 H.B.

AT - Thích một ngành nhưng cha mẹ lại muốn con theo ngành khác. Làm sao để tránh được “xung đột” này và nên chọn ngành nghề cho mình hay cho... cha mẹ?

Áo Trắng đã chuyển những băn khoăn của bạn trẻ đến TS Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM - để nhờ thầy giải đáp.

* Em thích một ngành nhưng mẹ em thích em theo ngành khác, em nên theo mẹ hay theo mình?

- TS Đinh Phương Duy: Đầu tiên, không nên tạo căng thẳng không cần thiết giữa mình và cha mẹ. Tại ngày hội tư vấn ở TP.HCM năm trước, thầy gặp một sinh viên năm nhất, bạn này muốn thi lại vào đại học và xin thầy tư vấn. Bạn này kể: “Năm trước em thi cho mẹ và năm nay em thi cho em”. Nếu chúng ta băn khoăn, không dứt khoát sẽ mất thời gian cho việc này. Các em nên chú ý, tham khảo ý kiến của nhiều người lớn, nhưng điều quan trọng, quyết định phải do chính mình đưa ra.

Vấn đề quan trọng là không gây căng thẳng giữa mình và bố mẹ. Em cố gắng chứng minh năng lực của mình phù hợp với ngành em chọn hơn. Bằng nhiều cách, hãy làm cho cha mẹ biết mình phù hợp với ngành nào. Thứ hai, em chứng minh sau khi ra trường em có thể làm tốt trong ngành em đã chọn. Thứ ba, em nói với cha mẹ, sự lựa chọn của con phù hợp hơn những ngành nghề khác. Có thể nói về những người bạn đã thành đạt trong ngành đó, khẳng định được giá trị bản thân, mang lại “danh giá” cho gia đình... Điều quan trọng, thầy nhắc lại là không nên tạo căng thẳng vì ảnh hưởng đến ôn tập, kỳ thi.

* Em muốn thi kiểm toán, nhưng cha mẹ lại muốn em theo ngành sư phạm Anh, em chưa biết thế nào?

- Giống như câu hỏi trước. Em thích đi kiểm toán nhưng cha mẹ lại thích sư phạm Anh. Có lẽ cha mẹ nghĩ em làm giáo viên nhàn hạ hơn. Cha mẹ nào cũng muốn con gái yêu, con trai cưng của mình thành đạt sau này. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết mình là ai, ở đâu và muốn trở thành người như thế nào. Ở đây, em phải biết là chuyển khối A qua D hiện tại rất khó khăn.

Nên trao đổi với cha mẹ là đã chuẩn bị khối thi rồi, giờ chuyển lại rất khó khăn. Nên rõ ràng với cha mẹ là ngành này trái với lựa chọn của mình. Em cũng nói là làm kiểm toán không phải “lên rừng xuống biển” nên cũng không vất vả lắm. Em thu thập những hình ảnh, việc làm của ngành này để nói với bố mẹ, nói về cơ hội việc làm của ngành để bố mẹ hiểu nguyện vọng của mình.

* Em thích rất nhiều ngành, em phải làm sao?

- Có nhiều cái mình thích thì sẽ có những cái thích hơn. Cảm giác thích như nhau rất khó. Chủ động xem rằng mình thích cái nào hơn. Mình thích thì mình cứ làm với điều kiện mình có đủ khả năng để theo đuổi hay không. Không phải lúc nào mình thích cũng đúng, cũng phù hợp mà liên quan đến tố chất, năng lực của mình. Nên biết mình đang ở đâu, mình như thế nào. Mình chọn lựa điều mình thích và phải dựa vào điều kiện chủ quan để biến đam mê thành động lực phát triển mục tiêu.

* Bản thân em đam mê ngành sân khấu điện ảnh nhưng cả gia đình không đồng ý cho em theo ngành này vì nó bấp bênh lại nhiều scandal. Bố mẹ em đều là giáo viên. Em cũng có khả năng về tiếng Anh, có thể làm giáo viên. Thật sự em không biết phải như thế nào?

- Khi chọn ngành nghề, bạn phải xem năng lực của mình như thế nào. Còn về việc bất đồng với gia đình thì bạn phải chứng minh được mình có trách nhiệm trong việc chọn nghề: thuyết phục cha mẹ bằng việc thể hiện mình có năng khiếu phù hợp với ngành đó, có thể bảo đảm được cuộc sống của mình sau này...

* Em thích quản trị kinh doanh nhưng ba em nói nên học ngành khác trong trường kinh tế. Khi ra trường làm việc được một thời gian thì sau đó mới học quản trị, như vậy có đúng không?

- Học quản trị kinh doanh bắt đầu bằng công việc trong cơ sở kinh tế chứ không phải quản trị ngay.

* Em đang học cao đẳng về công nghệ, em định học thêm về kinh tế nhưng cha mẹ lại muốn liên thông lên ĐH Bách khoa?

- Nhiều em đang học năm nhất, muốn thi lại ngành khác. Trước hết, các em cần trả lời câu hỏi mình muốn làm ngành gì. Chú ý là làm kinh tế, không phải học kinh tế mới làm được. Nhiều người học công nghệ nhưng vẫn trở thành những nhà kinh doanh thành đạt. Không nhất định phải học quản trị kinh doanh thì mới trở thành một nhà kinh doanh. Các bạn học công nghệ, cơ khí và sau này mở một cơ sở thì vẫn có thể làm kinh doanh được.

Có lẽ bố mẹ em cũng hơi “sốc” khi em đang học một ngành về công nghệ lại rẽ ngang qua kinh tế. Bố mẹ thích em học liên thông và sau đó theo ngành em đã học. Xin nhắc lại là một cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học cũng có thể là một nhà kinh tế thành công.

* Nên chọn nghề theo sở thích hay theo những điều kiện mình đã có (gia đình em có người đang làm trong nghề đó chẳng hạn)?

- Bạn hãy xem xét phía nào thì thuận cho mình nhiều hơn. Làm việc mình thích sẽ hiệu quả hơn nhưng phải đáp ứng được điều kiện tối thiểu (đủ điểm thi vào, điều kiện học trong những năm ngồi trên ghế nhà trường), nói chung là “liệu cơm gắp mắm”.

Có người nhà đang làm việc trong ngành thì sẽ hỗ trợ cho mình tốt hơn sau này. Thích nhưng có hiệu quả không, có tâm huyết với nó cả đời không… Hãy trả lời hết các câu hỏi rồi hãy quyết định. Đôi khi, có những nghề mới đầu bạn không thích nhưng khi bắt tay vào làm việc thì lại đam mê.

* Em thích ngành quản trị kinh doanh nhưng mẹ em và gia đình không cho theo ngành này và ngăn cản em?

- Em thích học quản trị kinh doanh, nhưng bố mẹ và các anh chị em khác không đồng tình thì tính sao? Trước hết, xem lại sự ngăn cản của bố mẹ có quyết liệt lắm không. Mức độ can thiệp của bố mẹ sẽ giúp mình gỡ rối tốt hơn. Điều quan trọng vẫn là lựa chọn của chính mình. Thầy kể lại câu chuyện về bạn học sinh thi lại ĐH lần hai vì năm trước thi cho... bố mẹ.

Đây là câu chuyện có thực để thấy được nếu chúng ta không cương quyết sẽ mất thời gian tìm lại chính mình. Các bạn làm cho cha mẹ hiểu được năng lực của bản thân mình. Các bạn hình dung học quản trị kinh doanh ra làm những gì, cần những tố chất gì để cha mẹ hiểu mình, tìm hiểu về ngành. Các bạn cần có sự trao đổi thẳng thắn với cha mẹ, mình muốn như thế nào để hai bên tìm được tiếng nói chung.

* Em 22 tuổi, đang là sinh viên năm nhất, em thấy chán học nhưng sợ bố mẹ buồn?

- Năm nay em 22 tuổi, em đã học bốn trường ĐH vẫn là sinh viên năm nhất sau khi thi lại vào trường. Xin khẳng định là nếu không học thì chúng ta không làm được gì cả. Nhưng học là học nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều nguồn, nhiều cách thức khác nhau...Học bạn mình, thầy mình, xã hội chứ không chỉ là sách vở. Em cần trao đổi với bố mẹ một cách thẳng thắn để đưa ra quyết định cuối cùng.

mZo4KazQ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 2 ra ngày 15/1/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 H.B.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên