28/02/2007 04:03 GMT+7

"Chọn mặt gửi vàng"

HAI DUY
HAI DUY

TT - Khuyến khích người có đủ tài, đủ đức tự ứng cử không chỉ góp phần mở rộng dân chủ, mà còn nâng cao khả năng “chọn mặt gửi vàng” của người dân...

Bầu cử thực chất là hành vi ủy quyền. Ủy quyền thì có thời hạn ủy quyền và phạm vi ủy quyền.

Trong việc bầu cử Quốc hội ở nước ta, thời hạn ủy quyền là khá lớn (5 năm so với 3-4 năm ở nhiều nước trên thế giới) và phạm vi ủy quyền lại càng lớn (ví dụ, ít có quốc hội nước nào lại có quyền lập hiến như Quốc hội nước ta). Điều này cho thấy ở nước ta, việc “chọn mặt gửi vàng” trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nói chung và trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội sắp tới là đặc biệt quan trọng.

Làm đại biểu Quốc hội là làm hai việc. Việc thứ nhất là làm người đại diện cho cử tri - cho cử tri ở đơn vị bầu cử và cho cử tri cả nước. Việc thứ hai là làm nhà lập pháp. Hai việc này có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng vẫn là hai việc khác nhau. Việc thứ nhất đòi hỏi kỹ năng thấu hiểu lòng người, kỹ năng bảo vệ lợi ích của cử tri, kỹ năng tương tác với cử tri và thuyết phục cử tri. Việc thứ hai đòi hỏi kỹ năng lập pháp, kỹ năng giám sát, kỹ năng tham vấn và kỹ năng mặc cả. Ngoài ra, để làm một nhà lập pháp, sự hiểu biết các lĩnh vực chuyên môn có liên quan cũng là điều kiện không thể thiếu. Như vậy, làm đại biểu Quốc hội là làm một công việc rất khó. Việc rất khó thì chọn đúng người cũng rất khó. Ở đời “gửi vàng” thì dễ, nhưng “chọn mặt gửi vàng” thì không dễ.

Hành vi “chọn mặt gửi vàng” diễn ra vào ngày bầu cử. Nhưng khả năng chọn đúng mặt để gửi vàng lại phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của các ứng cử viên đã được lựa chọn từ trước. Như vậy, quá trình hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đóng một vai trò rất quan trọng.

Trong quá trình này, bảo đảm mối tương quan giữa cơ cấu của các ứng cử viên và tiêu chuẩn của các ứng cử viên là một bài toán không phải bao giờ cũng có lời giải. Mà như vậy thì ưu tiên phải được dành cho các ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn. Vấn đề là chúng ta muốn có đầy đủ cơ cấu để nâng cao tính đại diện của Quốc hội, thế nhưng một đại biểu đúng cơ cấu thì chưa chắc đã có năng lực để đại diện.

Ngoài ra, để có thể lựa chọn thì phải có một số lượng hợp lý các ứng cử viên. Thế nhưng, theo cơ cấu, các cơ quan, tổ chức không thể giới thiệu nhiều hơn số lượng đã được phân bổ. Các ứng cử viên tự ứng cử sẽ có một vai trò rất quan trọng ở đây. Khuyến khích những người có đủ tài, đủ đức tự ứng cử vì vậy không chỉ góp phần mở rộng dân chủ, mà còn nâng cao khả năng “chọn mặt gửi vàng” của người dân.

HAI DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên