Con người sống ngoài cái lý thì cái tình cao vòi vọi, tuy có lúc lên, lúc xuống nhưng nếu còn thì sẽ không thể nào giết chết một tình yêu, chấm dứt một mối quan hệ dễ dàng như khi ta vội vàng, nóng giận mà thốt ra hai chữ "chia tay".
Cũng trong mối quan hệ yêu đương đó, lắm khi bất hòa, ta có thể nói xả cửa, không cần kiềm chế. Cũng vì ta là con người nên ta mới thế, mới sân si như thế, vì tình yêu đôi lứa cũng là một biểu hiện của tham ái, dễ động chạm vào cái tôi con người nhất. Và cũng bởi như ông bà mình nói "chén bát trong chạn có lúc còn khua" huống hồ giữa hai con người "tâm viên ý mã", thay đổi từng ngày.
Thực tế, ngay cả một thực thể tưởng là thống nhất nơi một cá thể người nào đó mà có lúc còn xung đột với chính mình thì giữa hai người sinh ra, lớn lên trong môi trường, hoàn cảnh khác nhau sao tránh lúc "vênh" nhau. Cái quan trọng là khi thương nhau, mỗi người sẽ phải biết gọt tỉa những ích kỷ cá nhân, thói quen không tốt lâu nay, học hỏi ở nhau để hòa hợp hơn, xích lại gần nhau hơn, hạn chế những tương tác nảy lửa sinh ra từ hai hướng nhìn, lối sống khác nhau. Và thực ra, làm được vậy thì mới đúng là yêu, mới là nuôi dưỡng tình yêu...
Ai đó bảo, còn hờn trách là còn thương yêu. Câu này đúng theo chiều nào đó, bởi có là người-quan-trọng với mình thì ta mới chi li để ý, mạnh dạn mà tỏ bày trách hờn, ghen tuông, nếu không thì "miền thấy" và "miền phản ứng" của ta không dính líu tới. Vì thế, ở mặt nào đó, khi ta còn được ai đó ghen, trách, hờn cũng là dấu hiệu cho thấy họ còn thương yêu mình. Tuy nhiên, giống như một món ăn mà muối là gia vị nêm nếm, nếu thiếu thì nhạt, nhưng quá tay cũng sẽ phá hỏng món ăn đó vì quá mặn. Trách hờn, ghen tuông cũng vậy, nếu nó được sinh ra bởi sự thiếu hiểu biết, thiếu kiềm chế và bộc phát một cách vô tội vạ thì ta sẽ làm cho ta và người thương trở nên mỏi mệt đến vô ngần. Thứ năng lượng đó đủ sức vắt cạn sự kiên nhẫn, thương yêu trong ta và người, nên dẫu tình yêu ấy có còn thì cũng chỉ là thứ hình thức, chịu đựng mà ta và người trở thành "nạn nhân" của chính mình.
Đừng bày biện, đạo diễn và tham gia diễn xuất "màn kịch" thử người yêu bằng một ai đó, vì cuộc sống thường nhật vốn đã là phép thử đủ để ta nhận biết một tấm chân tình. Quan sát cách họ sống với đời, với người, nhìn những việc họ làm với mình đủ để thấy nhân cách và tình cảm của họ rồi, cần gì phải dồn họ vào những thế khó, những bài toán hóc búa mà nếu ai đó đưa cho mình chắc gì mình đã tìm ra đáp số! Làm được vậy cũng chính là ta biết trân trọng người ta thương, tin tưởng người thương ta, hai trong số những biểu hiện của một tình yêu chân thành từ ta. Khi yêu chân thành như thế ta sẽ không phải lo gì hết, vì đó đã là điều kiện để ta có một sư - đáp - trả chân thành và cũng làm ta không hối tiếc cho một mai nào đó, không tặc lưỡi ăn năn khi nghĩ về một mối quan hệ nào đó...
Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận