30/06/2006 15:10 GMT+7

Chờ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Một đạo luật 89 điều áp dụng cho đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ có hiệu lực từ 1-7-2006. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút soạn thảo một nghị định đồ sộ với 100 điều nhằm hướng dẫn thi hành đạo luật này.

kWb0sEDx.jpgPhóng to
Luật Đầu tư 2005 vẫn duy trì cơ chế tiền kiểm lỗi thời, chưa thật sự tạo ra môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư hoạt động
Một đạo luật 89 điều áp dụng cho đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ có hiệu lực từ 1-7-2006. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút soạn thảo một nghị định đồ sộ với 100 điều nhằm hướng dẫn thi hành đạo luật này.

Cùng với Luật Doanh nghiệp, liệu Luật Đầu tư có góp phần giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của các dự án đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư?

Bài viết dưới đây - của các ông Phạm Duy Nghĩa và Vũ Thành Tự Anh * - góp vài suy nghĩ nhằm dự báo tác động của Luật Đầu tư 2005 trong việc khai thông các kênh đầu tư nội địa và tiếp dẫn các dự án đầu tư nước ngoài vào VN.

Quá chú trọng vào các biện pháp ưu đãi đầu tư

Mục đích của Luật Đầu tư 2005 là góp phần tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi trong đó các nhà đầu tư được khuyến khích kết hợp vốn vật chất với vốn con người, tri thức và công nghệ để tạo ra lợi nhuận cho mình, và qua đó sản sinh giá trị gia tăng và sự thịnh vượng chung cho nền kinh tế.

Có nhiều cách để khuyến khích tinh thần doanh nhân và tạo ra động cơ tích cực cho nhà đầu tư. Một trong những phương cách ấy là tạo ra thật nhiều ưu đãi và hỗ trợ, và dường như đây cũng chính là triết lý của các nhà soạn Luật Đầu tư ở nước ta.

Nghị định hướng dẫn dành hẳn chương III với 19 điều (15-33) cho các vấn đề liên quan đến ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Điều cần lưu ý ở đây là không nên coi các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư này là những điều kiện cần và đủ để khuyến khích đầu tư. Trên thực tế, những biện pháp ưu đãi, dù có hoàn hảo và hào phóng đến đâu đi chăng nữa thì cũng chỉ là một trong nhiều điều kiện cần, và còn xa mới là điều kiện đủ để các nhà đầu tư lớn và nghiêm túc bỏ đồng tiền gắn liền khúc ruột của mình ra.

Những nghiên cứu công phu về các biện pháp ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy tác dụng của các biện pháp ưu đãi này không rõ ràng, còn chi phí của chúng thì lại quá lớn.

Gần đây (2005), Dự án Sáng kiến năng lực cạnh tranh VN (VNCI) công bố kết quả của một cuộc điều tra về khuyến khích đầu tư trong nước. Một kết luận quan trọng của nghiên cứu này là trong số các công ty được nhận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có tới gần 85% (trong tổng số 140 công ty trong nước) cho rằng họ sẽ vẫn đầu tư ngay cả khi không có các biện pháp ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một bài học quan trọng rút ra từ những nghiên cứu này là để thu hút được đầu tư thì việc cần nhất là tạo ra được một môi trường đầu tư thuận lợi trong đó Nhà nước thân thiện và đóng vai trò là người hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng và tinh thần kỷ luật là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh của một nước đông dân và thiên về thâm dụng lao động như Việt Nam hiện nay.

Nặng tình với tiền kiểm

Đáng tiếc là những bài học từ kinh nghiệm của thế giới vừa nêu trên dường như chưa đủ cảnh tỉnh các nhà soạn Luật Đầu tư nước ta.

Có thể dẫn chứng qua hai ví dụ sau đây: Trước hết, nhà làm luật vẫn chưa dũng cảm từ bỏ cách làm cũ thông qua cấp phép. Trong khi Luật Doanh nghiệp 2005 hạn chế cấp phép, gia tăng hậu kiểm, thì Luật Đầu tư 2005 duy trì cơ chế tiền kiểm đã cũ, kiểm tra ngay từ khi tổ chức thực hiện dự án, duy trì kiểm soát khi đăng ký đầu tư, dự án đầu tư nước ngoài nhỏ hơn 300 tỉ phải đăng ký, lớn hơn 300 tỉ phải thẩm tra để cấp phép đầu tư (điều 62, 63 dự thảo nghị định).

Không những thế, nghị định hướng dẫn lại mờ nhạt về hoạt động hậu kiểm, vốn quan trọng hơn nhiều so với các biện pháp tiền kiểm. Trên thực tế, ước tính chỉ khoảng 25% số doanh nghiệp có báo cáo về hoạt động kinh doanh, quy chế cưỡng bức đối với doanh nghiệp không tuân thủ báo cáo cũng rất thấp.

Thêm vào đó, 17 điều trong chương VII về quản lý nhà nước về đầu tư (điều 82-98) tưởng chừng như rất chặt chẽ nhưng lại kém hiệu lực do quá nặng nề và chồng chéo. Qua vụ bê bối ở Trung tâm Anh ngữ SITC, người ta thấy kỷ luật chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước thấp, có sự cố xảy ra không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Không thiếu liên doanh với bên nước ngoài có dấu hiệu khai khống vốn, rút lãi về qua chênh lệch giá, rút lãi về qua lương bổng quá cao cho nhân viên nước ngoài; ép mua vật tư, bao tiêu sản phẩm, ghìm giá; thao túng sổ sách, buộc công ty liên doanh quảng cáo bằng chi phí công ty con cho danh tiếng công ty mẹ... Các xung đột lợi ích đó ít được phát hiện kịp thời, do hậu kiểm kém.

Tiền kiểm nặng nề sẽ gia tăng chi phí cho cả nhà đầu tư lẫn các cơ quan quản lý nhà nước. Các biện pháp hậu kiểm lỏng lẻo sẽ tạo lỗ hổng cho các hành vi lách luật của các nhà đầu tư (moral hazard) theo hướng có lợi cho mình và làm thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia. Quản lý nhà nước cồng kềnh và chồng chéo làm gia tăng chi phí quản lý của Nhà nước và làm nguội lạnh nhiệt tình của nhà đầu tư trong khi lại không chứng tỏ được tính hiệu lực của mình.

Như vậy, có nguy cơ những biện pháp quản lý và can thiệp hành chính nặng nề có thể triệt tiêu những biện pháp ưu đãi đầu tư hào phóng nhất.

Thứ hai là các biện pháp hỗ trợ về chuyển giao công nghệ và đào tạo lao động. Mặc dù đây là biện pháp rất quan trọng để có thể khai thác một cách triệt để lợi ích của các dự án đầu tư (thông qua sự lan tỏa về tri thức, bí quyết, kỹ năng, quản trị...) nhưng trong nghị định hướng dẫn chỉ dành vỏn vẹn hai điều (26, 27) chia đều cho hai hoạt động này, hơn thế chúng lại rất chung chung.

Khả năng tiếp thu công nghệ thành công phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và kỹ năng của lao động trong nước. Thế nhưng có vẻ như sự chuẩn bị “nội lực” của nguồn nhân lực trong nước chưa đủ để tiếp nhận “ngoại lực” từ bên ngoài. Một mặt, do chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao ở nước ta còn rất hạn chế; mặt khác, mức giới hạn 3% lao động nước ngoài trong các dự án FDI hiện nay đã khiến các dự án công nghệ cao khó vào Việt Nam, hoặc giả sử họ có vào Việt Nam đi chăng nữa thì cũng thường chỉ tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc Intel chỉ tập trung vào lắp ráp và một số dịch vụ hỗ trợ là một minh chứng cho việc đó.

Nặng lòng biết mấy cuộc chia tay với nếp nghĩ và thói quen cũ, song đúng là nếu cô gái tân thời không dũng cảm “áo dài, khuy bấm” mà giữ nguyên quê mùa thói cũ, chúng ta sẽ trở thành lạc lõng trong cái thế giới biến đổi mau chóng này.

Tăng hậu kiểm, làm cho các hoạt động đầu tư ngày càng có chất lượng, vừa phục vụ tăng trưởng ổn định, vừa dành dụm các nguồn tài nguyên cho các thế hệ con cháu, có lẽ nên là một chủ đích lớn của Luật Đầu tư.

* TS. Phạm Duy Nghĩa là giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Vũ Thành Tự Anh là giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên