01/02/2009 03:40 GMT+7

Cho chữ thánh hiền

Bài, ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Bài, ảnh: VÕ QUÝ CẦU

TTO - Ngày tết, trên con đường về làng Vạn Tượng, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi thi thoảng tôi lại bắt gặp những người tay cầm cuộn giấy đi xin chữ mặt hớn hở. Còn trong ngôi nhà mái phủ rêu phong, chẳng có giấy đỏ nhưng nghiên bút, mực tàu thì vẫn thế và cụ Đỗ Vinh Hoa, đang ngồi thong thả cho chữ thánh hiền.

XGxTj17e.jpgPhóng to
Trong xưởng làm câu đối, hoành phi của cụ Đỗ Vinh Hoa

Cho chữ là mong cho đời có được niềm vui

Cụ Đỗ Vinh Hoa kể: “Người đến xin chữ đủ các tầng lớp: giám đốc doanh nghiệp, công chức, nông dân và cả những học sinh, sinh viên. Mình cho chữ là để mong cho người xin chữ có được niềm vui, sự may mắn”.

Nói rồi, cụ lại viết. Nét bút hào hoa, mềm mại. Nào chữ tâm chữ phúc, nào chữ hiếu chữ tài. Đặc biệt, những điển tích, điển cổ trong thơ Đường, trong sử sách được cụ chọn lọc, đúc kết rồi "gieo" trên giấy trắng. Có người vừa xin được chữ nhưng chưa rõ nghĩa cứ tần ngần. Biết ý họ cụ chẳng nề hà, dừng bút giảng giải ý nghĩa của chữ mình cho.

Cụ Hoa nói: “Có người đến xin nói ngay cái chữ để mình cho, nhưng cũng có người đến xin nói qua về gia cảnh, về niềm mong muốn. Cũng có người đến xin nhưng chẳng nói gì. Lúc đó, phải nhìn dáng điệu, hỏi qua đôi chuyện biết được nghề nghiệp, niềm mong của họ rồi mới cho chữ, để cái chữ mình cho vận vào người đó có ý nghĩa thì bà con mới thích và mình mới vui”.

Jd81MG6H.jpgPhóng to
Cụ Đỗ Vinh Hoa đang cho chữ

Trong khi chờ đến lượt mình xin chữ, cụ Nguyễn Trọng Hưng, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa nói với tôi: "Mỗi chữ cụ Hoa cho đều có hàm ý sâu xa. Song điều mà tôi tâm đắc nhất là giàu sang hay nghèo hèn, cụ đều viết chữ trên giấy rôki rồi cho chứ không lấy tiền của ai bao giờ".

Tôi mang chuyện này hỏi cụ, cụ Hoa cười: “Thì anh thấy đó, tui có xưởng làm liễn, câu đối. Có câu đối trị giá hàng chục triệu đồng. Mình lấy cái lãi từ việc làm câu đối, hoành phi mua mực, giấy viết chữ biếu bà con, chứ ở tuổi gần đất xa trời này chi tiêu là mấy”.

Học chữ là học đạo

Cha của cụ Đỗ Vinh Hoa là một nhà nho nghèo. Cụ thường dạy con về đạo lý, đạo nghĩa đối với tổ tiên, cha mẹ, về ý nghĩa của sự học.Cha mẹ của cụ cho cụ theo học chữ Hán từ cụ tú Nguyễn Lương Kiệt, con của nhà yêu nước Nguyễn Duy Cung.

Cụ Hoa có trí nhớ tốt. Ngoài giờ học, lần trong cổ sử, thi ca, cụ hiểu cái hay của tổ tiên trong quan niệm sống, việc ứng xử ở đời. Thế nhưng, trong hoàn cảnh tân ngữ ngày càng phát triển mà chữ nho suy tàn đã lâu và trước nhu cầu mưu sinh, cụ Đỗ Vinh Hoa đi làm tài phán (như nghề kế toán) cho những nhà buôn Hoa kiều ở phổ cổ Thu Xà.

q3evAkYI.jpgPhóng to
Một trong những bản chép của cụ Đỗ Vinh Hoa về một bài thơ trong tập Ngục Trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Rồi chuyện buôn bán của người Hoa ở Thu Xà cũng lần hồi tàn, cụ Đỗ Vinh Hoa phải đi làm nhiều nghề khác nhau. Nhưng dù ở đâu cụ cũng chẳng quên chữ thánh hiền và chỉ mong có dịp là sử dụng nó để làm vui và làm đẹp cho đời.

Cụ Đỗ Vinh Hoa đến với việc cho chữ thật tình cờ: có ngưòi đến xin chữ về mừng thọ cho cha mẹ. Rồi cứ thế, cứ thế cứ mỗi độ xuân về bên hiên nhà những nụ hoa mai sắp nở thì cũng là lúc bà con trong làng xóm đến xin chữ về treo trên vách nhà. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng cụ chẳng chối từ ai bao giờ.

Cuộc sống khá dần lên, nhiều lăng tẩm được phục hồi và nhiều người muốn mua câu đối, hoành phi đặt trong nhà thờ họ, trong chùa chiền thì cụ Đỗ Vinh Hoa càng có cơ hội để sử dụng sở học của mình.

Cụ được những người trong ngành bảo tồn bảo tàng mời ra Văn Miếu (Hà Nội) và tham gia phục hồi một số bài thơ câu đối trong Đại Nội (thành phố Huế). Cững từ đó cụ quyết định mở xưởng làm câu đối, hoành phi trên cơ sở cụ viết chữ rồi thuê thợ ở Huế, Hà Nội vào chạm khắc, cần xà cừ hay dát vàng. Một người yêu nét bút hào hoa của cụ cũng đã hợp đồng với cụ 182 triệu đồng để viết lại toàn bộ tập thơ Ngục Trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ Đỗ Vinh Hoa vui vì sở học của mình có ích cho đời. Ngày xuân về, qua nét chữ thánh hiền mà cụ viết để tặng mọi người đem về treo, cụ mong ước cùng với họ có một mùa xuân mới phúc lộc đủ đầy hơn.

Bài, ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên