Nhà nghiên cứu Chandan Sen và con chip của mình - Ảnh: Trung tâm y học Wexner, ĐH Bang Ohio (Mỹ) |
Nghiên cứu viên về y học tái tạo Chandan Sen, ĐH Ohio (Mỹ), đã dùng con chip này để điều trị vết thương ở chân của chuột và công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Nanotechnology.
Khi thiết bị nhỏ này được đặt trên da và kích hoạt, nó sẽ tạo ra một xung điện nhỏ lên màng tế bào da để “mở” ra một cửa sổ nhỏ trên bề mặt tế bào. Sau đó, sử dụng một đường trượt siêu nhỏ để con chip đưa mã gen mới thông qua ô cửa sổ đó vào tế bào - nơi nó sẽ bắt đầu “lập trình lại” tế bào cho nhiệm vụ mới.
Theo Sen, cả quá trình này chỉ cần chưa đến 0,1 giây và có thể “lập trình lại” lại những tế bào nằm dưới thiết bị kích thước bằng móng chân cái.
Trên chuột, các tế bào nhận được gen tái tạo đã nhân bản các mã gen được cấy vào, sắp xếp lại và chuyển mã gen đó sang các tế bào xung quanh. Điều đó đã kích hoạt quá trình phát triển các tế bào mạch máu mới, thay thế cho chức năng của mạch máu cũ đã bị tổn thương.
Để kiểm tra khả năng làm lành vết thương của thiết bị này, Sen và cộng sự đã đặt con chip lên da ở gần mạch máu bị tổn thương. Việc đó đã “lập trình lại” các tế bào da ở vùng da kích thước 1 - 2cm2 thành những tế bào mạch máu.
“Kết quả tốt nhất của nghiên cứu này là đã đat được thành công trong việc chuyển các mã gen này gần như là tuyệt đối 100%. Chưa có kỹ thuật chuyển gen nào khác có thể chuyển đạt hiệu quả trên 98%. Đó là thắng lợi của chúng tôi”, - ông Sen cho biết.
“Chúng tôi không chỉ tạo ra những tế bào mới mà các tế bào này đã tự sắp xếp lại thành các mạch máu hoàn chỉnh và có thể cùng bơm máu cùng với hệ thống tuần hoàn hiện có”. Theo nhà khoa học Chandan Sen, điều này đã đủ giúp cho cái chân bị thương bình phục hoàn toàn.
Trong khi đó, đối với những con chuột không được gắn chip này, vết thương không bình phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận