01/04/2011 19:02 GMT+7

Chính phủ Nhật sẽ quản lý Công ty Điện lực Tokyo

PHAN ANH
PHAN ANH

TTO - Hôm nay 1-4, báo Mainichi cho biết chính phủ Nhật đã quyết định dùng ngân sách mua cổ phần của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) để dễ dàng quản lý và tránh các sai sót dẫn đến sự cố như ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 sau thảm họa động đất, sóng thần vừa qua.

hhKd5uT9.jpgPhóng to
Lãnh đạo TEPCO thừa nhận đã thua trong trận chiến cứu nhà máy và xin lỗi người dân Nhật Bản vì đã gây ra các “phiền toái và lo lắng” - Ảnh: AFP

Một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết việc này cũng nhằm đảm bảo các khoản đền bù thiệt hại cho người dân sau sự cố hạt nhân và ổn định nguồn cung điện cho đất nước.

Hôm qua 31-3, TEPCO đã vay được 1,9 nghìn tỉ yen (tương đương 24 tỉ USD) từ ba ngân hàng lớn nhưng chừng đó cũng chưa đủ gánh các chi phí xử lý sự cố ở lò phản ứng 1,2,3,4 cũng như các khoản đền bù. Chỉ riêng các khoản đền bù cho người dân ở gần nhà máy Fukushima 1 ước tính đã tốn vài nghìn tỉ yen và TEPCO không thể thanh toán tất cả các hóa đơn khiếu nại.

Xét theo luật đền bù của Nhật Bản, TEPCO có thể được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra “các thảm họa thiên nhiên khổng lồ một cách bất thường hoặc sự biến động xã hội”. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản nói rằng họ sẽ không xem xét đến điều này vì tình trạng của đất nước hiện nay không cho phép họ làm điều đó. Họ sẽ hỗ trợ TEPCO và vẫn yêu cầu TEPCO phải gánh vác một phần trách nhiệm để đền bù thiệt hại cho người dân.

Chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ không rót vốn ngân sách để mua hơn 50% cổ phiếu TEPCO, nghĩa là sẽ không quốc hữu hóa công ty này. Họ sẽ chỉ mua một phần TEPCO để đảm bảo có vai trò quản lý các hoạt động của công ty. Hiện cổ phiếu của TEPCO đã giảm mất 80% giá trị.

“Khi sự cố ở Fukushima 1 được giải quyết, chúng ta sẽ phải bàn thảo về tương lai của TEPCO, trong đó có hình thức tồn tại của công ty này”, thủ tướng Naoto Kan nói với tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc gặp ngày hôm nay.

TEPCO trước những lời chỉ trích

Sự cố ở các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khiến cộng đồng trong nước và quốc tế vừa thương, lại vừa giận, trong đó tâm điểm chỉ trích là lãnh đạo Công ty Điện lực TEPCO.

8O0NIwSa.jpgPhóng to
Công nhân ứng cứu Fukushima 1 đang phải vật lộn trong điều kiện làm việc ngặt nghèo - Ảnh: AP

TEPCO, một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới với hơn 44 triệu khách hàng, được coi là đã không coi trọng cảnh báo tác hại của sóng thần đối với nhà máy Fukushima 1 từ các chuyên gia nghiên cứu, trong đó có cảnh báo máy phát điện dự phòng đặt ở vị trí quá thấp khiến sóng thần hoặc lũ lụt có thể nhấn chìm.

“TEPCO nói rằng sự cố vượt ra ngoài các dự tính của họ, vậy thì ban quản lý thảm họa đặt ra để làm gì? - Tomohiro Takanashi, Chủ tịch Hiệp hội quản lý rủi ro và khủng hoảng Nhật Bản, nói - Lẽ ra họ phải chuẩn bị trước cho những điều mà người khác không lường trước được”.

Khi sự cố xảy ra, người Nhật Bản thấy một chi tiết lạ là vị chủ tịch Masataka Shimizu, 66 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng và có thông tin ông bị cao huyết áp và choáng váng.

“Thật không may TEPCO đã mất sức mạnh để xử lý nhanh cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay ở nước Nhật”, Kazuo Inamori, chủ tịch của hãng Hàng không Nhật Bản, bình luận.

Hôm nay 1-4, Hãng tin Kyodo cho biết Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản (NISA) đã cảnh báo TEPCO về hoạt động quản lý phơi nhiễm phóng xạ cho công nhân sau khi họ thấy rằng những người làm việc ở đây không có đủ máy đo phóng xạ để dùng. Một số phải dùng chung máy khi vào khu vực phóng xạ cao.

“Điều này không thể tha thứ được khi xét trên quan điểm đảm bảo an toàn cho người lao động”, ông Hidehiko Nishiyama, phát ngôn viên của NISA, nói.

TEPCO nói rằng mới đầu họ có 5.000 máy nhưng giờ chỉ còn 320 do sóng thần đã cuốn đi. Sự thiếu hụt này sẽ khiến nhiều công nhân không phát hiện ra tình trạng của họ trong môi trường đầy phóng xạ ở Fukushima 1. Hiện chỉ có đội trưởng của cả nhóm làm việc tại hiện trường mới được trang bị máy. Mới hôm 24-3, hai công nhân đã phải nhập viện vì bỏng phóng xạ do không được trang bị đầy đủ công cụ bảo hộ.

“Từ hôm nay trở đi, tất cả các công nhân, mỗi người phải đeo một máy đo phóng xạ. Nếu có cá nhân nào không được cấp máy, công việc sẽ không được tiến hành”, ông Nishiyama yêu cầu TEPCO.

“Chúng tôi quyết hi sinh để cứu đất nước”.

Trong khi đó, bất chấp điều kiện lao động khắc nghiệt và những sai sót của lãnh đạo, những “cảm tử quân” nòng cốt trong đội Fukushima 50 vẫn kiên quyết bám trụ để cứu nhà máy đến phút cuối cùng.

Trong câu chuyện của Fox News, bà mẹ của một trong các “samurai” đang chiến đấu ở Fukushima 1 tiết lộ rằng tất cả những người xung phong vào đội cảm tử đã xác định sẽ chết vì phóng xạ “trong vài tuần nữa”.

Vừa khóc vừa nói qua cuộc phỏng vấn trên điện thoại, người mẹ của một kỹ sư 32 tuổi kể: “Con trai tôi và các đồng nghiệp của nó đã nói chuyện rất lâu và cuối cùng đã xác định chết khi cần thiết để cứu đất nước này”.

“Nó nói rằng họ đã chấp nhận sẽ chết vì phóng xạ trong vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn vì chứng ung thư”.

Theo NISA, hiện đã có 21 công nhân bị phơi nhiễm phóng xạ vượt quá mức 100 millisievert/giờ.

Phóng xạ trong và quanh khu vực nhà máy Fukushima 1 đang ở mức cao, xuất hiện trong không khí, trong đất, trong nước ngầm và nước biển. Thủ tướng Naoto Kan hôm nay cũng khẳng định tình hình ở Fukushima 1 vẫn chưa ổn định và chưa biết đến khi nào mới kết thúc.

Ngày 31-3, một người đàn ông đã lao xe vào cổng của nhà máy Fukushima 1, khiến TEPCO phải tăng cường an ninh để tránh những phản ứng quá khích của một số người dân.

Hiện lực lượng hỗ trợ cho đội Fukushima 50 cũng đông đảo hơn, bao gồm công nhân từ các nhà thầu phụ, các chuyên gia và binh sĩ của Pháp, Mỹ, Đức, các robot của Mỹ… nhằm tránh cho thế giới một thảm họa hạt nhân diện rộng.

PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên