![]() |
Tuy nhiên, sứ mệnh của viên tướng Mỹ tại Nhật Bản vào những năm 50 của thế kỷ 19 đã góp phần thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nhật Bản khi đó đi đến quyết định chọn sự nghiệp hiện đại hóa kinh tế là ưu tiên hàng đầu của mình. Perry đã vô tình sắp xếp lại cán cân quyền lực toàn cầu, khởi xướng cho sự thách thức của châu Á đối với vị thế thống trị của phương Tây và đặt nền tảng cho phép mầu.
Đề đốc cáu kỉnh Perry được Tổng thống Mỹ Millard Fillmore giao nhiệm vụ đặc biệt là thiết lập quan hệ thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản. Các tướng quân của Mạc phủ Tokugawa, những người đã cai trị Nhật Bản suốt từ đầu thế kỷ 17, đã bế quan tỏa cảng, đóng cửa không quan hệ với người nước ngoài, chỉ cho phép giao thương rất hạn chế tại hải cảng ở Nagasaki, miền nam nước Nhật.
Các tướng quân nhà Tokugawa lo ngại những ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ làm xói mòn văn hóa, tín ngưỡng và kinh tế trong nước. Khi Đề đốc Perry cho chiếc chiến hạm khổng lồ của mình chạy vào gần vịnh Tokyo, người Nhật đã kiên quyết khước từ lời đề nghị khẩn khoản của Perry muốn vào sâu hơn trong đất liền bằng ngả này. Các đại diện của Mạc phủ Tokugawa yêu cầu Perry phải rời sang Nagasaki, nơi người Nhật sẽ đánh cuộc với ông.
Đối với Perry, điều đó chẳng khác nào rút lui. Tổng thống Fillmore đã tin cậy trao cho ông một bức thư để gửi đến các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Perry đang có ý định chuyển nó. Ngày 9-7-1853, Perry tuyên bố với phía Nhật Bản rằng nếu họ không chấp thuận thư của Tổng thống Mỹ Fillmore thì ông sẽ cập bờ “với sức mạnh còn chưa phô diễn hết” để trao tận tay bức thư cho các nhà lãnh đạo Nhật “bất chấp hậu quả ra sao”.
Để chứng minh cho lời nói của mình, hai ngày sau Perry cho chiếc chiến hạm đồ sộ Mississippi chạy ngược lên vịnh Tokyo, áp sát thành phố (khi đó còn mang tên là Edo). Hiển nhiên, hành động của Perry đã buộc hội đồng lãnh đạo đang run sợ của Nhật Bản phải thay đổi ý kiến. Perry đã làm cho Tokyo khiếp vía. Một người chép sử biên niên của Nhật kể lại người dân thủ đô khi đó lo sợ Perry sẽ chĩa những khẩu súng oai vệ vào thành phố nên “họ chạy tứ tán khắp nơi tìm cách cất giấu những tài sản và đồ đạc có giá trị ở nhà của một vài người bạn sống ngoài phạm vi thủ đô”.
Mạc phủ Tokugawa quyết định thay đổi cách cư xử và đồng ý nhận thư của Fillmore. Năm sau, Perry quay lại và hoàn tất một hiệp ước đòi hỏi Nhật phải mở cửa hai hải cảng để giao thương với Mỹ. Trong báo cáo chính thức của mình, viên tướng giành chiến thắng Perry dự báo những chuyện sẽ xảy ra sau khi ông rời khỏi Nhật: “Người Nhật rõ ràng là rất giỏi bắt chước, dễ thích ứng với hoàn cảnh mới và biết phục tùng mệnh lệnh. Những đặc tính này của họ mở ra một viễn cảnh hứa hẹn du nhập khá dễ dàng những phong tục và thói quen từ nước ngoài vào Nhật".
Perry đúng là đã nhìn thấy trước được mọi chuyện. Nỗi nhục do Perry và nhiều thế lực nước ngoài tiếp bước theo Perry gây ra cộng với sự bất mãn ngày càng tăng đối với chính quyền của Tokugawa đóng vai trò là chất xúc tác dẫn đến một sự thay đổi lớn. Sự xuất hiện của Perry kèm với tàu chiến và vũ khí oai vệ làm nhiều người Nhật thức tỉnh trước sự thật đất nước của họ đã bị tụt hậu đến mức độ nào sau nhiều thế kỷ tự cô lập mình.
Nếu Nhật muốn bảo vệ mình trước sự tấn công của những kẻ tham tàn, hung bạo này thì họ phải tự cải tổ mình và phải làm điều này thật nhanh. Năm 1868, một liên minh các đại danh đã lật đổ chế độ quân sự của các tướng quân nhà Tokugawa và khôi phục quyền lãnh đạo nổi bật của thiên hoàng trong chính phủ.
Minh Trị Duy Tân, cuộc nổi dậy chính trị được đặt theo tên của Thiên hoàng Minh Trị, làm bất kỳ việc gì ngoại trừ việc đưa đất nước mặt trời mọc trở về với lề lối cai trị của thời phong kiến xa xưa. Dưới sự lãnh đạo của một nhóm các nhà theo chủ nghĩa dân tộc quyết tâm lật đổ những lề thói cũ kỹ và đặt ra khẩu hiệu fukoku-kyohei nghĩa là “Phú quốc cường binh”, sứ mệnh của Minh Trị là làm sao đuổi kịp sức mạnh quân sự, công nghệ kỹ thuật và kinh tế của phương Tây.
Korekiyo Takahashi, một nhà cải cách thời Minh Trị đồng thời là thủ tướng Nhật Bản khi đó, đã thu tóm tinh thần sứ mệnh trong một bài phát biểu với sinh viên đại học. “Các bạn sinh viên thân mến! Nhiệm vụ của các bạn là làm sao nâng cao vị thế của đất nước, đưa Nhật Bản sánh ngang tầm với các cường quốc văn minh và tiếp đó là xây dựng một nền tảng để từ đó chúng ta sẽ vượt qua tất cả họ".
Nhật Bản thời Minh Trị bắt đầu du nhập công nghệ và cơ cấu tổ chức của nước ngoài với tốc độ điên cuồng. Hàng loạt phái đoàn được cử ra nước ngoài tìm kiếm mô hình phát triển tốt nhất để Nhật Bản đi theo. Hệ thống đại học và ngân hàng được xây dựng theo kiểu Mỹ, các bộ luật dân sự và thương mại chịu sự ảnh hưởng của Anh và Đức. Những bí quyết công nghệ cùng máy móc mới nhất trong lĩnh vực đường sắt, viễn thông và công nghiệp được nhập về từ khắp mọi nơi.
Dù vậy, Nhật Bản không có ý định đơn thuần rập khuôn những cách thức phát triển của nước ngoài. Nhật chỉ vay mượn ở những nền kinh tế phát triển nhất thế giới những gì mà mình cần để đánh bại lại chính các nước đó đồng thời vẫn giữ gìn những giá trị cơ bản của văn hóa Nhật. Nhà giáo dục xuất chúng thời Minh Trị Jo Niijima đã đưa ra lời khuyên: “Nếu anh muốn chống lại những tư tưởng và tín ngưỡng ngoại lai thì tự anh cần phải tấn công vào phần cốt lõi của chúng (sic) và biến vũ khí của chúng thành vũ khí của riêng anh".
Các nhà lãnh đạo Minh Trị không dám tin tưởng đặt tương lai đất nước vào các lực lượng ủng hộ kinh tế tự do. Nhà nước can thiệp mạnh vào công cuộc công nghiệp hóa đất nước ngay từ đầu. Toshimichi Okubo, một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của chế độ Minh Trị, đã khuyến cáo Nhật Bản cần phải bước nhanh hơn “để kích thích sản xuất trong nước và tăng cường xuất khẩu để khắc phục những điểm yếu bằng cách gia tăng sức mạnh và sự thịnh vượng của quốc gia”.
Ông Okubo nhận định các doanh nhân Nhật Bản không có khả năng đạt được những mục tiêu này bằng thực lực của riêng họ. Cho nên Okubo nhấn mạnh “hết sức cần” phải hình thành những ngành nghề do nhà nước quản lý “ngay cả khi điều đó đi ngược với các quy định kinh tế chính trị”. Nhật Bản “có vài đặc điểm khác biệt”. Vì vậy, cần xây dựng những “luật lệ khác biệt” để phát triển.
Những nỗ lực của chế độ Minh Trị đã được đền đáp bằng thành công ngoạn mục. Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên không phải là phương Tây thực hiện công nghiệp hóa. Khi đất nước Nhật chuyển hướng tới những ngành công nghiệp nặng hơn thì số lượng các tập đoàn kinh tế lớn, gọi là zaibatsu, cũng được hình thành.
Tuy nhiên, cùng với sự mở mang kinh tế thì cũng đi kèm với vấn đề quân phiệt, bạo lực. Vào những năm 30, chính phủ Nhật Bản đã thu tóm, sắp xếp các nguồn lực công nghiệp của quốc gia để chuẩn bị một cuộc chinh phạt quân sự châu Á. Khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, thế giới thảng thốt nhận ra tiềm lực công nghiệp và kỹ thuật của Nhật đã đuổi kịp châu Âu.
Việc Nhật bị đánh bại trong cuộc chiến này chỉ càng làm chính phủ và giới lãnh đạo doanh nhân Nhật thêm cháy bỏng khát khao bắt kịp phương Tây. Tình trạng khốn cùng tuyệt vọng của đất nước lúc tàn cuộc chiến bắt buộc Nhật phải một lần nữa tìm mọi cách phát triển kinh tế càng nhanh càng tốt. Nguồn năng lượng dân tộc chủ nghĩa mãnh liệt vốn đổ vào chiến tranh trước đây giờ dốc hết sang phát triển kinh tế.
Sang những năm 60, 27 khẩu hiệu fukoku-kyobei của thời Minh Trị biến thành Obei ni oikose, nghĩa là “vượt qua châu Âu và nước Mỹ”. Phong cách lãnh đạo của Nhật Bản sau chiến tranh vừa mang chút hơi hướng của thời kỳ Minh Trị vừa có nhiều đặc tính mới kết hợp từ các nền kinh tế thời chiến tạo thành thứ được biết đến như là một “mô hình châu Á” đặc trưng của sự phát triển mà về sau có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực.
“Mô hình” này là kết quả sáng tạo tập thể. Không có một cá nhân nào từng ngồi xuống, phác thảo chương trình phát triển toàn diện cho Nhật. Hệ thống đó hình thành theo thời gian, đáp ứng những yêu cầu nhất định của nền kinh tế ở từng thời kỳ nhất định. Khi nó thành hình vào giữa những năm 50, “mô hình” vận hành giống như một cỗ máy được bôi trơn dầu mỡ.
Nói theo cách gọi của một quan chức Nhật Bản thì nó là “một cỗ máy GNP” (Gross National Product - tổng sản phẩm quốc dân). Đội ngũ công chức, những người đã sáng tạo ra “mô hình châu Á”, đều có khuynh hướng tránh xa các chính sách kinh tế tự do kiểu Mỹ. Họ khẳng định phải để nhà nước nắm giữ vai trò lãnh đạo trong phát triển kinh tế Nhật Bản. Xét về nghĩa này, tất cả họ đều là học trò của Okubo thời Minh Trị.
Người đầu tiên trong giới chức Nhật Bản có tư tưởng phát triển là Shigeru Sahashi, một công chức hành chính sự nghiệp trong MITI đồng thời là một trong những thứ trưởng đầy quyền lực. Trong số các quan chức chính phủ thời hậu chiến có nhiều ảnh hưởng nhất, Sahashi đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trên “mô hình” của Nhật Bản.
Với tính cách hiếu chiến, thích nói thẳng và kiêu ngạo, Sahashi đã định hình truyền thống lãnh đạo quan liêu nhưng sau đó chính ông lại là người phá bỏ nó. Cả đời Sahashi luôn chỉ trích cơ chế cất nhắc nhân sự của chính phủ theo kiểu “sống lâu lên lão làng” và cho rằng cần phải ưu tiên đề bạt những người có năng lực xuất sắc.
Với tinh thần đó, Sahashi đã tuyển dụng phụ nữ vào làm việc trong MITI, trái ngược với thành kiến nặng nề của cơ quan bộ này là chỉ ưu tiên tuyển nam. Chính trị gia cứng rắn Sahashi được báo giới đặt cho biệt danh là “Ông MITI” còn những người ủng hộ thì tôn ông là anh hùng, gọi ông là “samurai của các samurai”. Tuy nhiên, tính cách dữ dội nổi tiếng của Sahashi cũng đem lại cho ông biệt danh “Con quỉ Sahashi”.
Giống như nhiều quan chức phụ trách kinh tế Nhật Bản thời đó, Sahashi không xuất thân từ một gia đình quý tộc cũng chẳng là một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản. Ông sinh năm 1913 tại thị trấn Izumi ở miền trung Nhật Bản, nơi cha ông hành nghề chụp ảnh. Khi còn học tiểu học, Sahashi là một học sinh hay gây gổ đồng thời là một đấu vật sumo hàng đầu thường tranh giải ở các cuộc tỉ thí tại địa phương.
Nhờ có những kỹ năng này mà Sahashi được biết với biệt danh “Yama Arashi” có nghĩa là “Dông tố núi”. Là một học sinh có thành tích học tập khá xuất sắc, Sahashi bước lên đỉnh cao học thuật của Nhật Bản khi ghi tên mình vào khoa luật của trường đại học danh tiếng Tokyo. Giống nhiều sinh viên hàng đầu tốt nghiệp đại học khi đó, lựa chọn nghề nghiệp đầu tiên của Sahashi là làm việc cho chính phủ.
Là một người kiên quyết theo dân tộc chủ nghĩa, Sahashi tin rằng việc gia nhập vào bộ máy công quyền hùng mạnh là cách chắc chắn nhất đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tại Nhật Bản, chính sách kinh tế được điều chỉnh và triển khai thực hiện chủ yếu bởi những công chức chuyên nghiệp chứ không giống như ở Mỹ, nơi những nhà lãnh đạo được bầu có ảnh hưởng lớn hơn.
Về sau, Sahashi viết: “Tôi cho rằng con đường tắt tốt nhất để đảm bảo cho người dân có được cuộc sống thực sự mang tính nhân văn là trở thành một quan chức nhà nước. Tôi nghĩ mình cần phải trở thành một quan chức nhà nước để phục vụ xã hội”. Ưu tiên sự nghiệp hàng đầu của nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường giống như Sahashi là làm việc tại MITI hoặc tại Bộ Tài chính, hai cơ quan bộ có ảnh hưởng mạnh nhất trong bộ máy chính phủ Nhật lúc bấy giờ. Trải qua một loạt những cuộc phỏng vấn mệt mỏi, cuối cùng Sahashi nhận được lời mời làm việc ở cả hai bộ vào cùng một ngày. Ông chọn MITI.
MITI, nhờ vào sự giúp sức lèo lái của Sahashi, đã trở thành trung tâm chỉ huy đối với “mô hình châu Á” tại Nhật Bản. Quan điểm của Sahashi về kinh tế cũng giống như cách nhìn nhận, đánh giá của Okubo. Nó dựa trên niềm tin rằng Nhật Bản không thể tiến lên một cách đúng đắn nếu không có bàn tay hướng dẫn của nhà nước.
Sẽ thật là toàn mỹ “nếu con người trở nên hoàn hảo và sự hòa hợp giữa cá nhân với tập thể sẽ tạo ra một kiểu mẫu phát triển lý tưởng. Nhưng trong thực tế của chúng ta, đời sống xã hội bình thường hay lĩnh vực kinh tế còn cách xa điều lý tưởng này. Vì vậy, (giới chức chính phủ) phải chăm lo cho phúc lợi của người dân và đóng góp cho sự phát triển xã hội”.
Sahashi và nhiều quan chức của MITI lo ngại nếu giao vai trò điều tiết đó cho thị trường thì nền kinh tế Nhật Bản sẽ không phát triển đúng hướng. Các động lực của thị trường sẽ dẫn dắt những nguồn lực ít ỏi của đất nước chảy vào những ngành nghề kinh doanh mà Nhật Bản có lợi thế rõ ràng.
Chẳng hạn như vài năm ngay sau chiến tranh, những ngành nghề thâm dụng lao động như sản xuất đồ chơi, dệt sợi sử dụng rất nhiều nhân công với mức lương rẻ mạt. Tuy nhiên, nhiều quan chức chính phủ như Sahashi muốn tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới. Họ dự định lèo lái nền kinh tế đi theo hướng công nghiệp nặng đòi hỏi kiến thức tinh thông nhiều hơn về công nghệ kỹ thuật và sự đầu tư lớn hơn, từ đó tạo ra mặt bằng lương nhân công cao hơn và hàng hóa xuất khẩu giá trị đỉnh cao.
Cách duy nhất để những ngành công nghiệp này phát triển, theo giới lãnh đạo Nhật Bản, là thông qua sự can thiệp của nhà nước. Chính phủ phải đảm bảo rằng các nguồn lực cần thiết được phân bổ cho những khu vực ưu tiên phát triển. Sách lược này được gọi là “chính sách công nghiệp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận