16/03/2012 19:21 GMT+7

Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự viêm nhiễm

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)

TTO - Năm nay cháu 28 tuổi, lấy chồng được 3 năm, đi khám phụ khoa và chữa vô sinh, BS cho làm xét nghiệm máu lắng và tổng phân tích nước tiểu thì kết luận cháu bị viêm cầu thận, viêm âm đạo.

BS đã cho cháu tiêm rất nhiều loại kháng sinh (KS) nhưng khi làm xét nghiệm xong tốc độ máu lắng vẫn rất cao: giờ 1 là 54, giờ 2 là 81, chỉ số hồng cầu trong nước tiểu lần thì 10*++ hoặc 50*++ (chồng cháu cũng phải tiêm dự phòng cùng cháu, kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu của chồng hoàn toàn bình thường)

Lần nào tiêm xong cháu cũng xuống BV Đại học Y Hà Nội để làm xét nghiệm, kết quả giảm không đáng kể có lần còn tăng cao hơn. Cháu sang BV Bạch Mai khám kết quả xét nghiệm máu lắng cũng như vậy nhưng BS ở BV này bảo cháu không bị làm sao.

Hiện giờ cháu rất đau lưng ở vùng ngang ngực và thắt lưng. Cháu đi chụp cột sống, tim, phổi, siêu âm thận thì không vấn đề gì. Cháu rất hoang mang vì không biết mình bị bệnh gì. Hiện nay BS ở BV Phụ sản bảo cháu bị viêm nhiễm bên trong cơ thể nhưng không xác định được là viêm ở đâu.

Cháu đã tiêm thuốc Augmentin, ceforetaxim, cibrobay, ankaxim, fortum, penicilin... Cháu rất mong cho cháu biết cháu bị bệnh gì mà tiêm nhiều thuốc như vậy không khỏi được.

- Trả lời PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phòng mạch online:

KS là loại thuốc đặc biệt đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ một số nguyên tắc trong sử dụng để đạt sự an toàn và hợp lý.

Một nguyên tắc trong sử dụng KS là chỉ sử dụng thuốc này khi thật sự có nhiễm khuẩn. Tức là chỉ khi xác định người bệnh bị rối loạn do mầm bệnh đúng là vi khuẩn thì khi đó bác sĩ mới cho dùng KS.

Để xác định bệnh nhiễm khuẩn bị sốt (lưu ý không phải tất cả các bệnh viêm nhiễm đều gây sốt) hoặc ho nếu bị viêm nhiễm ở đường hô hấp, hoặc một số triệu chứng lâm sàng khác mà nhờ kinh nghiệm điều trị bác sĩ biết đó là bệnh nhiễm khuẩn, bác sĩ còn phải phát hiện ổ nhiễm khuẩn, tức là nơi nào trong cơ thể vi khuẩn khu trú và phát triển, nhằm tìm loại kháng sinh có thể xâm nhập và cho tác dụng tốt nhất. Như bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm xương, bác sĩ sẽ cho dùng KS có khả năng đi vào mô xương và tiêu diệt vi khuẩn.

Ở bệnh viện, người ta còn dùng nhiều phương tiện chẩn đoán để xác định đó đúng là bệnh nhiễm khuẩn hay không, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn nào để dùng KS thích hợp nhất như cho làm xét nghiệm và cấy máu, nước tiểu của người bệnh, lấy các bệnh phẩm nghi ngờ để nuôi cấy vi khuẩn, thậm chí cho làm kháng sinh đồ (tức làm xét nghiệm để xem độ nhạy cảm của vi khuẩn với nhiều loại KS khác nhau nhằm xác định KS cho tác dụng nhạy cảm tốt nhất tức diệt được vi khuẩn).

Như vậy, chỉ dùng KS khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn. Nhưng có khi dùng KS gọi là phòng ngừa, tức chưa bị nhiễm nhưng có nguy cơ rõ rệt là sẽ bị nhiễm. Và dùng KS phòng ngừa là hiếm, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt như sau khi phẫu thuật dùng KS phòng ngừa hậu phẫu.

Trình bày như trên để cho thấy vấn đề sử dụng KS an toàn hợp lý là vấn đề rất phức tạp, người bình thường không biết về chuyên môn không thể tự ý dùng KS. Chỉ có bác sĩ nhờ được đào tạo, thông qua khám bệnh, chẩn đoán đúng bệnh nhiễm khuẩn, xác định do loại vi khuẩn nào gây bệnh và chọn được KS nào thích hợp. Vì thế có lời khuyên: “Người bệnh cần được bác sĩ khám và chỉ định kê đơn dùng KS, không được dùng KS bừa bãi”.

Riêng trường hợp bạn đọc hỏi, do thư viết ngắn không ghi hết chi tiết hồ sơ bệnh án nên việc trả lời thắc mắc có thể không bao hàm đầy đủ. Thư chỉ nêu 2 chỉ số xét nghiệm là “tốc độ máu lắng” và “chỉ số hồng cầu trong nước tiểu” là không đủ để kết luận là người bệnh đã bị một bệnh nhiễm khuẩn.

Đây là hai chỉ số không đặc hiệu, và nếu thật sự chỉ dựa vào hai chỉ số này mà cho dùng KS “6 tháng, tháng nào cũng tiêm 2-3 tuần và dùng toàn KS tiêm như Augmentin, cefotaxim…” như bạn đọc ghi là rất bất hợp lý.

Việc “người chồng cũng phải tiêm KS dự phòng cùng với người vợ dù người vợ chưa xác định bệnh và kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu của chồng thì hoàn toàn bình thường” cũng rất bất hợp lý nếu so với những nguyên tắc sử dụng KS trình bày ở trên.

Nếu nay các bác sĩ bảo không việc gì, không phải dùng bất cứ thuốc gì và bạn đọc không bị rối loạn thì có thể an tâm, không cần thắc mắc đã bị bệnh gì lại dùng nhiều KS như vậy. Còn nếu vẫn bị rối loạn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, nên trở lại cơ sở điều trị trước đây đã chữa bệnh để được tái khám. Chỉ có bác sĩ trực tiếp khám mới xác định bị bệnh gì và hướng điều trị ra sao. Qua trả lời thư không thể làm việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để TTO liên hệ khi cần thiết.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

TTO

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kháng sinh viêm nhiễm