07/09/2010 15:02 GMT+7

Chị em thú nhún

HẢI MIÊN
HẢI MIÊN

TTO - Đây là một truyện ngắn trích từ tập truyện ngắn Visa của tác giả Hải Miên (NXB Trẻ phát hành) - tập truyện đã giành được giải ba trong Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 4.

*********************

Xong việc thì đã hơn bốn giờ chiều. Tôi và Thủy bước ngay ra khỏi khán phòng Nhà hát Thành phố, bỏ lại đám chị em đủng đỉnh cò cưa.

Một luồng không khí khác òa vào người khi ra đến thềm nhà hát. Giữa mùa oi ả, tự dưng lại có một buổi chiều râm mát, gió phất phơ thổi, khí trời êm mát như thế này. Thủy bâng quơ: “Trời đẹp thế. Chơi thì thích”.

Rồi cả hai cứ nấn ná ở đó, trước cửa nhà hát, trên bậc thềm cao nhất, nhìn thiên hạ ngược xuôi trôi chảy dưới bốn ngả đường, trong thoáng chốc ngắn ngủi thấy mình sung sướng hơn thiên hạ, thơ thới thanh nhàn hơn thiên hạ, và thấy thiên hạ quả thật vừa tất bật vừa dở hơi.

“Ối, cái gì đỏ loét ở đằng kia!?”

Thủy kêu lên cùng lúc nắm nhoằng lấy tay tôi kéo theo ra góc trái nhà hát. Dưới sân, một con bé non non đang ưỡn ngực cong mông tạo dáng cho một thằng nhiếp ảnh gia chĩa cái tê lê dài ngoằng vào. Trời đang mát và trang nghiêm thế mà tôi và Thủy phải phì cười. Đầm đỏ giày đỏ tất đỏ mũ đỏ găng tay đỏ tô son đỏ, đỏ cùng một tông, trông cô ta đỏ loét như quả cà chua chín nẫu, muốn nhoe nhoét cả ra. Mà phải tội, tóc thì nhuộm vàng râu ngô, làm tôi nhớ đến truyện Cô gái tóc vàng hoe trồng cà chua và kể cho Thủy nghe. Thủy cười hơ hớ hơ, vỡ toác cả buổi chiều thơ mộng.

Tôi bảo:

- Lại tạp chí thời trang T. thực hiện bộ ảnh cho mùa Noel đây.

- Sao mày biết?

- Tôi nhận lương biên tập thời trang của nó hai năm trời, lại chả hiểu. Bà kiên nhẫn chờ thử, giải quyết con quỷ đỏ này xong, sẽ xuất hiện ngay con quỷ xanh, xanh từ đỉnh đầu đến gót chân cho bà xem.

Lời thế mà thiêng! Tôi vừa nói dứt, cửa chiếc xe Innova bật mở, một cô gái xanh màu Noel bước ra, theo chỉ đạo nghệ thuật của Stylish nửa con nửa thằng, cô bé xanh lá bước thẳng đến đứng đâu lưng vào cô bé đỏ cà chua, cả hai cong cớn nhìn lên trời, môi dẩu ra như một lời chê trách hỗn xược hơn là một ám hiệu gợi tình.

- Chán nhỉ. Đời cũng lắm kẻ điên thế mà chả có gì thấy huyền bí cả.

Thủy lại bâng quơ mà tôi hình như không hiểu được lời Thủy. Chị nói cứ như trong quá khứ chính kẻ điên đã làm ra sự huyền bí còn bây giờ thì không được như thế nữa.

Rồi Thủy đi dắt xe, tôi nhũng nhẳng đi theo.

Yên vị trên yên xe máy rồi, Thủy không rồ ga vọt thẳng như thói quen mà hất mặt sang phía kho châu báu của bọn nhà giàu, cửa hiệu Luis Vuitton xéo bên kia đường:

- Vào đấy mua sắm hay vọt thẳng?- Về đi. Chờ lấy được chồng đã.

Hai chị em cười hi hi, vui với trò kẻ tung người hứng của mình, mà chả ai thực sự bận tâm đến LV hay đến chồng.

- Này, xong việc rồi thì bọn nó đi đâu?

- Bọn nào?

- Bọn xanh đỏ lúc nãy ấy.

- Thì kéo nhau vào một nhà vệ sinh công cộng nào đấy, thay quần áo, tẩy trang, rồi đi ăn. Ăn quà thôi. Thường nhất là ăn ốc. Ốc lề đường Nguyễn Thượng Hiền.

- Thế cũng giống bọn mình, nhỉ. Nhưng nhàn hơn bọn mình. Chỉ việc ưỡn ẹo, chả tốn hơi tốn sức, cũng chả phải học hành.

- Ừ. Hôm nào trời nắng nóng 40 độ, giữa trưa bà thử ra đứng chỗ lúc nãy ưỡn ẹo vài ba tiếng đồng hồ xem.

- Thế cũng chán nhỉ. Mà tao thấy, đa phần đàn bà làm nghề chán, dù có duyên hay vô duyên, có tài hay bất tài.

- Tại đàn bà đấy chứ. Họ có làm gì cho nghề nghiệp tương lai của họ đâu, có đầu tư vào giá trị bản thân đâu. Họ chỉ mải chạy theo đàn ông, làm duyên làm dáng với giống ấy.

- Rồi bọn đàn ông lại lấy nghề nghiệp của chúng ra làm mồi nhử bọn đàn bà.

- Thì thế. Thế bây giờ chị quyết định thế nào, đầu tư bản thân vào sự nghiệp hay vào đàn ông?

- Ừ... ừm... Vẫn cứ phải là đàn ông, mày ạ. Nó làm mình đau khổ nhưng cũng làm mình hạnh phúc.

- Em thích nghề nghiệp hơn. Cùng lắm nó chỉ làm mình buồn. Còn đa phần nó làm mình thành đạt. Nó làm mình có tiền, mình phong lưu.

- Nhưng chị thèm hơi ấm. Chị thèm tình thương. Tim gan chị lúc nào cũng như rỗng ra, lạnh ngắt. Chị cần được sưởi ấm.

Khổ thân chị, thế thì chị hết đường thoát rồi! Tôi than thầm.

- Này, em, bọn ca sĩ ấy, sau lưng mình nó gọi chúng mình là thú nhún.

- Cũng đúng đấy chứ, những đứa hát bè như chị em mình, chen nhau trên sân khấu chỉ để đứng ê ê a a, đu đưa lúc lắc thân người, chẳng thú nhún là gì.

- Nhưng bọn nó dốt nát hơn mình, bất tài hơn mình. Em xem...

Rồi chị kể ra một rổ tên, thằng này với lại thằng này, con nọ với lại con kia, hát còn đớt đát không rõ lời, lên không được xuống không được, giọng mờ câm mờ tịt thều thào trong cuống họng, tiếng không nghe gì mà gân cổ nổi to bằng cái bắp cày, thế cũng thành trăng sao cả. Năng khiếu không có, học hành cũng không. Còn mình thì có hết. Mà tại sao kẻ thành ca sĩ là nó mà kẻ làm thú nhún là mình, hả, tại sao?

Ngồi sau lưng chị, nhưng nghe tiếng thì tôi biết chị sắp khóc rồi. Tôi vòng hai tay qua ôm eo chị, áp má vào lưng chị. Chị khẽ gắt:

- Con quỷ, buông tao ra! Thiên hạ lại tưởng les đấy.

- Kệ chứ. Thiên hạ chỉ biết mặt ca sĩ, làm gì biết mặt thú nhún, mà lo. Mở ngoặc: dù số lần thú nhún xuất hiện trên sân khấu còn nhiều hơn ca sĩ.

Chị vẫn không cười được với kiểu pha trò của tôi. Chị chưa hết uất về vụ thú nhún:

- Mà sao chị lại là thú nhún? Mà sao em lại là thú nhún? Mà sao tao với mày cam tâm mãi như thế được? Chúng mình thiếu cái gì cơ chứ?

- Thiếu tiền.

- ... ... ...

- Thôi chị ạ. Nó hát hai bài hai lăm, năm mươi triệu, mình bè hai bài năm mươi, một trăm nghìn, thì mình vẫn cứ là người mà. Đâu vàng đâu thau chúng nó biết cả đấy, người trong giới biết cả đấy. Chỉ có đám khán giả đui mù điếc lác kia là không biết mà thôi. “Chuông vàng bỏ xó, chĩnh đất kêu oang”, thời nào chả có chuyện này. Đừng nhìn ngang nhìn dọc nữa. Cứ đường mình mình đi thôi.

- Chị chán quá mày à, chị chán phát khóc được ấy. Chị không hão huyền được nữa, không chờ đợi được nữa, không tự an ủi động viên mình được nữa. Chị ước gì chị cắt cổ họng chị đi mà vẫn sống được. Lắm lúc chị muốn bỏ đi quách, cái thành phố đui mù điếc lác này.

- Đi đâu?

- Đến nơi nào không có đểu cáng. Không có cảnh người ăn thịt người. Người hút tủy người. Người nhai xương người.

- Đi đâu... Đâu cũng thế cả. Chị cứ có tiền đi, thật nhiều tiền, rồi thì chị ở đâu cũng sung sướng cả, cũng danh giá cả.

- Thật không?

- Em nghĩ là thật. Hãy nhìn bọn nhà giàu.

- Nhưng tao không muốn lấy chồng chỉ vì nó giàu. Nó giàu thì nó cũng coi mình như một món hàng mua được với giá hời thôi, vừa mừng rỡ vừa khinh rẻ. Chị muốn lấy người quân tử, có khí phách, quang minh chính đại, đầu đội trời chân đạp đất, trong tim chỉ thờ hai chữ “tình” và “nghĩa”.

- Chị đang đọc truyện Tàu cho em nghe đấy hả? Thời buổi bây giờ, mười con đi tìm người quân tử, thì chín con lấy được ngụy quân tử, con còn lại thành gái già.

- Khiếp quá! Mày ăn nói khiếp quá! Mà chị vẫn thắc mắc, sao mày trẻ thế, trẻ hơn chị cả năm tuổi đầu, mà mày ăn nói lọc lõi như con ranh ấy? Mày học ở đâu ra?

Tôi thực tình có suy nghĩ nghiêm túc trong vài phút. Rồi trả lời chị:

- Em chả phải học ở đâu cả, chị ạ, cũng chẳng ai dạy em thế. Cái ấy nó ở trong máu em, nó nằm trong lưỡi em, trong mắt em, trong não trạng của em. Em cứ mở miệng ra là nó tự động thế à. Em nanh nọc lắm nhỉ?

- Ừ, nanh nọc. Nhưng mày đáng yêu lắm. Con trai mê mày chết thôi. Tao để ý thấy. Mày nhân hậu và trong trẻo. Mày chỉ giỏi xù lông nhím lên thôi. À đúng rồi, mày là con nhím nhân hậu trong trẻo!

Tôi cười khúc khích, thấy sung sướng. Còn bổ sung thêm:

- Lại còn hát hay nữa chứ. Lại còn làm thú nhún rất cừ.

Chị bật cười. Tôi cười vang khanh khách, chả buồn nhìn thiên hạ xem nó nghĩ gì về mình. Tôi xúi chị:

- Chạy ra Phú Mỹ Hưng đi chị. Mình kiếm chồng đại gia. Đại gia ngoài ấy nhiều như lợn con, thể nào cũng lùa được một thằng.

Chị yếu ớt:

- Nhưng chị muốn...

- Chị muốn lấy chồng quân tử, trong tim chỉ thờ hai chữ “tình” và “nghĩa”, em biết rồi. Nhưng trong khi chờ gặp được văn nhân, thì mình cứ lấy tạm doanh nhân cái đã. Đi, chị.

Thế là chị rồ ga, lạch phạch chạy đi. Cái xe tay ga Đài Loan nhái xe Ý Piaggio này, trông mẽ ngoài thì giống hệt, mà lòng ruột thì tệ thế. Thảo nào giá chỉ bằng chưa đầy phần ba. Từ cái xe này phải rút kinh nghiệm trong việc săn chồng. Thời buổi này cái gì cũng giả được hết, giả giống hệt. Lớ ngớ ăn phải một cú “giả đại gia”, “giả thiếu gia” thì chỉ có nước cắn lưỡi.

Nghĩ sao nói vậy, tôi truyền kinh nghiệm ngay cho Thủy. Chị nghe xong ngâm nga đọc thơ: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn / Bảy nổi ba chìm với nước non / Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn / Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Tôi kêu ầm lên:

- Còn đọc thơ Hồ Xuân Hương! Thần tượng của em đấy. Bà đấy oách nhất thiên hạ. To cao lồng lộng. Đáng mặt đàn bà.

Chị chì chiết:

- Con này người bé tí, mà khí phách muốn nuốt cả trăng sao. Thảo nào chả có thằng nào lọt được mắt mày. Rồi thành gái ế! Ế! Ế! Ế!

Tôi cười khanh khách, cười ngặt nghẽo, dụi mặt rũ đầu vào lưng Thủy mà cười. Chị gắt:

- Lại đến cơn cười rồi đấy. Cười suốt thôi. Mà có gì vui đâu chứ. Mày như con tiểu yêu ấy, con tiểu yêu nghiện cười.

Tôi cố ngắt cơn, trêu chị:

- Vâng vâng em tiểu yêu, em là hồ ly tinh Anh Ninh của Bồ Tùng Linh. “Nàng cười mà không cần phải có căn nguyên, không cần phải cố tình làm vẻ; một tấm thiên chân, thuần khiết vô cùng.” Chị biết ai đang ca ngợi em đấy không? Mạc Ngôn tiên sinh đấy.

Chị bật cười. Thủy đã cười được rồi. Cười được thì cứ nên cười nhiều vào một chút Thủy ạ. Thủy thân yêu của em, con thú nhún tội nghiệp của em...

*******************

Hai chị em được cái mặt mũi cũng dễ coi, người ngợm cái nào cần thẳng là thẳng, cái nào cần cong là cong, ăn mặc tươm tất, có phong cách, nên vừa đặt mông ngồi xuống, uống chưa được phần ba ly nước quả ép thì đã có ngay một đại gia mặc quần đùi tay dắt chó mon men lại hỏi: “Chỗ này có ai ngồi chưa, thưa hai cô?”. Hai cô thẹn thùng lắc đầu. Tôi nhanh miệng hơn, bảo: “Dạ, cũng có nói là đến đấy. Nhưng mà đến đâu thì có Trời mới biết được. Anh và chihuahua cứ tự nhiên ngồi đi, cho bọn em thêm phần danh giá, nhỡ may anh ta có tới”.

Theo bản trích ngang lý lịch tự khai thì anh ta có nhà ở đây và công ty trong quận 1. Buôn sắt thép, với bọn Nhật. “Khi khởi nghiệp, tôi chỉ có nhoẻn một chỉ vàng trong tay”. A, cái bài tay không gây dựng cơ đồ, là bài ca truyền thống của hiệp hội doanh nhân toàn thế giới đây. Khi đã thành công rồi, thì suốt ngày nhấm nháp cái mùi vị tài ba đảm lược của mình bằng câu “Lúc khởi nghiệp, tôi chỉ có...”.

Nhân đó, tôi hỏi ngay:

- Lúc ấy thế, còn bây giờ anh có bao nhiêu?

Gã ấy đi rồi, Thủy mắng tôi thô lỗ. Đi kiếm chồng mà xấc xược thế, sao không ở nhà. Tôi nhấm nhẳng “Không phải với ai em cũng xấc xược. Không phải ai cũng đáng cho em lễ độ”. Chị vốn hiền, không tranh cãi vặt, chỉ phân vân:

- Tay ấy chắc có vợ. Ai lại đàn ông mà nuôi chihuahua bao giờ, lại còn dắt đi dạo?

- Chó của vợ, nó sai dắt chó đi ị cho nó nấu cơm đấy mà.

- Biết nó có vợ, còn mời nó ngồi làm gì?

- Ơ, nó chưa có vợ thì mình làm vợ. Nó có vợ rồi mình làm bồ nhí, vợ bé. Đằng nào thì mình cũng có lấy nó đâu, mình lấy tiền của nó cơ mà?

Chị nhìn tôi lắc đầu, nửa chán nản nửa sững sờ. Nhìn bộ dạng của chị, tôi lại lăn ra cười, không nhịn được.

Cuối cùng thì đi Phú Mỹ Hưng tìm chồng đã thành trò tiêu khiển của hai chị em. Cùng lắm mất tiền hai ly nước, một trăm nghìn (một suất nhún) mà được bao cuộc vui lành mạnh. Tôi phát hiện, chỉ cho Thủy thấy cứ chiều thứ Bảy và suốt một ngày Chủ nhật, từ sáng đến chiều tối, có một con béo nứt da nứt thịt tuần nào cũng ôm chihuahua tí hon ra ngồi cà phê, cùng quán với chúng tôi. Nó ăn mặc diêm dúa đã đành, chihuahua của nó còn đỏm dáng hơn. Mặc váy hồng chấm bi, thắt nơ hồng chấm bi, đi bốn chiếc tất hồng chấm bi. Trông con chihuahua nằm trong lòng con bé đó thật chẳng khác nào con tắc kè hoa bám trên một hòn đảo. Chủ tớ nó ngồi cà phê mà mắt láo liên, mỗi khi có lão nào vào quán, trông ra dáng đại gia, thiếu gia một tí là nó nhấp nhổm như ngồi trên tổ kiến, thả ngay chihuahua ra. Con chihuahua này không biết nó huấn luyện kiểu gì mà khôn nứt máu, vẫy đuôi trực chỉ đại gia thẳng tiến rồi quẩn quanh ở đấy hồi lâu, khiến cho đại gia phải để ý, vuốt ve, có khi bế lên lòng. Lúc này nó mới cất mông đứng dậy, nặng nề duyên dáng đến bên bàn đại gia bế chó lên, ỏn à ỏn ẻn với anh ta. Chiều tối, nó cho chihuahua vào túi LV (lại hàng đểu chợ đêm Bến Thành, năm trăm nghìn đã được cái “xịn” nhất chợ) xách về. Quan sát con đó có hai hôm, Thủy nói ngay “Đối thủ cạnh tranh với bọn mình rồi”, tôi khen Thủy thế mà cũng có lúc nhanh trí, Thủy thúc cùi chỏ vào sườn tôi, đau điếng.

- Thủy này, té ra cái nghề săn đại gia bây giờ thịnh. Ông Vũ Trọng Phụng khi chết mà chuyển cái tài ấy lại được cho em, thì bây giờ em đã viết được hẳn một bộ “Kỹ nghệ lấy đại gia” nối tiếp bộ “Kỹ nghệ lấy Tây” của ông ấy. Tài hoa đoản mệnh. Tức thế.

- Mày lại điên rồi đấy.

- Thủy này, nếu không tầm được đại gia thì chị có chịu lấy lão gia không?

- Có. Tao lấy về nấu cao. Cao tiên. Tiên thề.

- “Tiên thề”... là... tiên gì?

- Là tề thiên.

Ối! Tôi giãy ra cười ngặt nghẽo, cười cong cả người. Chị lại mắng tôi “tiểu yêu nghiện cười”.

******************

Hồi ấy thế mà vui, vui biết bao nhiêu.

Tôi nghĩ độ ấy chị Thủy vì chiều tôi mà tham gia vào cái trò “đi Phú Mỹ Hưng săn chồng đại gia lấy tiền nâng cao vị thế, mua đồ LV”, chứ những trò như thế không hợp với tạng chị. Chị thành tâm thành ý muốn tìm một người đàn ông. Đàn ông cho ra đàn ông. Để sưởi ấm cái buồng tim gan lúc nào cũng như rỗng ra, lạnh ngắt của chị, một người đàn bà ra đàn bà. Thế nên lần ấy, khi đến phần “tự bạch” của tôi, tôi nhìn vào mắt đại gia, cười duyên bảo: “Em thích tiền và đàn ông. Đặc biệt là thích đàn ông có tiền” thì chị nghiêm túc bảo tôi thôi dẹp cái trò đi Phú Mỹ Hưng mỗi cuối tuần đi, tao bắt đầu thấy nó vô bổ rồi. Lại còn nhảm nữa. Để thời gian ấy mà đi chợ nấu ăn cho nó có sức khỏe để còn làm thú nhún được dài lâu. Tôi đồng ý với chị, nhưng cuối tuần lại vẫn cứ thích đi Phú Mỹ Hưng, nó như một thứ “xứ sở thần tiên” đột ngột trồi lên giữa cái nước Việt Nam lầm lụi hỗn độn này, mà tôi thì dạo ấy đang rất mê làm Alice. Chẳng bao giờ chị cưỡng được tôi, nên cuối tuần lại lạch tạch cho xe nổ máy chở tôi xuống “xứ sở thần tiên”. Cho đến hôm chị xô ghế đứng dậy, chửi thẳng vào mặt một tiểu gia có bố hành nghề buôn lậu gỗ và đồ Hi-tech rằng: “Đừng vì trong bản thân mình không xuất hiện những tình cảm cao đẹp mà cho rằng những tình cảm cao đẹp được bộc lộ nơi người khác là hàng giả cả!” thì tôi thấy phải dừng thật, nơi này không có chỗ cho những người như Thủy và tôi. Chúng tôi không thích hợp với những cuộc đi “săn” kiểu như thế này, dù có là đi với mục đích kiếm chồng hay đi với mục đích tiêu khiển.

Đợt tôi và chị cùng một nhóm sinh viên nhạc viện làm thú nhún cho chương trình hòa nhạc “K. Symphony”, một nữ ca sĩ hát nhạc teen pop có đại gia bỏ ra một lúc 3 tỷ bạc làm chương trình này để biểu diễn và ghi hình (mà toàn hát nhép cả), nhắm nhe đổi chiếu lên hạng, kiếm cho mình một suất Diva, thì đang bè ê ê a a mà tôi thấy nước mắt chị ứa ra, từng giọt từng giọt thi nhau lăn xuống, long lanh như ngọc. May mà bao nhiêu đèn đuốc thi nhau đánh hết về phía ca sĩ, chúng tôi đứng bên góc sân khấu mờ mờ tỏ tỏ nên không ai biết ai hay. Cuối buổi ấy, chị bảo: “Tao chính thức bỏ nghề”.

Hôm tiễn chị theo chồng về cao nguyên làm trang trại, một anh tài xế to-cao-đen-hôi, lái xe container tuyến Bắc - Nam, tôi buồn như đi đưa đám ma. Đưa chân chị đi đến đâu, nước mắt tôi rơi đến đó. Chị vừa khóc vừa cười, ôm lấy tôi dỗ dành, lẩy thơ Nguyễn Bính: “Gái lớn ai không phải lấy chồng/ Can gì mà khóc, nín đi không”.

*********************

Đận tôi khăn gói nhảy tàu lên thăm chị, đi đến cổng nhà thì người đã đỏ mù đất bụi bazan, một con chó vàng to cao nhảy ra sủa dữ dội kinh khiếp, nhe răng trắng ởn dọa cắn tôi mấy lượt thì mới thấy chị tất tưởi chạy ra. Chị buông liềm, nhào đến ôm lấy tôi, vật cái uỳnh ra giữa đám cỏ, ngắm nghía sờ nắn chân tay mặt mũi, xót xa: “Mày gầy đi đấy. Đuôi mắt đã có vết rạn rồi này. Mày mới có hai lăm thôi đấy, nhớ không, tiểu yêu nghiện cười” (lạ lùng là vắng chị, tôi bớt cười đi nhiều. Cũng chẳng hiểu tại sao). Tôi cố tìm mối liên hệ của một thú nhún ngày xưa với người đàn bà một con đang đứng trước mặt mình đây. Chị béo ra, khỏe mạnh, da thịt đỏ au au, má hồng rực, môi thắm như thoa son. Chỉ khi nhìn vào mắt chị, thì thấy một nỗi gì vương vất như nỗi nhớ thị thành, nỗi nhớ hát ca. Lúc sắp tới giờ nấu cơm tối, chồng chị (Trông ông ấy như thổ phỉ ấy nhỉ? Khiếp râu tóc kinh quá. Tôi ghé vào tai chị nói nhỏ, chị gật gật cười cười) quát bảo con bé bốn tuổi: “Lan, mày dẫn cô lên đồi sim sau nhà chơi, nhớ mang theo cái túi cho cô đựng sim chín. Mặt trời xuống núi thì dẫn cô về, nghe không? Ăn vừa thôi kẻo đau bụng chết đấy.”

Hai cô cháu lúc thúc lên đồi. Bạt ngàn sim. Sim chín béo kềnh, tím sẫm. Cô cháu ăn đến tức bụng, ợ lên nghe toàn mùi sim chín còn thè lưỡi ra thi xem lưỡi ai tím hơn. Đến khi xuống đồi, chưa về đến ngõ đã nghe mùi sả mùi riềng thơm điếc mũi. Rửa tay chân mặt mũi xong, vừa ngồi xuống chiếu, đã thấy anh bưng lên một mâm đầy tú ụ, xoa tay vừa cười vừa nói: “Cô là khách quý nhất của vợ chồng tôi, vượt suối băng đèo đến cái xó xỉnh hang hốc này, chợ thì xa, nhà không có gì, thôi thì cô dùng tạm bữa cỗ thịt chó này, bảy món đầy đủ không thiếu món nào, thử xem tài nấu của tôi có vừa miệng cô không.” Nghe anh nói tôi giật mình nhìn quanh quất thì không thấy con vàng to cao dữ tợn lúc nãy đâu nữa, rụng rời cả người. Trời ơi, nó mới sủa ông ổng, dọa cắn dọa giết tôi đây, mà nhoằng một phát đã ra nông nỗi này sao, tôi lên đồi chơi mới hơn tiếng đồng hồ chứ mấy! Bàng hoàng nhìn sang chị, chị ôm bụng cười, đấm thùi thụi vào lưng chồng, bảo tôi: “Thôi cầm đũa đi. Mày đã lạc vào nhà thổ phỉ rồi, còn sợ gì nữa. Ông này, trời can cũng có được đâu. Một tay ông ấy làm cả đấy, tao chả động vào tí nào đâu”. Tôi để ý thấy chị rất hay cười, cười suốt. “Tiểu yêu nghiện cười” là chị mới đúng.

Ở chơi đến thứ Năm, tôi về lại thành phố, mấy đêm cuối tuần còn chạy show. Trông chị bi lụy quá, tôi trêu: “Thế nào, làm thú nhún cho chồng và làm thú nhún cho ca sĩ, cái nào thích hơn?” Chị thụi vào lưng tôi, hai má đỏ ửng, xúi dại: “Yêu đi mày ạ. Mày đừng sống lạnh như thế nữa. Họ làm mình khổ thật, nhưng không có đàn ông thì không hạnh phúc được đâu. Lúc lấy anh ấy là tao uất quá làm liều, nhưng bây giờ lại rất hài lòng. Mày xem, con bé nhà tao giống bố như tạc, khỏe mạnh khôn ngoan. Nhìn thôi đã thấy sướng”.

********************

Rồi chị Thủy cũng về thành phố, tự bắt xe ôm tìm đến nhà tôi.

Vừa đến cửa, chị đưa mắt nhìn khắp lượt, thấy nhà tôi trống huơ, chơ vơ mỗi cái bàn Nhật với cái tivi. Nhà tôi thuê, không mua sắm đồ đạc nhiều, cũng chả có tiền mà bày vẽ. Chị vứt cái túi rồi sồng sộc chạy lên gác. Tôi phải gọi giật lại:

- Chị đi đâu đấy?

- Chị phải coi mày ăn ở thế nào, chứ trống huơ thế này...

Trên gác là cả thế giới của tôi, là mật thất của tôi, chốn ẩn náu của tôi, tôi chẳng cho ai lên đấy bao giờ. Khi đuổi kịp thì chị đã lên được đến nơi.

- Trời ơi, toàn sách là sách thế này à!?

Chị đứng ngẩn ngơ trước hai dãy giá sách chất hàng hai hàng ba, oằn mình cõng vác. Dưới sàn gỗ sách mua về chưa kịp xem, chưa kịp phân loại hoặc đang đọc dở, tôi bày ra la liệt ngổn ngang. Đĩa nhạc đĩa phim tôi cứ dựng dọc theo bức vách, hàng ngang dãy dọc như người ta bày hàng ngoài sạp. Ở một mình, làm thánh nhân không ai khen, làm giặc không ai cản.

- Mày đọc sách nhiều thế mà ăn nói như một con vô học ấy, hở?

- Tri thức không thể thay đổi con người. Bản chất em vô học. Mà em cũng chả muốn làm người có học. Ngày nốc cho lắm chữ vào, đêm đi làm thú nhún, chỉ làm mình đau khổ thêm.

Không hiểu sao khi nói đến ba chữ “đau khổ thêm” thì nước mắt tôi trào ra, giọng nghẹn lại. Chị ôm ngang lưng tôi, vỗ vỗ. Rồi chị khóc trước...

- Vứt hết đi em, về trên ấy sống với chị. Giữa đất giữa trời, em tha hồ hát.

Tôi lắc đầu:

- Đã lỡ sinh ra là thiêu thân, thì phải được chết trong ánh sáng, chị cứ để cho nó được chết với ánh sáng.

Sau đấy chị đặt thêm cho tôi cái tên mới “tiểu yêu nghiện chữ” bên cạnh cái “tiểu yêu nghiện cười” đã có từ trước.

Đi ngang bàn viết, nhìn vào cuốn sổ để mở của tôi, chị hỏi:

- Viết ca khúc đấy à? Với ghi ta à?

Chị ngân nga xướng âm, rồi bảo:

- Được đấy. Copy cho tao một bản, về trên ấy hát cho chồng con tao nghe. À, mày có tin là bò cũng biết nghe nhạc không? Sáng ấy tao dậy sớm quét sân như mọi bữa, ngứa cổ hát hết bài này đến bài khác, âm nhạc trút hết vào tai hai con bò. Có con bò đực điên lắm, ngoài lão to cao đen hôi nhà tao ra, không ai đụng được vào nó. Thế mà sáng ấy ông ấy dắt nó đi ngang, nó lại cọ cọ mõm vào người tao. Từ đấy nó chuyển sang thân thiện với tao mới ác. Tao cũng động lòng, sáng ra quét sân hay hát cho nó nghe, luyện thanh luôn thể.

Tôi cười lăn ra, ai đời ở thành phố người không cho mình cơ hội để hát, thì giờ lên núi hát cho bò nghe, phản lại thành ngữ “đàn gảy tai trâu”. Sỉ nhục đồng loại thế. Tôi bảo:

- Thế là âm nhạc đánh thức nhân tính đấy, âm nhạc phóng nhiễm nhân tính đấy, bà ạ. Chị mà cứ làm như thế, thì đám bò ấy thành bò điên.

Đi ngang lọ cúc đại đóa tôi cắm trong chiếc bình gốm da lươn trên bàn, chị thắc mắc:

- Hoa còn tươi rờ rỡ thế mà sao lá đã héo rồi? Hay cạn nước rồi?

Chị thò ngón tay vào lọ hoa đo nước, tôi chỉ kịp kêu lên “Thối lắm đấy” thì chị đã đưa lên mũi ngửi. Ngửi xong mặt nhăn như khỉ, lau vội lau vàng ngón tay vào giẻ, rồi lại ngửi, rồi lại lau, miết đến mòn da tay. Lại thắc mắc tiếp:

- Sao chân nó cắm trong nước thối thế mà hoa lại tươi đẹp thế, hả mày?

Bà này, hơn tôi năm tuổi mà như tôi hơn bà năm tuổi. Cái gì chị cũng là người thắc mắc và tôi cũng là người giải đáp:

- Nước nào thối. Hoa cúc làm cho nước thối đấy. Nó phải dồn hết cái thối xuống chân, truyền vào nước thì phía trên hoa mới thơm, mới đẹp, mới tươi rờ rỡ như thế được.

- Ừ nhỉ...

Chị nói như người ngẩn ngơ, thần mặt ra, nghĩ ngợi.

Tối ấy nằm ôm ngang lưng tôi, hai chị em cứ to nhỏ rầm rì, mười lần bảo: “Thôi, ngủ. Lần này ngủ thật nhé, cấm đứa nào nói nữa” nhưng đến ba giờ sáng vẫn cứ rầm rì, mắt cay như xát cát, giọng khàn đi. Vẫn nói.

- Nói nghiêm túc tao nghe, mày định thế nào, chứ cứ như thế này mãi mà được à?

- Không định nữa, mà em đã làm rồi. Thủy xa em lâu quá nên không biết. Em vẫn cứ làm thú nhún, bây giờ thú nhún đắt show, tháng em cũng kiếm được mươi, mười lăm triệu. Thời gian của em, em tự sáng tác, em tự phối bài, em hát, em thu đĩa, em phát hành. Em hoạt động kiểu như nghệ sĩ underground ấy. Người nghe của em không nhiều, khoảng độ năm nghìn, nhưng họ là những người biết nghe thực sự, họ kén chọn và luôn tìm kiếm những giọng hát mới, lạ, hợp với thẩm mỹ âm nhạc của họ. Em không cần đầu tư nhiều vào hình thức, hình ảnh, chỉ chủ yếu đầu tư vào âm nhạc và âm thanh nên chi phí không cao quá. Em đang làm cái thứ ba đấy, định là bảy bài thôi, được ba bài hoàn chỉnh rồi. Em gắng cứ một, vài năm ra một đĩa. Làm để thỏa mãn mình trước nhất.

Chị ôm chầm lấy tôi, đập vào mông tôi đen đét, chửi: “Con chó! Thế mà bây giờ mới chịu nói. Mở ngay một đĩa cho tao nghe xem có ra cái gì không”. Tôi biết là chị mừng lắm, vui lắm. Hăng lên chị bảo: “Cứ làm đi. Thiếu tiền tao cho. Tao có tiền đấy”. Hỏi được bao nhiêu, chị khoe: “Hai trăm, hai trăm triệu, gửi trong ngân hàng. Tiền lão nhà tao giải nghệ, bán cái xe container ông ấy vẫn chạy, chủ lấy một nửa, chia cho ông ấy một nửa”. Tôi cười bảo, ai lại lấy tiền của chồng đưa cho bạn làm đĩa bao giờ. Tiền của anh ấy là tiền mồ hôi nước mắt, thứ em làm ra là thứ phù phiếm xa xỉ. Chị nói: “Ông ấy thương tao lắm, bảo gì cũng nghe, có gì cũng cho tao hết cả. Chuyện tiền chị nói thật đấy. Mày đang hát cho cả phần của chị, mày đang sống cho cả phần của chị nữa đấy, biết không!?” Tôi lặng đi, chẳng biết nói gì. Chị cũng im lặng, thở đều. Tưởng đã ngủ rồi, hóa ra một lúc lại nghe tiếng nói, nói như nói một mình: “Người đời họ cứ chê trách thiêu thân, bảo nó u mê ngu xuẩn, chứ tao hâm mộ thiêu thân lắm, nhất là cái loại thiêu thân như mày. Đâu phải kẻ nào cũng có đủ dũng khí để lao đầu vào ánh sáng, nhỉ?”.

HẢI MIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên