![]() |
Chị em Phương An, Duy Khang ở nhà trọ - Ảnh: Đặng Tươi |
Từ những chuyến xa nhà
Để ngồi vào “chiếc ghế nóng” của Rồng vàng, Bùi Phạm Phương An hiện đang học cao học ngành sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã phải làm khán giả tới lần thứ tư (vì các lần trước đều không giành được quyền ưu tiên).
Còn em trai Bùi Phạm Duy Khang (SV năm 3 ngành công nghệ thông tin của ĐH Mở - bán công TP.HCM) sau lần làm thí sinh đã tình nguyện làm “tài xế” kiêm cổ động viên cho chị mình.
Ngay khi 12 tuổi, từ vùng quê của mình ở ấp 4, xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, Bến Tre, Phương An lên TP.HCM để học. Sống trong ký túc xá của dòng tu Vinh Sơn (Phú Nhuận) và sau đó ra ngoài thuê nhà trọ, đến nay cô gái 25 tuổi đã ngót nghét 13 năm xa gia đình. Duy Khang thì “chu du” nhiều nơi: lớp 6 đến lớp 8 học ở Đồng Nai, lớp 9 học ở Thủ Đức (TP.HCM), THPT học tận Vĩnh Long, lên ĐH mới vào lại Sài Gòn. “Cha mẹ tôi muốn con cái học được tính tự lập”, An cho biết.
“Máu” tự lập đã giúp An thiết kế nhiều chuyến đi xa khác hỗ trợ ngành học của mình: lên đèo Ngoạn Mục sưu tập bướm, về Nha Trang lặn tìm san hô, rong biển hay về Long An nghiên cứu tràm… Còn Duy Khang thì biết tự mình làm cỏ, bón phân chăm sóc cây nơi mình trọ học từ năm lên 9 tuổi. Cả hai đều có ý thức độc lập trong việc học và thu nhận kiến thức cho mình.
Khang khoe tủ sách, trong đó có những cuốn sách quí của dòng họ nội ngoại. “Còn một tủ sách cả ngàn cuốn ở quê, lần nào về chị em cũng vùi đầu vào đọc, sướng lắm”- Khang nói. Những câu hỏi trong Rồng vàng mà hai chị em gặp thuộc 13, 14 lĩnh vực: lịch sử, thể thao, âm nhạc, nhiếp ảnh, nấu ăn..., nhiều câu nằm trong tủ sách của họ. “Câu số 16 mà chị An thất bại nằm trong nửa sau của cuốn Thần thoại Hi Lạp, cuốn sách chị đang đọc mới được có... nửa phần đầu!” - Khang tiếc cho chị mình.
Cả hai đều quyết định không chọn giải pháp “dừng cuộc chơi” (hưởng trọn giải thưởng) vì với họ “trong cuộc sống mạo hiểm cũng có cái thú riêng của nó”. An dùng 50% trong 28 triệu đồng tiền thưởng tặng bệnh nhân HIV/AIDS ở Mai Hòa, trại phong Bến Sắn và quĩ vì người nghèo ở quê. Còn Khang dành phần lớn tiền để mua... sách. Nhưng đằng sau thành công ấy còn có bóng một người mẹ...
![]() |
Bà Phạm Thị Ngọc Dung và cô con gái út. Ảnh: Đặng Tươi |
Tôi tìm đến chùa Điện Quang ở đường Bình Tiên, quận 6, TP.HCM. Nơi đó trong căn phòng khoảng 10m2, bà Phạm Thị Ngọc Dung (mẹ của An và Khang) đang ở cùng cô con gái út học lớp 2. Trên chiếc xe đạp màu sơn cũ, dây sên đã gần đứt, ngày ngày người mẹ 50 tuổi này chở con đến trường và mình cũng... đi học. Bà hiện học lớp dược tá C7, khóa 16, ĐH Y dược TP.HCM, đi học chung với những người cùng tuổi con bà.
Giấc mơ đi học của bà đã hơn 30 năm!
Bà tốt nghiệp tú tài đúng lúc đất nước giải phóng. Giao thời nên giấc mơ vào đại học tạm gác lại. Theo gia đình về Bến Tre sinh sống, bà lại tiếp tục làm đơn đi thi, vẫn không vượt qua được ải lý lịch thời ấy. Đứa con đầu lòng là Phương An chào đời được mấy năm bà vẫn nộp đơn đi thi cho đến khi Duy Khang ra đời thì bà mới thôi.
Vậy mà năm 2003, khi bốn đứa con đã bắt đầu lớn khôn, bà lại... đi thi. “Ngày đầu cầm tập bước vô trường ĐH tui thấy chân mình run run, lòng thì hăng hái. Đâu dè có ngày mình được đi học. Có ngày đi bộ mấy cây số đến trường mà quên mệt”, bà cười, nụ cười thật hiền và nhân hậu.
Tháng năm này, người mẹ thi tốt nghiệp. Giấc mơ đi học của người phụ nữ 50 tuổi ngày trước là để tìm hiểu kiến thức. Nhưng bây giờ ý nghĩa sâu xa trong sự cần mẫn của bà chính là dạy cho con ý thức về việc học, khi bà hay dạy con: “Cho tiền không bằng cho kiến thức”.
Tôi đã thấy người mẹ này mới chính là người vô địch của cuộc thi Rồng vàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận