Phóng to |
Ông Phạm Công Hùng - Ảnh: NGỌC HÀ |
Sau thời điểm này giải quyết ra sao? Ông Phạm Công Hùng, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM, giải thích:
- Người dân đang khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai đến UBND cấp huyện và tỉnh từ ngày 1-6-2006 (ngày pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính sửa đổi bổ sung có hiệu lực) đến ngày 1-7-2011 (ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực) thì phải làm thủ tục khởi kiện đến hết ngày 1-7-2012. Sau thời điểm này, tòa án không thụ lý giải quyết loại việc này nữa và cá nhân, tổ chức đang khiếu nại sẽ mất quyền khởi kiện. Việc khởi kiện ra tòa không phụ thuộc vào việc cơ quan bị khiếu nại đã giải quyết khiếu nại hay chưa.
* Trường hợp người dân khiếu nại về đất đai đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng thì có được khởi kiện ra tòa không, thưa ông?
- Nếu người dân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của cơ quan thẩm quyền thì vẫn được khởi kiện.
* Trường hợp người dân không đồng ý với giá bồi thường đất và đã bị cơ quan nhà nước cưỡng chế thu hồi đất trước ngày 1-6-2006 thì có được khởi kiện? Người dân phải khởi kiện quyết định thu hồi đất hay kiện quyết định cưỡng chế?
- Theo nghị quyết trên, quyền khởi kiện của người đang khiếu nại quyết định hành chính không phụ thuộc vào thời gian ban hành quyết định. Chỉ cần người dân có hành vi khiếu nại đến các cơ quan chức năng trong thời hạn từ 1-6-2006 đến 1-7-2011 thì sẽ được khởi kiện.
Người dân kiện quyết định thu hồi đất hay quyết định cưỡng chế thu hồi đất đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Như vậy, người dân không đồng ý với quyết định nào thì khởi kiện quyết định đó.
* Nếu người dân đã có khiếu nại về đất đai trong thời hạn trên mà đến hết ngày 1-7 tới đây không kịp nộp đơn khởi kiện ra tòa thì sao?
- Như đã nói ở trên, người dân sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp này người dân có thể tiếp tục khiếu nại đến cơ quan thẩm quyền để được giải quyết theo quy định.
* Thủ tục khởi kiện thế nào, thưa ông?
- Người dân gửi đơn khởi kiện gồm các nội dung: tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện; nội dung quyết định hành chính, hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có); các yêu cầu đề nghị tòa án giải quyết; cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (cần lưu ý là cùng một quyết định, một hành vi hành chính, người dân không thể cùng lúc vừa khiếu nại cơ quan thẩm quyền vừa kiện ra tòa án); ngày tháng năm làm đơn... Người dân có thể gửi đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan trực tiếp đến tòa án hoặc gửi qua bưu điện. Ngày khởi kiện tính từ ngày nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện.
* Theo Luật tố tụng hành chính, thời hạn để người dân kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai là bao lâu?
- Người dân, tổ chức có quyền khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong vòng một năm kể từ ngày quyết định được ban hành hoặc hành vi xảy ra. Nếu để quá một năm mà không chứng minh được lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khiến người khởi kiện chậm nộp đơn kiện thì sẽ mất quyền khởi kiện.
Theo điều 162, nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2003, người dân được khiếu nại các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai gồm: quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất. Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận