28/03/2008 06:52 GMT+7

Chetan Bhagat và những câu chuyện "làm đau xót"

THỦY TÙNG tổng hợp
THỦY TÙNG tổng hợp

TT - Có một nhà quản lý trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng tài ba nhưng "kỳ quặc", tên Chetan Bhagat. Mỗi cuối tuần, trong khi các đồng nghiệp chen chân đến sân golf tìm cơ hội giao dịch, người quản lý xuất sắc của Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs lại nhốt mình trong nhà cặm cụi với bàn phím.

eG5G1SGx.jpgPhóng to

Chetan Bhagat - Ảnh: Hindu.com

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nỗi đam mê ám ảnh đến nỗi vào ngày thường, Bhagat cũng dựng mình dậy khi trời còn tù mù, gõ rào rào... 15 trang nháp trước khi ra khỏi nhà đi làm. Nhưng đó là chuyện của bốn năm trước. Chetan Bhagat bây giờ ở tuổi 34 vẫn tiếp tục là giám đốc trong lĩnh vực ngân hàng, kiêm tác giả những quyển tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh bán chạy nhất từ trước tới nay ở Ấn Độ.

Từ góc nhìn trẻ

Tác phẩm đầu tiên - Five point someone (five-point GPA là điểm số rất thấp ở Ấn Độ, ảnh hưởng đến tương lai sau khi ra trường của sinh viên), là một tiểu thuyết ngắn kể về ba sinh viên đã phải chống chọi như thế nào trong ngôi trường đại học danh giá Bhagat. Theo trang web của sách, "đây không phải một cuốn sách dạy bạn làm thế nào bước vào Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) danh tiếng và tồn tại được ở đó. Sách miêu tả rằng mọi chuyện gian dối sẽ đưa bạn đi về đâu nếu như bạn không lấy lại lòng trung thực". Kể từ lúc ra mắt độc giả cho đến tháng 1-2008, sách luôn có mặt trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất. Tác phẩm đầu tay của Bhagat mang lại cho anh giải thành tựu trẻ trong xã hội năm 2004, Giải thưởng của Nhà xuất bản năm 2005 ở Ấn Độ và được các nhà làm phim Bollywood hồ hởi đón nhận.

"Với tư cách một quốc gia, Ấn Độ có một lòng tự tin lớn vô cùng, thậm chí đượm tính huênh hoang. Nhưng bọn trẻ của chúng ta lại không cảm thấy điều đó, vì họ đã được nuôi dạy để trở thành những kẻ vâng lời. Sự khủng hoảng lòng tự tin ra đời từ đây. Ấn Độ càng được quốc tế công nhận, khủng hoảng càng trầm trọng. Chúng ta điên hết rồi... Tôi luôn thích làm mọi người vui. Tôi lại rất nhạy cảm về nhiều điều trong xã hội. Văn học cho phép tôi kết hợp chúng dưới hình thức một câu chuyện mang một thông điệp".

Sau Five point someone, quyển Một đêm ở Trung tâm chăm sóc khách hàng bán được 1 triệu bản, chỉ thua kỷ lục phát hành của quyển tự truyện của Mahatma Gandhi. Trong tác phẩm thứ hai này, đằng sau một câu chuyện tình lãng mạn và tan vỡ ở văn phòng, là câu chuyện về một quốc gia đang leo lên bậc thang của sự giàu có bằng cách biến thành trung tâm chăm sóc cho các khách hàng người Mỹ.

Mỗi quyển sách viết ra đều là dịp để Bhagat rèn giũa óc nhận xét và phê phán của mình. Anh vừa viết xong quyển thứ ba - Ba lỗi lầm trong cuộc đời tôi (dự kiến ra mắt tháng 7-2008). Chủ đề lần này còn nhạy cảm hơn. Lấy bang Gujarat miền đông bắc - nơi đã diễn ra những vụ bạo loạn giáo phái năm 2002 - làm bối cảnh, Bhagat đề cập đến sự chịu đựng và bối rối mà những người Ấn Độ trẻ cảm nhận về các giá trị tôn giáo. "Ấn Độ là một đất nước đa tôn giáo, và người già có những quan điểm thái quá về tôn giáo. Những quan điểm đó người trẻ không có khả năng thông hiểu!", Chetan Bhagat nói thẳng.

"Nhà văn cần có trách nhiệm lớn"

Có người hỏi vì sao những tác phẩm của Bhagat thường có cung cách ướt át rất "Bollywood". Anh giải thích: "Công chúng của tôi lớn lên cùng Bollywood nên họ muốn có một câu chuyện làm cho họ đau xót hơn là những lời giáo huấn răn dạy".

Bhagat đã mô tả thế hệ trẻ Ấn Độ gan góc hơn thế hệ cha mẹ họ, cho dù họ phải cạnh tranh khốc liệt và chịu đựng song hành những áp lực do chính cha mẹ họ đặt lên: phải vào trường đại học hàng đầu, đạt thứ hạng cao, tìm được một việc làm tốt và người chồng/người vợ tốt. Trong lao đao, họ vẫn mỉm cười tận hưởng tuổi xuân của mình, viết nên một thiên sử thi hoành tráng. Rất nhiều thư điện tử của độc giả trẻ đã gửi đến Bhagat: "Anh đã tiếp cho chúng em lòng tự tin". Có một đàn em của Bhagat ở IIT kể rằng cậu đã suýt tự tử vì bị điểm xấu, nhưng sau khi đọc Five point someone, cậu đã thấy được an ủi rất nhiều.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin DNA, nhà văn và nhà làm kinh tế trẻ Chetan Bhagat cho thấy anh tự nhận về mình một trách nhiệm thiêng liêng đối với thế hệ Y. "Áp lực thành công là đang góp phần giúp Ấn Độ thay đổi nhanh, đầy sức sống. Nhưng sự cạnh tranh có những hạn chế. Nó có mặt tốt lẫn mặt có hại", Chetan Bhagat cay đắng nói.

Khi còn nhỏ, Bhagat và người anh không được phép xem truyền hình ở nhà vì cha anh có lối dạy con bằng kỷ luật sắt. Nay là cha của một đứa bé trai ba tuổi, Chetan Bhagat nói anh muốn con anh có được sự độc lập về bản sắc. "Một điều quan trọng nữa, trẻ em phải được dạy không cần chiến thắng bằng mọi giá. Và nếu thỉnh thoảng có thất bại cũng không sao".

THỦY TÙNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên