22/03/2007 06:32 GMT+7

"Chạy" hạn ngạch là do bắt buộc (?)

CHI MAI
CHI MAI

TT - Ngày 21-3, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Hầu hết luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm tội đưa hối lộ (các doanh nghiệp) đều cho rằng việc bỏ tiền để chạy hạn ngạch do cơ chế xin - cho tại Bộ Thương mại.

xoehOqf3.jpgPhóng to
Bị cáo Phan Nghĩa Hiệp rời tòa ra về - Ảnh: Minh Luận
TT - Ngày 21-3, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Hầu hết luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm tội đưa hối lộ (các doanh nghiệp) đều cho rằng việc bỏ tiền để chạy hạn ngạch do cơ chế xin - cho tại Bộ Thương mại.

Không “chạy” được quota, doanh nghiệp phá sản

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng và Chu Khắc Hoài Dương bảo vệ cho Lai Wai Hung (người Trung Quốc) xin tòa xem xét cảnh khổ chung của các doanh nghiệp, bởi thời điểm đó việc cấp hạn ngạch tại Bộ Thương mại rất khó khăn. Các doanh nghiệp không “chạy” được hạn ngạch là chỉ còn nước phá sản, không đủ tiền đền vi phạm hợp đồng.

Số tiền 18.000 USD mà Lai Wai Hung đưa cho Nguyễn Cương thực chất cũng là tiền của Công ty Sundance chứ không phải của bị cáo. Luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Lai Wai Hung vì bị cáo là người nước ngoài, hiểu biết pháp luật hạn chế (VKS đề nghị phạt 6-8 năm tù về tội đưa hối lộ).

Luật sư Nguyễn Bảo Ngọc, bào chữa cho Lưu Thị Minh Hiền (cũng thuộc nhóm đưa hối lộ), cho rằng hoàn cảnh lúc đó buộc Hiền phải bỏ tiền (50.000 USD) đưa cho Bùi Kim Dung nhờ lo hạn ngạch, vì nếu không công ty của Hiền sẽ vi phạm hợp đồng dịch vụ xuất khẩu với Công ty QMI.

Để bảo vệ cho Mai Thanh Hải, luật sư Phan Trung Hoài đã đưa ra 10 chứng cứ cho rằng Hải không lừa đảo 560 triệu đồng trong việc “chạy” hạn ngạch cho Công ty Qualitex. Luật sư Hoài cho rằng việc nhận tiền của Hải với Trần Vũ Quang chỉ là quan hệ dân sự. Theo ông Hoài, việc Hải nhận 560 triệu đồng của Trần Vũ Quang để lo hạn ngạch cho Công ty Qualitex là có vi phạm, nhưng đó là vi phạm đạo đức cán bộ. Trong ý thức của Hải muốn lợi dụng chức vụ quyền hạn của cha mình để trục lợi, chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty Qualitex như VKS qui kết.

Về hành vi sử dụng bằng giả của Mai Thanh Hải, luật sư Hoài cho rằng tội danh mà VKS truy tố (làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức) là có cơ sở, nhưng cũng đề nghị tòa xem xét có cần thiết phải xử lý hình sự đối với Mai Thanh Hải về hành vi này hay không. Thực tế có rất nhiều quan chức hiện nay cũng sử dụng bằng cấp giả nhưng khi bị phát hiện cũng không bị xử lý hình sự.

Bào chữa cho Nguyễn Cương, nguyên phó Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (bị đề nghị 8-10 năm tù), hai luật sư Trần Văn Tạo và Nguyễn Anh Tuấn đồng ý với việc rút một phần quyết định truy tố của VKS đối với Nguyễn Cương (chỉ truy tố Cương môi giới hối lộ 6.000 USD thay vì 66.000 USD như cáo trạng).

Mai Văn Dâu đòi... công bằng

Chiều 21-3, HĐXX đã cho các bị cáo tham gia bào chữa bổ sung. Tự bào chữa cho mình, Mai Văn Dâu thừa nhận có sai sót trong việc thực hiện qui trình xét hồ sơ xin cấp hạn ngạch dệt may vào Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp, có sai sót trong việc tiếp các doanh nghiệp tại nhà riêng. Tuy nhiên, một lần nữa Mai Văn Dâu khẳng định mình không hề nhận hối lộ 6.000 USD do Nguyễn Cương đưa như cáo buộc của đại diện VKS.

Cũng trong phần tự bào chữa, Mai Văn Dâu làm những người dự khán khá bất ngờ khi nói: “Tôi xin đòi lại sự công bằng trong lời khai lại của mình trước tòa. Tại sao cũng là bị cáo mà lời khai lại của Nguyễn Cương thì được tòa chấp nhận, còn lời khai lại của tôi thì không được?”.

Theo giải thích của Mai Văn Dâu, trong quá trình điều tra do sức khỏe yếu, bệnh tật và mong muốn được tại ngoại để chữa bệnh nên đã thừa nhận nhận hối lộ khi điều tra viên yêu cầu. Lúc đầu Mai Văn Dâu chịu nhận 4.000 USD, nhưng sau đó điều tra viên vẫn không cho tại ngoại và yêu cầu nhận thêm nên ông ta mới khai nhận 6.000 USD. Đến khi nhận 6.000 USD rồi mà cơ quan điều tra vẫn không cho tại ngoại nên Mai Văn Dâu phản cung, khai lại là mình không nhận một đồng nào của Nguyễn Cương.

Cũng trong phần tự bào chữa, bị cáo Phan Nghĩa Hiệp đã làm khán phòng sôi động hẳn khi khẳng định: “Việc làm của tôi không gây phương hại đến uy tín của cơ quan nhà nước, trái lại nó còn củng cố lòng tin của các doanh nghiệp đối với Bộ Thương mại” (?!). Theo bản luận tội của VKS, hành vi của Phan Nghĩa Hiệp phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn của người khác để trục lợi và Hiệp bị VKS đề nghị mức án từ 5-8 năm tù giam.

Bị cáo Hiệp nói rằng thời điểm đó các doanh nghiệp đang mất lòng tin ghê gớm vào Bộ Thương mại trong việc xin cấp hạn ngạch, việc bị cáo Hiệp xin được hạn ngạch cho các doanh nghiệp là lấy lại lòng tin của các doanh nghiệp này với Bộ Thương mại. Bị cáo Hiệp nói rằng mình làm việc này là “giúp đỡ vô tư” chứ không phải vì tiền. Bị cáo Hiệp còn so bì rằng mình có đến tám, chín tình tiết giảm nhẹ lại cùng nhóm tội với Trịnh Thị Hồng Điệp và Phạm Anh Tuấn nhưng lại bị đề nghị mức án nặng gấp 2-3 lần so với hai bị cáo này. Bị cáo Hiệp khiến cả khán phòng cười ồ khi nói: “Mới nghe VKS đề nghị, tôi nghĩ VKS đánh máy nhầm”.

Hôm nay (22-3), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận trở lại của đại diện VKS.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên