01/02/2005 09:53 GMT+7

Chàng trai Đức mê đàn môi Việt

Theo Lao động
Theo Lao động

Clemens Voight, một nhạc công rất trẻ người Đức, chuyên chơi bộ gõ, đã lập ra một công ty nhỏ mang tên Đàn Môi (www.danmoi.de), chuyên bán nhạc cụ truyền thống của các nước. 50 - 70% nhạc cụ của công ty anh bán ra là từ VN.

BNA1v6CA.jpgPhóng to

Thị trường của anh tuy khá nhỏ, nhưng Clemens đã đưa những nhạc cụ truyền thống của VN đến với người châu Âu.

* Tại sao công ty của anh lại tên là Đàn Môi?

- Vì tôi thích cái tên VN của loại nhạc cụ này. Trong tiếng Anh, người ta gọi nó là Jew’s Harp (đàn của người Do Thái). Hơn nữa, đó là điểm khởi đầu cho niềm say mê của tôi. Tôi thích đàn môi, vì đó là một trong những nhạc cụ cổ nhất trên thế giới, và là một nhạc cụ thể hiện tình yêu của người con trai với người con gái của một số dân tộc trên thế giới.

(Lần đầu tiên Clemens có một chiếc đàn môi nhỏ bé của VN là mùa hè năm 2000, rất tình cờ, anh gặp một cô gái ở Ấn Độ, cô cho anh hai trong số năm chiếc đàn môi cô mua về từ VN)

Đó thực sự là một phát hiện đối với tôi. Tôi mê đàn môi ngay lập tức, và lúc đó, vì không tìm thấy chiếc đàn môi nào ở châu Âu nên tôi sang VN, đi tìm những người thợ thủ công làm ra những chiếc đàn môi này.

Tôi biết được rằng đàn môi là nhạc cụ truyền thống của người Mông đen và Mông hoa.

Đàn môi rất dễ chơi, âm thanh của nó thật tuyệt vời, lại rất giàu âm bội. Tôi đã vượt hàng trăm cây số bằng môtô vào các bản làng ở vùng núi phía bắc Việt Nam, toàn phải nói ... bằng tay, vì tôi không biết tiếng Việt, và, thật ngoài sức tưởng tượng, tôi đã tìm thấy rất nhiều loại bộ gõ của người thiểu số vùng núi Việt Nam.

Từ đó, tôi đã trở lại VN bảy lần để tìm kiếm đàn môi, tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống VN và giờ đây tôi đã trở thành bạn thân của các nghệ nhân làm nhạc cụ dân tộc VN.

(Chuyến đi tới VN lần này của Clemens kéo dài gần hai tháng rưỡi, cho đến cuối tháng giêng này. Lần này, Clemens rất vui vì đã tìm được một học trò - sinh viên khoa nhạc dân tộc của Nhạc viện Hà Nội. Họ gặp nhau cũng tình cờ, lần đầu tiên ở một quán rượu ngoài đê Tứ Liên, trong gió sông Hồng, Minh được nghe Clemens biểu diễn đàn môi và anh rất thích. Lần thứ hai, họ tình cờ gặp lại khi Minh đi mua đàn môi về tập. Không nói chuyện được nhiều bằng ngôn ngữ, nhưng hai người trở thành thầy trò, thành bạn ngay nhờ âm nhạc. Trên cổ Clemens luôn đeo một chiếc đàn môi nhỏ của VN đựng trong ống tre. Đàn môi đối với anh không chỉ là một việc kinh doanh).

- Mỗi chiếc đàn môi, hay bất kỳ loại nhạc cụ nào của VN tôi đặt hàng cho công ty đều rất công phu để có tiếng hay nhất. Người thợ thủ công VN làm đàn môi cẩn thận đến mức khe hở giữa khung và lưỡi của đàn môi rất khó nhìn thấy. Điều đó giúp cho đàn môi có những âm thanh cực kỳ phong phú, nhất là ở âm vực cao.

Hoá ra đàn môi không chỉ là nhạc cụ của riêng VN. Clemens đã đi khoảng 8 nước để tìm kiếm chiếc đàn môi, cả châu Âu và châu Á. Anh bảo rằng, khó mà biết đàn môi có nguồn gốc từ năm nào, nhưng chiếc đàn môi cổ nhất được tìm thấy ở Hungary có tuổi từ cách đây 1.000 năm. Và bây giờ anh đã có được 100 loại đàn môi của các nước. Clemens lôi ra một chiếc hộp gỗ, trong đó anh cẩn thận cất những chiếc đàn môi nhỏ bé của rất nhiều nước trên thế giới.

* Hình dáng những chiếc đàn môi của các nước với đàn môi VN rất khác nhau - của VN thì dài và mảnh, của các nước thì tròn và thô. Tại sao vậy?

- Tôi nghĩ rằng ta có thể hiểu được về con người qua nhạc cụ - liệu có thể nghĩ vậy được chăng? Đây nhé, tôi thử mô tả chiếc đàn môi của VN: Rất nhẹ, âm thanh rất cao, tiếng rất hay, nó cũng rất dễ gẫy, hình dáng của nó rất đẹp. Mà đàn môi VN lại rất sắc, có thể làm đứt tay người ta, nhưng lại cũng rất dễ chơi nếu ta yêu quý nó.

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên