21/06/2009 03:03 GMT+7

Chàng thạc sĩ đưa xoài vào "ghép"

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Sau hai năm cật lực, chàng thạc sĩ trẻ Lê Văn Bằng - chủ nhiệm Câu lạc bộ Dịch vụ sản xuất trái cây Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) - đã đem giấy chứng nhận “ghép” (Global GAP) đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường quốc tế cho trái xoài cát Hòa Lộc.

efMbYfTs.jpgPhóng to
Thạc sĩ Bằng (trái) và nông dân trồng xoài ở Nông trường Sông Hậu - Ảnh: D.T.H.

Giữa năm 2006, Bằng đề xuất lên ban giám đốc nông trường: thực hiện tiêu chuẩn GAP trên xoài cát Hòa Lộc. Cơ sở đề xuất: nguồn nước ổn định; đất trồng xoài có sẵn liền một vùng 500ha với tiềm năng trở thành vùng nguyên liệu lớn; công nhân nông trường có tay nghề, trình độ; điều kiện đóng gói, kho bãi bảo quản tốt; giao thông thuận lợi...

Bắt đầu là vệ sinh đất

Tháng 5-2007, Nông trường Sông Hậu ký với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam hợp đồng “thực hiện mô hình GAP trên xoài cát Hòa Lộc”, giao cho Bằng triển khai thực hiện.

Anh chàng 33 tuổi vừa lấy tấm bằng thạc sĩ công nghệ sinh học này đã mời gọi được nhiều nhà khoa học và nông dân giỏi bắt tay vào công việc đầy thử thách. May mắn là anh đã liên hệ được với các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam như TS Nguyễn Minh Châu, TS Nguyễn Văn Hòa hỗ trợ về mặt kỹ thuật, mở các lớp đào tạo cho nông dân về quy trình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn Global GAP; cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn... Anh còn liên hệ được với Tổ chức SGS (chuyên thực hiện dịch vụ đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn Global GAP) cử chuyên gia về nông trường đào tạo cán bộ, thanh tra viên để giám sát chặt chẽ tiến độ sản xuất theo quy trình.

Một trong những yêu cầu trên con đường “GAP hóa” là phải có vùng đất liền canh, môi trường tốt, không ảnh hưởng ô nhiễm từ vùng kế bên. Trong khi đó bà con mình vốn quen canh tác nhỏ lẻ, đất đai manh mún, chỗ này trồng xoài, bưởi, chỗ nọ trồng lúa; lại còn tranh thủ thả nuôi gà vịt. Trên bờ ao là chuồng heo, dưới ao thả cá để tận dụng hết diện tích. Đó là chưa kể thói quen đi “cầu tõm” vẫn còn. Bằng “đứng mũi chịu sào” cho những công việc dọn dẹp ấy.

Với bà con nông dân, không chỉ nếp nghĩ mà càng khó khăn hơn là thuyết phục bà con giao đất để liên canh. Anh thuyết phục bà con: “Chỉ giao đất một năm, mình không làm gì cả mà vẫn hưởng lợi như mọi năm”. Mưa dầm thấm lâu, bà con nhận lời. Vậy là 20ha bờ xoài đã thành khoảnh được quy về một mối cho bảy hộ dân có tiềm năng nhất đứng ra lãnh.

Điều đầu tiên, bảy nông dân bắt tay thực hiện vệ sinh môi trường: dọn dẹp hết rác rến, chuồng heo, gà, vịt... quanh bờ xoài. Các “cầu tõm” đều thay bằng nhà vệ sinh tự hoại. Chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật tập trung vô kho, dùng xong không quăng bừa bãi mà gom vô một chỗ xử lý cẩn thận. Thậm chí anh còn thuyết phục bà con nông dân... tắm rửa sạch sẽ mỗi khi vô bờ xoài để tránh gây ô nhiễm.

Các hộ dán lên tường nhà những tấm bảng nhắc nhở cụ thể: “Không để móng tay dài; mang bao tay khi hái xoài để tránh trầy xước trái; dao kéo phải vệ sinh sạch sẽ trước khi dùng; bị cảm cúm, tiêu chảy hoặc mắc bệnh truyền nhiễm tuyệt đối không được vô bờ xoài; không ăn uống, xả rác bừa bãi trong bờ xoài...”. Anh Đặng Thanh Liêm thú thật: “Từ nhỏ tới giờ làm vườn tui có cần phải ghi chép gì đâu. Giờ mỗi ngày phải ghi nhật ký: bữa nay phun thuốc gì, tỉa mấy cành, bón phân gì... cực hết biết”. Nhưng rồi anh lại cười hề hề: “Giá xoài thị trường tự do hiện giờ 20.000-22.000 đồng/kg. Vô GAP được là bán 30.000-32.000 đồng/kg, mà có hợp đồng dài dài...”.

Thông được trong nhà, Bằng lại lo đến hàng xóm. Vùng liền canh trồng xoài theo quy trình phải đảm bảo vệ sinh môi trường, trong khi nước thải từ hàng xóm có thể len vô... Thế là Bằng tìm đến từng nhà hàng xóm, vận động bà con cố gắng dọn dẹp vệ sinh.

Bói quả Global GAP mùa đầu

SRPB33mD.jpgPhóng to

Thu hoạch xoài cát Hòa Lộc tại Nông trường Sông Hậu - Ảnh: D.T.H.

Sau bảy tháng vất vả chuẩn bị cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, tháng 8-2007 Bằng và bảy nông dân quan hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Tổ chức SGS để đăng ký được chứng nhận Global GAP trên xoài cát Hòa Lộc, lúc này lấy tên thương hiệu là “Xoài cát Sông Hậu”. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, hai tổ chức trên đồng ý ký hợp đồng và bắt đầu đi vào kiểm tra thực tế trên từng bờ xoài một.

“Suốt gần một năm trời, tụi tôi bị mấy nhà khoa học, thanh tra viên “vật” tơi tả - anh Liêm lắc đầu nhớ lại - lỡ quên chai thuốc trừ sâu trong vườn cũng bị trừ điểm. Ngặt nhất là lúc thu hoạch trái. Mấy ổng soi từng vết xước nhỏ trên trái xoài, trầy chút xíu là bị dạt ngay. Đó là chưa kể mấy ổng bắt phải phân tích nước, đất mỗi năm hai lần. Vụ này nếu làm ẩu là hết chạy. Mình để bị ô nhiễm là “dính” trong các mẩu phân tích các chỉ tiêu về kim loại, vi sinh vật có hại... Lúc đó bị bắt phải làm lại rất cực”.

Cực vậy nên sau một thời gian, hai nông dân chịu hết xiết đành rút lui. Năm hộ còn lại tiếp tục vào “bán kết”. Đợt tranh “chung kết”, lại thêm một hộ nữa bị “rớt” do lỗi vệ sinh môi trường ở vườn xoài. Cuối cùng, qua gần một năm vất vả, có bốn nông dân được cấp giấy chứng nhận Global GAP trên diện tích 11,7ha.

Cầm tấm giấy chứng nhận Global GAP đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường quốc tế cho trái xoài cát Hòa Lộc trong tay, Bằng và các đồng sự mừng muốn rớt nước mắt. TS Nguyễn Văn Hòa tâm sự: “Ngay chính vùng đất Hòa Lộc (Tiền Giang), quê hương giống xoài cát nổi tiếng ngon thơm này, vẫn chưa thể làm GAP được vì thiếu nhiều điều kiện theo quy trình đề ra. Đây có thể coi là một thành quả mới của trái cây VN”.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên