![]() |
Vậy là trong lúc không kiếm đâu được người trông cháu, tôi trở thành người trông trẻ bất đắc dĩ, vì theo phân tích của mọi người thì không ai phù hợp với vị trí đó hơn tôi. Thứ nhất, chị tôi không có đủ ba đầu sáu tay cũng như bảy hai phép biến hóa giống Tôn Ngộ Không để có thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc.
Ngoài ra tôi cũng đã lớn mà chẳng biết làm gì, nên đây là cơ hội thực tập để sau này có thể hiên ngang bước vào cuộc sống gia đình. Sau cuộc họp nội bộ gia đình, cả nhà thống nhất tôi phải nhận nhiệm vụ một cách vô điều kiện. Quyết định trên đồng nghĩa với chuyện tôi phải từ bỏ những cuộc tụ tập bạn bè, những ngày hội hè ở quê… để khăn gói ra Hà Nội.
Đúng là thấy trẻ con thì ai cũng thích, cũng giành nhau bế bồng, nhưng nếu chơi với chúng cả ngày thì quả là không đơn giản. Đặc biệt là trẻ ở tuổi như cháu tôi. Cháu không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, chỉ chạy theo cháu cả ngày cũng đủ mệt.
Mỗi chiều tôi dẫn cu cậu ra công viên để cu cậu thoải mái tung tăng khám phá thế giới xung quanh và tôi cũng có cơ hội để hít thở không khí trong lành hiếm có ở thành phố ngột ngạt chỉ bụi đường và khói xe. Nhưng chị tôi thường cho tôi nghe một bản nhạc miễn phí - bản nhạc mà tôi mới nghe câu đầu đã biết câu kết. Nếu là chị thì chỉ cần ra khỏi nhà là phải ăn mặc chỉn chu.
Còn với tôi thì khó chịu nhất là phải chui trong trang phục công sở. Tôi luôn tìm được cảm giác thoải mái với những trang phục ở nhà. Vì vậy tôi hơi lạm phát, sử dụng cả khi đến những nơi công cộng. Chị nhắc nhở nhiều nhưng tôi luôn trung thành với lý do “có ai biết mình là ai đâu mà lo”.
oOo
Giới thiệu cây bút trẻ LÊ THỊ THU * Sinh ngày 7-4-1988 tại Thanh Hóa * Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế * Hiện đang sống và dạy học tại Bà Rịa * Email: lethu7488@gmail.com * Tự bạch: Nếu con người rơi vào hoàn cảnh có vấn đề ắt sẽ phát sinh hoạt động mới. Tôi viết văn trong một hoàn cảnh “có vấn đề”. Nhưng giờ đây, với tôi, viết văn đã trở nên quen thuộc như nấu canh nhất định phải thêm mì chính, dù không quá nhiều. |
- Thằng bé được mấy tháng rồi chị?
- 6 tháng.
- Giống mẹ ghê nhỉ?
- Ừ, thế cậu không giống mẹ cậu à?
- Mà bố cháu đâu, sao hôm nào cũng thấy có mình chị và cháu?
- Bố nó và cháu đầu đang ở quê. Tôi ra đây chơi mấy ngày.
- Tuổi chị mà đã có hai con rồi à?
- Tôi là ít đấy, ở quê tôi người “năng suất” cũng phải 3-4 con rồi.
- Nếu làm gì cũng giỏi như sinh con thì miền quê đã phát triển hơn thành phố rồi. Mà chị tên gì? Người quen chị ở đâu vậy? Tôi sẽ đưa chị về?
- Hỏi làm gì? Tôi tên “Nhà quê”.
- Nói như chị thì tên tôi là “Thành phố” à.
- Nghe cũng được. Tôi sẽ gọi cậu là “Thành phố”.
Tôi kể cho chị gái nghe câu chuyện cậu “Thành phố”. Và tự đi đến kết luận: Kiểu này chị phải cấp chứng chỉ loại xuất sắc cho em. Nhưng chị phải biết cái anh chàng thành phố kia tình trạng sức khỏe như thế nào đã. Không biết có phải đeo kính lão không?
oOo
Năm học mới, tôi trở lại với trường lớp sau một khóa đào tạo ngắn ngày “trông trẻ”. Tưởng chừng khóa học khép lại, ai ngờ anh rể nhận quyết định đi công tác nước ngoài một năm. Vậy là chị tôi có ý kiến cho tôi chuyển trường ra Hà Nội cho đỡ buồn. Bố mẹ nhất trí. Một lần nữa tôi phải tuân lệnh vô điều kiện.
Tôi vào nhận lớp mới trường mới trong khi các bạn cùng lớp đã học được hai tuần. Hôm đó tôi được cô chủ nhiệm dẫn đến lớp. Với bộ trang phục áo trắng bỏ trong quần đen, cái đuôi gà được cột lệch sang một bên, tất cả làm tôi như cô nữ sinh mười bảy, đó là lời nhận xét của chị trước khi tôi đến trường. Dường như sự giản dị rất xìtin làm tôi thực sự nổi bật. Và tôi biết rằng khi cô giới thiệu tôi với cả lớp thì tôi cũng có một lượng “fan” nhất định. Ít nhất ở trường cũ tôi cũng là hoa khôi.
oOo
Khi tôi được cô giới thiệu làm quen với lớp thì có một “tên” ở bàn cuối vẫn nằm gục đầu ngủ ngon lành. Tôi tự tin nghĩ “chẳng lẽ tên này đứt dây thần kinh cảm nhận cái đẹp”. Rồi cô chỉ tôi xuống chỗ ngồi - đúng chỗ tên đang ngủ gật. Trông thấy tôi, nó phải hối hận khi chào đón tôi với thái độ như thế này. Tôi thầm nghĩ. Đúng là nó bất ngờ thật. Nhưng có lẽ không phải bất ngờ vì sắc đẹp “nghiêng thùng đổ nước” của tôi mà là nó phát hiện ra người trước mặt nó chính là cô bé nhà quê, nói đúng hơn là cái chị “Nhà quê” nó gặp cách đây một thời gian. Tôi cũng giật mình vì cái tên ngủ ngon lành trong lúc cả lớp chào đón tôi lại là “Thành phố”.
- Thế “Nhà quê” tên thật là gì ? Khi nãy bỏ qua màn giới thiệu nên không biết.
- Tên thật là “Nông thôn”. Tên thường dùng là “Nhà quê”.
- Nếu vậy thì tên thường dùng của tôi là “Thành phố” và tên khai sinh là “Thành thị” à?
- Bắt đầu thấy tín hiệu của thông minh xuất hiện rồi đấy.
- Thế cháu đi đâu rồi?
- Ở nhà với bố.
- Sao không cho cháu đến trường? Trong quy định đâu có cấm cho trẻ em đến trường.
- Ừ, không cấm nhưng không học được.
- Lo gì, tôi thích trẻ con lắm, để tôi trông cho.
- Không biết cậu trông hay tôi phải trông cả hai đứa luôn ấy.
- À, có con sớm như cậu chắc lên chức bà cũng sớm nhỉ? Nếu con cậu mà cũng lấy chồng và có con sớm như cậu thì có lẽ cậu phải có cháu chắt chụt chịt à?
- Cậu thích có cháu chắt chụt chịt lắm à?
- Ừ!
- Vậy giờ về lấy vợ rồi sinh con luôn đi. Tuổi cậu cũng chưa muộn lắm đâu. Sau này cho con cháu cậu tảo hôn thì nhất định cậu cũng phải giữ chức ông, cố, cụ, kỵ…
Đang mải huyên thuyên thì có chuông hết giờ. Câu chuyện tạm kết thúc. Xem như tiết học của tôi không thu được gì ngoài mấy phả hệ mà tôi và nó đưa ra. Nhưng tiếc là đây không phải tiết di truyền người. Nếu là tiết di truyền chắc phả hệ của tôi và nó được chọn là phả hệ phức tạp nhất.
oOo
Ở trường mới được một thời gian, trong khi tôi là mục tiêu săn đuổi của đông đảo các bạn nam thì nó vẫn cứ một “nông thôn”, hai “nhà quê”, tôi và nó gặp nhau là cứ như nhát gừng nhát tỏi. Nhưng có lẽ là dưa cà thì không thể thiếu gừng tỏi, cũng như đất nước phải có cả nông thôn, thành phố nên tôi và nó vẫn cứ song hành như hình với bóng.
- Không hiểu sao bọn nó nhìn thấy gì ở người nhà quê như bà mà theo mãi thế không biết.
- Hí, cậu nên đi đo lại mắt.
- À, hóa ra vậy. Nhưng mắt tôi 10/10.
- Chẳng phải cậu cũng theo tôi như hình với bóng đó là gì.
- Ừ vậy cũng là ít mà. Vì chỉ có ban ngày mà phải trời thật nắng mới có bóng thôi.
- May mà cậu không nhìn thấy nét đẹp của tôi. Nếu thấy chắc tôi tự tử à.
- Không biết mấy đứa kia có sẵn sàng làm bố của các con bà không nhỉ?
- Gì? Ông hết việc à. Tụi nó có bị điên đâu.
- Nhưng tôi lại muốn bị điên.
- Không phải đó là một cách tỏ tình mới đó chứ. Học ở đâu vậy? Tha cho tôi đi vì tôi chưa muốn đi gặp diêm vương ở tuổi này.
- Vậy đứa bé kia…
- Là con của chị gái tôi.
- Thực ra tôi biết lâu rồi vì nhà chị gái cậu ở đối diện với nhà tôi. Chị vẫn thường bế bé Bi sang nhà tôi chơi.
- Hóa ra cậu biết từ đầu nhưng cố tình trêu tôi.
- Vì tôi thấy cậu có gì đó khác những người khác nên muốn làm quen. Mà người khác thì cách làm quen cũng phải khác.
- Tôi quyết định giận cậu trong thời gian 10 ngày, và trong thời gian này cậu phải cách xa tôi trong phạm vi bán kính 10m - Tôi suy nghĩ một lúc rồi tuyên bố.
oOo
Từ hôm đó cậu ta không đi học. Tưởng cậu ta ốm. Tôi thấy lo nên quyết định tìm đến nhà làm rõ nguyên nhân. Đến nơi tôi thấy mình thật phí công lo cho cậu ta. Trong khi tôi lo không biết cậu ta bệnh gì thì cậu ta đang nằm cười giòn tan với bộ phim hài do Châu Tinh Trì thủ vai chính. Tôi hỏi:
- Sao không đi học?
- Thì chẳng phải bà bảo không muốn nhìn thấy tôi trong phạm vi 10m.
- Ừ. Nhưng tôi có bảo ông nghỉ học đâu.
- Cũng gần giống nhau mà. Vì nếu đi học tôi chỉ cách bà bán kính 10cm.
- Ừ nhỉ, tôi không nghĩ đến tình huống này.
- Thì bà là người siêu thông minh nhưng chậm hiểu mà.
- Thôi bỏ qua cho ông nhưng ông phải chiêu đãi tôi món gì thay cho món “lừa” mà tôi bị ăn mấy tháng nay.
- Ok. Bánh xèo nhé. Mà hồi đó bà cũng cho tôi ăn món “lừa” trước còn gì. Tại bà không ngờ là tôi nuốt không trôi rồi lại cho bà ăn thôi. Đúng không?
- Thôi không cãi nữa, giờ không ai ăn “lừa” nữa, ăn bánh xèo thôi.
Cô phục vụ bê ra một đĩa bánh vàng ươm, bên trong có nhân tôm, chả, thịt và một ít giá sống. Ngoài ra còn có rau, tôi nghĩ là để ăn kèm với bánh và cuối cùng là một bát nước mắm có đủ chanh ớt.
- Cậu lại định cho tôi ăn “lừa” à?
- Lừa gì?
- Sao lại ăn bánh này?
- Thì vào quán bánh xèo không ăn bánh xèo thì ăn bánh gì? Chẳng lẽ vào quán bánh xèo lại gọi bánh “đấm”. Mà gọi cũng không được vì ở đây không có “treo đầu dê bán thịt chó” đâu nhé.
- Nhưng đây không phải bánh xèo?
- Vậy là bánh gì?
- Không biết. Nhưng bánh xèo quê tôi làm bằng bột nếp rán lên thôi.
- Vậy thì đó là bánh xèo nhà quê, còn đây là bánh xèo thành phố. Đúng là nhà quê.
- Thì đúng rồi. Tôi là người nhà quê.
Ngồi cãi nhau mãi rồi đĩa bánh xèo thành phố cũng hết. Chúng tôi quyết định làm lễ bế mạc lần giận nhau đầu tiên ở quán cà phê. Đang ngồi nói chuyện tôi có điện thoại. Tôi lục trong túi lấy điện thoại ra nghe thì để lộ chùm chìa khóa với hai chiếc móc tôi đã mua từ lâu.
- Sao bà dùng những hai cái móc chìa khóa mà không san sẻ cho tôi một cái.
- Cái đầu ông sinh ra để trang trí à? Sao ngốc vậy, đó là móc đôi.
- Tôi chẳng cần biết móc đôi tượng trưng cho cái gì, chỉ cần biết bà có hai cái mà tôi không có cái nào. Như vậy gọi là tham lam - Vừa nói nó vừa tiện tay gỡ lấy một cái móc chìa khóa.
- Nhưng tôi với ông đâu phải một cặp.
- Sao tư duy toán của bà dở vậy, hai người không phải một cặp thì mấy cặp?
- Ông ngốc ấy. Ngốc đến không thể cải tạo nổi! Có phải chỉ học một môn toán đâu sao cái gì ông cũng đem toán ra giải thích. Ông không biết gì về văn à? Thôi cho ông luôn cái này. Ông đem mà tặng cho người ông yêu cho nó có đôi có lứa vì mục đích của người tạo ra hai cái móc này là vậy.
oOo
Rồi đến sinh nhật tôi. Giữa bao nhiêu món quà, tôi chọn hộp quà của nó, một hộp quà nhỏ nhất bị chìm trong rất nhiều các hộp khác lớn hơn. Nhưng nó lại đập vào mắt tôi đầu tiên. Chẳng hiểu sao tôi thấy bất ngờ khi cầm hộp quà trên tay. Và càng hồi hộp hơn khi trong đó lại là chiếc móc chìa khóa mà tôi đưa cho nó mấy hôm trước. Tôi nghĩ không lẽ… Rồi tôi chắc chắn chứ không phải là một giả thuyết khi đọc mẩu giấy: Gửi đến người tôi thương - Cô bé nhà quê ngốc nghếch. Chúc sinh nhật vui vẻ. Chàng khờ thành phố!
Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận