Phóng to |
Bác sĩ Lê Trọng Tuấn (giữa) tại lễ tuyên dương các thầy thuốc trẻ |
Nhưng điều thú vị hơn cả mà chàng trai sinh năm 1979 này khiến người đối diện bất ngờ là mới ra trường 4 năm, nhưng bác sĩ Tuấn có đến 2 năm ở Trường Sa; là “năng khiếu” bắt cá, nhất là những giống cá đối với người ở đất liền chúng ta là đặc sản!
“Vì mọi người quan tâm đến Trường Sa, trong đó có tôi”
Bác sĩ Tuấn ra Trường Sa lần đầu vào tháng 6-2005, khi ra trường chưa đầy một năm. Được phân công ra đảo chìm Đá Đông, ấn tượng lớn nhất của chàng trai xứ Thanh là nước, nước trắng xóa bốn bề. Ra đảo 2 tháng, anh gặp ngay một ca cấp cứu phức tạp: một ngư dân khoảng 43 tuổi được những người bạn trên thuyền cá đưa vào đảo do bị ngộ độc cá độc kèm triệu chứng viêm dạ dày nặng.
“Bệnh nhân được đưa vào lúc 7g tối, lúc ấy nước xuống thấp. Từ nơi đầu sóng neo thuyền cá, ngư dân và bộ đội phải dùng xuồng đưa bệnh nhân qua 500m nước cạn đề vào đảo” - bác sĩ Tuấn kể. Dùng tất cả những gì được học ở Học viện Quân y, chàng bác sĩ trẻ đánh giá tình trạng bệnh nhân rồi nhanh chóng truyền dịch, cho thuốc. Khoảng 2g sáng bệnh nhân đỡ bệnh, Tuấn mừng muốn khóc, những người bạn chài cũng mừng muốn khóc.
Một kỹ năng nữa mà Tuấn tự nhận là có “năng khiếu”, ấy là bắt cá. Hồi bé đi chăn trâu, lặn sông lặn hồ nhiều, lại là lính hải quân nên Tuấn rất giỏi bơi lội. Con cá đầu tiên anh bắt được ở đảo là một chú bò sừng, nặng dễ đến 2kg, sau đó là những chú bống mú khá lớn... Ai ở đảo chìm cũng có thể câu, đánh lưới, lặn bắn cá bằng “súng” bắn tên... Ăn không hết, các anh dự trữ cá bằng cách cho chúng vào lồng, thả nuôi tự nhiên luôn dưới nước.
Lần trở lại đất liền sau hơn 1 năm ở đảo (lần ra đảo thứ 2, bác sĩ Tuấn được phân công ra đảo Đá Tây, cũng là một đảo chìm) này, bác sĩ Tuấn ra Hà Nội dự lễ tuyên dương các thầy thuốc trẻ tiêu biểu (diễn ra tối 25-2 tại Hà Nội, do Hội Liên hiệp thanh niên VN tổ chức - NV), mà anh là 1 trong số 30 người được chọn. “Có rất nhiều người tiêu biểu hơn tôi, nhưng tôi đã được chọn và càng thấy mình cần phải cố gắng hơn vì tôi biết mọi người chọn tôi vì quan tâm đến Trường Sa, trong đó có tôi” - bác sĩ Tuấn thổ lộ.
Chuyên môn và một người bạn gái!
Đó là ao ước trong thời điểm hiện tại của bác sĩ Tuấn. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Bệnh viện 198 (Bộ Công an) một thầy thuốc trẻ tiêu biểu đợt này cùng Tuấn, học trên Tuấn 4 khóa tại Học viện Quân y, tâm sự: ở Hà Nội, nếu bệnh nhân nặng các anh có thể cho vào khoa, hỏi các thầy hoặc chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Nhưng ở đảo thì chịu, các bác sĩ như Tuấn sẽ phải lo từ A-Z.
Không Internet, không có điều kiện trau dồi ngoại ngữ, vì thế, cải thiện chuyên môn là điều ao ước nhất của bác sĩ Tuấn. Thời gian rảnh của anh dành hết cho việc đọc sách, hồi ra đảo, Tuấn đã mang tất cả sách vở hồi trong trường và sách anh mua được khi có dịp. Một phần đáng kể nữa là học ngoại ngữ, “nhưng chỉ được kỹ năng đọc - hiểu, kỹ năng viết. Còn nghe - nói thì không cải thiện lắm” - Tuấn vui vẻ thú nhận.
Mơ ước còn lại của Tuấn nghe tưởng dễ với mọi bác sĩ ở trên cuộc đời này, lại không dễ với bác sĩ Tuấn. Mỗi năm một kỳ phép, anh chỉ có một tháng - một tháng rưỡi cho việc tìm hiểu tình cảm riêng tư. “Không phải lúc nào cũng tìm, hiểu và đến với nhau được với một tháng rưỡi, dù tôi cũng “đến tuổi” rồi” - Tuấn đùa...
Khác với những người bạn cùng học, nay có người đã xong khóa thạc sỹ, có người đang làm tiến sỹ, với thu nhập và điều kiện tốt hơn anh, nhưng Tuấn không khiêm tốn cho rằng nói anh có một điều hơn các bạn, đó là những trải nghiệm ở 2 đảo đá chìm (chưa kể sẽ liên tục luân phiên ra đảo vì là lính vùng 4 hải quân, Trường Sa đã là “nhà”), nơi khó khăn mà chưa ra đảo, chưa thể tưởng tượng được. Điều đó, nếu nói quá có thể gọi là bản lĩnh, hoặc có thể gọi là “chì”!...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận