![]() |
Dưới đồng bưng, kinh rạch, nước lênh láng một màu trắng xóa. Mỗi nhà là một ốc đảo, sắp nhỏ tụi tôi thích thú ngồi trong nhà nhìn từng giọt mưa rơi trên mặt nước. Các loài chim, thú cũng kiếm nơi ẩn náu, gác mỏ ngủ dài mặc cho mưa giông, nước đổ. Nhưng hễ trời ngớt cơn mưa, hửng nắng là từng đàn cò trắng, cồng cộc, le le, chàn bè… gọi nhau “oang oác”, quần đảo đen trời mát nước tìm nơi hạ cánh kiếm mồi. Đối với anh chàng cồng cộc chẳng cần chọn chỗ, nơi nào có nước là anh ta phóng thẳng xuống lặn hụp kiếm cá, no nê rồi lên cành cây phơi cánh. Còn chàn bè thân hình kềnh càng, đi lại nặng, chậm chạp, bay khỏe, có con nặng hàng chục ký lô. Bọn nhỏ xóm tôi đứa nào cũng thuộc câu thơ:
“Chim chích mà ghẹo chàn bè
Đến khi nó mổ chạy te xin chừa”
Chàn bè là một loài chim hiền lành, không tranh giành của ai, gắn bó với đàn, cần cù, siêng năng nhưng ai xâm phạm đến bầy thì những chiếc mỏ dị hình của chúng sẽ mổ cho đến đổ ruột mà chết.
Mấy hôm ấy trời ngớt đi những cơn mưa to, chỉ còn rỉ rả vài cơn mưa bong bóng, rồi cũng ngưng hẳn, trời sáng lên. Tôi ngồi trong nhà sửa lại mấy cái lờ bánh ú, cái lọp, ống trúm để đi kiếm vài con cá. Bỗng tôi nghe có tiếng gọi:
- Đẹt ơi, bớ Đẹt có ở nhà không?
- Có chuyện gì đó, thưa chú Tư? - Tôi trả lời.
- Đi phục kích chàn bè kiếm vài con về nhậu đi mày!
- Dạ, để cháu hỏi ngoại cái đã!
- Ừ, mau lên nghen!
Nghe chú Tư Đờn rủ là trong bụng tôi khoái lắm rồi. Tôi liền chạy ra sau hỏi ngoại. Tôi biết ngay, hễ xin đi đâu với chú Tư Đờn, chú Hai Lành là ngoại ưng liền hà, ngoại biết chú coi tôi như con cháu vậy. Tôi đang chuẩn bị thì đã nghe tiếng khua xuồng của chú Tư ở dưới bến rồi. Ngoại tôi chịu cái tính cục mịch, vui đùa, thật lòng và hào hiệp của chú lắm. Chú đến là vui cửa vui nhà. Nghe tiếng chú Tư ngoại mời ngay:
- Vô nhà uống nước chú Tư ơi!
- Dạ, tôi vô đây!
- Mưa dầm nước lũ tràn đồng, chú định rủ cái thằng “te rẹt” nhà tôi đi đâu đó?
- Bà Sáu thấy hông, hổm rày mưa muốn thối đất, hổng ra khỏi nhà được, bữa cơm chỉ có bông súng chấm mắm kho. Hôm nay trời quang mây tạnh, chú cháu tôi đi kiếm cái ăn chớ bà Sáu! Bà Sáu ra bờ kinh mà coi, từng đàn le le, chàn bè… kéo về bơi đầy đầm đó. Chú cháu tôi nhất định phải đi phục kích bắt vài con cho bữa chiều.
Ngoại cũng vui miệng góp thêm câu chuyện:
- Nghe chú kể chuyện phục kích lũ chàn bè là tôi nhớ đến ông ngoại thằng Đẹt. Thời ổng còn sống lặn giỏi như con cồng cộc. Ổng mà phát hiện lũ chàn bè, giang sen tụm năm tụm ba xúc cá là ổng lặn ngay đến rồi bất chợt vọt lên thộp đôi chân nó kéo mạnh xuống nước tóm gọn. Chú biết hông, loại chim này to con, kềnh càng, mỏ dài phản ứng chậm nhưng khi cất cánh lên được rồi thì bay nhanh lắm. Cho nên nó rất thính và nhát, thấy người từ xa là xa chạy cao bay.
Chú Tư vốn biết tài của ông ngoại tôi, chú nói:
- Tôi phục ông Sáu sát đất nhưng không tài nào học được. Bà Sáu biết đó, hồi má tôi còn sống, nhìn cái tướng mạo của tôi, bả nói tôi không phải là người sống ở vùng sông nước, chỉ vì không biết bơi lội, lặn hụp. Nghe má chê, tôi tủi thân nên quyết tâm bơi lội cho bằng được, riêng tập lặn dài hơi thì tôi vẫn chịu thua. Nhưng hôm nay chú cháu tôi có cách khác phục kích chàn bè. Thôi tôi đi bà Sáu! Mau lên Đẹt, còn sang rủ Hai Lành, cùng đi cho vui.
Tôi thì lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng, nghe chú Tư gọi liền vớ ngay cái nón bàng, thưa ngoại, rồi phóng nhanh xuống xuồng. Ngoại chạy ra cửa nói với theo:
- Nước sâu lắm cẩn thận nghe Đẹt ơi! Cha, sao mà nó giống hệt tía nó hồi nhỏ, ai làm gì cũng có nó nhập cuộc. Mong trời Phật thương cho những đứa không cha…
Xuồng cặp bến, tôi với chú Tư bước lên sân nhà đã thấy chú Hai Lành với thằng Hợi đang gánh một giỏ gì coi bộ cũng nặng từ ngoài mương ven rừng tràm đi về. Chú Tư liền hỏi:
- Cha, coi bộ trúng dữ đa anh Hai, lươn hay cá?
Chú Hai vừa đặt chiếc giỏ xuống đất vừa nói:
- Hổng biết sao sáng nay giở mấy chiếc lọp hổng có lấy con cá mà toàn rùa là rùa, mà lại rùa vàng không mới lạ chứ.
Chú Tư vui miệng đùa:
- Như vậy là cha con anh ngon lành rồi!
- Ngon lành cái gì?
- Thì anh bán được nhiều tiền, cha con anh khá lên chớ sao, vậy không phải ngon lành à?
Tất cả cười ồ thích thú. Tôi đưa mắt nhìn vô giỏ, mèn ơi, con rùa nào cũng to bằng bàn tay xòe vầy nè. Chú Hai gọi thằng Hợi chọn mấy con mang sang biếu ngoại tôi. Tôi nói ngoại kiêng thịt rùa, chú Hai nói:
- Ngoại hổng ăn thì mày ăn.
- Cháu hổng biết làm.
- Món rùa xé phay là dễ ợt mà cũng không biết làm, thôi vậy thì trưa nay chú Tư với mày ở lại nhậu với tao.
- Được rồi, anh kêu gì thì tôi từ chối chứ mời ăn thì tôi chịu liền. Vậy bây giờ anh có đi với hai chú cháu tôi không? - Chú Tư hỏi.
- Đi đâu nữa anh Tư?
- Đi phục kích chàn bè chớ đi đâu?
- Nước còn đầy, không phải dễ bắt đâu!
Chú Hai ngại nước sâu khó bắt chưa muốn đi. Chú Tư động viên:
- Anh làm thợ lặn, còn tôi thì đội rơm, hai anh em phối hợp tạo thế bất ngờ thì dễ ăn như chơi, có gì khó đâu anh Hai.
Chú Hai ngẫm nghĩ một hồi rồi nói như vì nể lòng chú Tư:
- Đi thì đi.
Chú Hai lấy chiếc khăn rằn quấn lên đầu, kêu thằng Hợi rót cho chú nửa chai nước mắm rồi ba chúng tôi kéo nhau xuống chiếc xuồng chống ra đầm năn. Ba chú cháu dừng lại bên bờ mương tràm quan sát địa thế. Trên mặt đầm lặn gió, le le, cò trắng, giang sen, cồng cộc, chàn bè... hội tụ về kiếm ăn, từng đàn vui đùa lặn hụp, rỉa lông. Bên kia đầm một bầy hàng chục con chàn bè, giang sen đang dàn hàng ngang há mỏ xúc cá phun nước nghe khẹt khẹt, trông cần cù và cực nhọc. Chú Hai nói:
- Bây giờ tôi phân công, tôi thì tập kích mấy con đang xúc cá đầu đằng kia, còn anh Tư đội rơm thả trôi nhè nhẹ theo chiều gió ra dần cái gò nổi giữa đầm ngoài kia, dụ cho chúng lên rỉa lông thì ra tay.
Nói xong chú Hai kêu tôi lấy chai nước mắm dưới khoang xuồng lên tu một hơi sạch trơn. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, chú uống nước mắm mặn để làm gì hả chú Hai?
Chú Hai vừa đưa cho tôi cái chai, vừa nói:
- Uống cho ấm bụng, lặn được lâu, không bị vọp bẻ, hiểu chưa chú mày?
Nghe chú Hai nói vậy, tôi nhớ lại câu chuyện mà hồi ba tôi còn sống có kể: Chuyện kể về ông Sáu U nào đó là một thợ lặn giỏi nhất vùng. Người ổng nổi nhiều cục u, ổng thứ Sáu nên bà con quen gọi ông Sáu U là vậy. Hồi năm 1948, ổng uống một lúc năm xị nước mắm rồi lặn xuống sông Cái Bần đặt trái thủy lôi nặng hàng trăm ký xuống lòng sông sâu để đánh chìm chiếc tàu của giặc Pháp. Sau khi chiếc tàu chìm, ông Sáu lại uống tiếp nước mắm để lặn xuống lần thứ hai thu dọn chiến lợi phẩm trên tàu đưa lên cho bộ đội ta. Nghe câu chuyện lúc đó tôi chưa tin lắm, hôm nay thấy chú Hai uống nước mắm tôi mới thực sự tin là chuyện có thật.
Chú Hai dặn tôi:
- Thằng Đẹt ngồi trên bờ giữ xuồng và coi chừng không thì lũ khỉ rừng mò xuống hốt hết quần áo đó.
Nói xong, chú Tư bắt đầu xuống nước, chú Hai cũng rời bờ mương rồi mất hút trong bãi năn mênh mông. Tôi ngồi trên bờ đón làn gió từ mặt đầm thổi lại, ngắm nhìn mấy con cồng cộc lặn hụp bên cạnh bầy le le đang thả mình trôi bồng bềnh trên mặt nước rỉa lông, giũ cánh, vui đùa. Mấy con chàn bè cặm cụi xúc cá. Một không khí bình yên vắng lặng. “Giề rơm” vẫn êm ả như được làn gió nhẹ đưa nó ra dần giữa đầm nước mênh mông. Mươi lăm phút qua đi rồi hai mươi phút, cảnh vật vẫn yên tĩnh, chỉ có âm thanh rộn ràng của các loài chim đối đáp. Bỗng phía bên kia bờ đầm đàn cò trắng vội vã cất cánh bay nhanh. Tiếp đến là đàn le le đập cánh rào rào. Đám chàn bè đang xúc cá cũng rộn lên tiếng kêu oác oác, oác… như kêu cứu. Tôi đứng dậy quan sát, quả nhiên chú Hai đang vật lộn với hai con chàn bè ở dưới nước, nó cố đập cánh bay lên, còn chú Hai thì dùng sức kéo ghì nó xuống nước. Tôi vội chống xuồng lao tới, nhảy xuống nước tiếp sức với chú. Nhưng không kịp rồi, một con đang đập mạnh hai cánh làm nước bắn tung tóe khiến tôi và chú Hai không thể mở mắt ra được, nó bay mất. Cuối cùng hai chú cháu cố sức tóm được một con, hai tay tôi bóp chặt cái mỏ dị hình dài hơn gang tay của nó. Chú Hai rút sợi dây choại để dưới khoang xuồng buộc luồn đôi chân và buộc tréo hai cánh nó rồi quẳng xuống khoang. Con chàn bè vừa thở vừa phun nước từ cái diều cổ ra nghe phèo phèo. Xong, tôi chống xuồng đưa chú Hai vô bờ, trong khi đó cái giề rơm của chú Tư vẫn cứ bình yên trôi lờ đờ trên mặt đầm. Cảnh vật trở lại yên tĩnh. Tôi với chú Hai lên bờ ngồi nghỉ, tiếp tục theo dõi sự động tĩnh của “giề rơm”. Một bầy cồng cộc từ đâu lại sà xuống giữa đầm nước, đôi mắt của chúng rất tinh nghịch, dáo dác nghe ngóng động tĩnh rồi mới bắt đầu thi nhau lặn hụp xuống nứơc kiếm mồi. Tiếp theo là bầy le le, rồi giang sen, chàn bè cũng lũ lượt kéo nhau đến quần đảo trên mặt đầm, thấy vậy chú Hai nói:
- Đẹt ơi, coi kìa, chúng nó nhìn thấy “giề rơm” rồi.
- Trông tướng bay của chúng thật nhẹ nhàng chú há! Giang sen chân cao, mỏ ngắn, có con nào nặng bằng chàn bè không chú Hai?
- Giang sen, chàn bè, cốc đế là loài chim cùng có tầm vóc lớn nhưng chàn bè to xác hơn hết, tuổi thọ của chúng trên dưới hai mươi năm. Giang sen trông mảnh dẻ hơn, chàn bè thì khệnh khạng, cốc đế thì đen đủi, hay lặn lội tần tảo dưới nước suốt ngày….
Nghe chú Hai kể chuyện mà mắt tôi vẫn theo dõi đám chàn bè, giang sen đang sà xuống mặt nước gần “giề rơm”. Tôi hồi hộp:
- Ngon lành quá chú Hai ơi!
Cũng liền lúc đó, hai con chàn bè khệnh khạng nhảy lên “giề rơm”. Tôi nhìn thấy đôi tay chú Tư nhanh như cắt chộp lấy bộ giò của chúng. Bị tấn công bất ngờ, chúng đập cánh lấy đà bay lên... nhưng không kịp rồi, chú Tư đã hất giề rơm, kéo hai con xuống nước. Chúng vừa đập mạnh đôi cánh làm nước tung lên vừa kêu oang oác. Tôi với chú Hai vội chống xuồng vọt ra tiếp ứng. Cả ba người vật lộn với hai con chàn bè giữa đầm nước mênh mông. Giang sen, le le, cò trắng quần đảo kêu la như muốn sà xuống cứu bạn. Khi chú cháu tôi quăng được hai con chàn bè lên xuồng thì người nào quần áo cũng ướt đẫm, mệt đừ, thở hổn hển. Tôi bỏ lái bơi tắt qua đầm năn, gió trưa man mát. Chú Hai sực nhớ:
- Đẹt, cháu với lấy xị rượu sau khoang xuồng đưa chú Tư làm một hơi cho đỡ lạnh.
Rồi chú quay sang chú Tư tiếp:
- Bắt chàn bè cái lối này không ngon anh Tư á! Đợi nước rút, đầm cạn, tui có cách cho lũ chúng nó bay nhủi đầu, lúc đó chỉ có trói mang về.
- Làm cách nào dễ dàng vậy anh Hai?
- Cho chúng nó ngậm ma tiền.
- Đúng, đúng tôi nhớ ra những điều anh nói rồi nhưng phải chờ cho đến tháng mười, mười một.
- Như vậy phải đợi đến mùa nước cạn…
Câu chuyện vui làm vơi đi sự mệt nhọc, chúng tôi về đến nhà thì trời cũng đứng bóng.
Tháng mười một, trời cao vòi vọi với cái nắng chói chang, thỉnh thoảng vài cơn gió chướng thổi qua báo hiệu mùa gặt đã đến. Nước trên đồng bắt đầu rút xuống đầm đìa, kinh, rạch, rồi từ kinh rạch, đầm đìa để ra sông Cái Lớn. Nước cạn, lũ chim, cò… dễ kiếm ăn. Chàn bè, giang sen không chê cá chết, cá ươn, sà xuống ăn ráo.
Hôm ấy chú Hai Lành ra chợ Vàm mua về mấy ký cá tép vụn rẻ tiền và kiếm mấy trái mã tiền. Chú phân công tôi với thằng Hợi giã mã tiền cho thật nhuyễn, rồi ngâm nước. Còn chú, ướp sơ muối cho cá khỏi ươn. Tối đến chú ngâm cá tép với nước mã tiền. Chú vừa làm vừa giải thích:
- Chú mày biết không, mã tiền là một loại thuốc độ, ăn phải ít thì say, ăn nhiều thì chết như chơi. Lũ chàn bè, giang sen… ăn phải cá ngấm nước có mã tiền không đến nỗi chết, chỉ say quay mòng mòng mà thôi. Sáng mai các cháu sẽ thấy.
Sáng sớm hôm sau, trời vừa đâm mây ngang, chú Hai chống xuồng ra đầm rải cá tép đã ngâm mã tiền lên bãi và trên mặt đầm. Xong, chú trở về nhà ăn mấy chén cơm, hút vài điếu thuốc thì mặt trời cũng vừa tới. Chú Hai lấy chiếc khăn rằn quấn lên đầu nói như ra lịnh:
- Thằng Đẹt, thằng Hợi chuẩn bị dây nhợ mau lên để đi cho kịp, giờ này chúng nó đang tranh nhau ăn cá, tép đấy.
Chú Tư ngồi chồm hổm trên chiếc vạt cười hề hề.
- Chú Hai tụi bây tính hôm nay gom hết cái lũ chim cò, chàn bè, giang sen… khẳm xuồng đó nghen.
- Coi bộ Tư Đờn hổng tin. Được rồi! Đi mau lên! - Chú Hai vui vẻ ra lệnh.
Bốn chúng tôi bắt đầu chống xuồng ra bờ kinh. Tất cả lên bờ quan sát. Cồng cộ, cốc đế, cò trắng chê cá ươn không ăn, có con ngậm phải, vẩy vẩy rồi bỏ. Còn lũ chàn bè thì dàn hàng ngang há hốc mỏ mà xúc, hớt cá nổi trên mặt nước; có con cái diều đã thụng xuống, nó lọc nước phun ra giữ lại thức ăn trong diều, có con bê cái diều nặng nề leo lên bờ. Ủa sao vậy, bị mắc cổ rồi sao mà chúng cứ lúc lắc cái mỏ kềnh càng, rồi quay mòng mòng. Chú Hai lên tiếng:
- Rồi, các anh chàng bắt đầu lên cơn rồi.
Trời đất thánh thần ơi, mã tiền là thuốc độc thiệt. Cả lũ, con thì lảo đảo, con thì lủi vô cỏ, con thì cắm mỏ xuống bùn, con thì ói ra thành đống, có con lại nằm yên. Chú Tư thấy vậy khoái quá vỗ đùi đứng dậy cười hề hề:
- Anh Hai, ra tay được rồi! Bữa nay trúng bẫy, bắt chàn bè, giang sen khẳm xuồng rồi nghe anh Hai.
Chú Hai bình tĩnh trả lời:
- Ngồi yên, để chúng say thẳng cẳng hãy ra cũng không muộn mà.
Nhưng chú Tư không đợi lâu hơn được, chú đứng dậy kéo thằng Hợi nhảy ngay xuống bãi bùn đuổi bắt mấy con đang quay cuồng dưới bãi. Thấy vậy chú Hai cũng không ngồi yên được nữa, chú ra lịnh:
- Đẹt, chống xuồng ra đầm.
Tôi liền vớ ngay cây dầm chống thật mạnh, chiếc xuồng vọt ra. Tôi ngồi sau lái, chú Hai ngồi trước mũi ra lịnh. Tôi và chú Hai quần nhau với lũ chàn bè đang quay cuồng dưới nước. Còn chú Tư với thằng Hợi thì đuổi bắt chúng trên bờ, áo quần dính bùn lem luốc. Được con nào chú lại tréo cánh quăng xuống xuồng. Lần đó mấy chú cháu chúng tôi bắt trên hai mươi con chàn bè, giang sen, cồng cộc…
Hai chiếc xuồng chở “chiến lợi phẩm” lướt nhanh trong gió trở về. Thằng Hợi khoái chí vừa chèo vừa đập nước bắn tung tóe. Bất chợt nó ngẩng lên nhìn trời rồi gọi lớn sang xuồng tôi:
- Đẹt ơi, lẹ lên, mặt trời sắp lặn rồi kìa!...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận