Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc:
![]() |
Ông Vũ Tiến Lộc |
* Tập hợp hàng trăm ý kiến của các DN, Phòng Thương mại và công nghiệp dự kiến sẽ đưa ra những vấn đề gì tại cuộc gặp năm nay, thưa ông?
- Trong các ý kiến gửi về VCCI, chúng tôi đã tập hợp thành bốn nhóm vấn đề được DN đề cập rất nhiều. Trước tiên, đó là việc phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh - môi trường sống của DN. Tiếp theo là các vấn đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết những vấn đề về lao động và cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và xây dựng đội ngũ doanh nhân VN. Cải thiện môi trường kinh doanh, tất nhiên vẫn tiếp tục tập trung vào cải thiện hành lang pháp lý, hệ thống chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực sát sườn với DN như thuế, hải quan, đất đai, vốn, đồng thời kiến nghị làm sao để các DN sớm có được một mặt bằng pháp lý chung thông qua một bộ luật DN thống nhất cho mọi thành phần kinh tế.
* Những đề xuất về cải thiện môi trường kinh doanh trong cuộc gặp năm nay có gì mới, thưa ông?
- Cải thiện môi trường kinh doanh là việc làm liên tục nên cuộc gặp nào cũng xoay quanh chủ đề đó. Cái mới trong cuộc gặp năm nay có chăng là ở bối cảnh của VN, của cộng đồng DN đối với tiến trình hội nhập kinh tế của VN. Chúng ta vừa tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Á - Âu lần 5 (ASEM 5), đồng thời với việc VN và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận song phương về việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tôi nghĩ điều này rất đáng chú ý bởi nó thể hiện một thông điệp rất quan trọng về môi trường kinh doanh.
Và cuối cùng là các biện pháp hỗ trợ cho DN sau khi hội nhập vào WTO. Đây là điểm mới của cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng DN lần này: chúng ta không chỉ bàn về chuyện hội nhập nữa mà sẽ bàn sâu hơn về những vấn đề sau khi hội nhập, các DN VN cần được chuẩn bị những điều kiện tốt hơn.
Nói đến chuyện hội nhập, tức là các DN của chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các DN nước ngoài, các DN trên toàn thế giới với tốc độ của thế giới chứ không phải với tốc độ của VN. Bộ máy công quyền cũng phải tăng tốc, thay đổi cung cách làm việc của mình thì mới theo kịp tốc độ của DN và đáp ứng được những đòi hỏi của môi trường kinh doanh. Trong số các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của DN, các chuyên gia đều cho rằng đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc của bộ máy công quyền là một biện pháp hết sức quan trọng. |
- Đây tuy cũng là một phần trong cải thiện môi trường kinh doanh nhưng vì đây là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng nên đã tách riêng thành một phần. Rất nhiều DN đã kiến nghị là cần phải có những chế tài, qui định thật rõ ràng, nghiêm khắc để khắc phục tình trạng tổ chức thực hiện quá chậm trễ các chủ trương, chính sách của Chính phủ.
Trước đây, khi đề cập đến “căn bệnh” của bộ máy công quyền, Thủ tướng có nói đến căn bệnh vô cảm, nhưng bây giờ qua các ý kiến tập hợp được từ DN, chúng tôi nghĩ rằng căn bệnh “chậm trễ” này cũng nguy hiểm không kém. Chính sự chậm trễ đó đã khiến những gì đã hoạch định từ trước đến nay phát huy hiệu quả không được như mong muốn.
Đây là vấn đề tồn tại từ rất lâu rồi: thật ra làm sai chỉ là ở một bộ phận, còn chậm mới là phổ biến. Đành rằng tác hại của làm sai ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN, nhưng tác hại do sự chậm trễ đó đem lại thì chắc chắn không hề kém những tác hại của những việc “làm sai” đó.
Ở đây, tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai căn bệnh này cũng giống như mối quan hệ giữa tham nhũng và lãng phí: tham nhũng chỉ ở một bộ phận, trong khi lãng phí lại khá phổ biến và nhiều chuyên gia đã từng nhận xét rằng những thất thoát do lãng phí gây ra nhiều hơn thất thoát do tham nhũng.
* VCCI sẽ làm gì để xây dựng đội ngũ DN của chúng ta xứng tầm với khu vực, thưa ông?
- Hiện nay chúng ta có khoảng 150.000 DN được thành lập theo Luật DN. Ngoài ra còn các DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, và 2,5 triệu hộ đăng ký kinh doanh. Như vậy, xét theo khái niệm doanh nhân là những nhà quản lý, những người bỏ vốn đầu tư làm ăn kinh doanh thì số lượng doanh nhân ở nước ta rất lớn và đông đảo. VCCI vừa có đề nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc phát động một chương trình 500.000 DN đến năm 2010.
Và chúng tôi cũng đề nghị trong các kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước cũng như các địa phương cần bổ sung chỉ tiêu phát triển DN. Chúng tôi đang có chương trình đào tạo cho những người muốn khởi sự DN. Và khi họ trở thành DN, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo họ để nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh việc đào tạo cho DN làm chủ điều hành các hộ kinh doanh, DN vừa và nhỏ, sắp tới sẽ có chương trình đào tạo những nhà quản lý DN lớn trong nền kinh tế của chúng ta.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận