Phóng to |
Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng do thí sinh tô sai mã đề trong phiếu trả lời trắc nghiệm dẫn đến sai sót trên (trường hợp này tô đúng) |
Đáng lưu ý hơn, số này (12 trường hợp) lại rơi vào môn tiếng Anh - môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy. Sự kiện trên được lý giải thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ngai, phó giám đốc Sở GD-ĐT P.HCM, cho biết:
- Qui trình chấm bằng máy có thể tóm tắt như sau: đầu tiên sẽ có một bộ phận kiểm tra bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm), sau đó chuyển sang tổ xử lý bài thi tốt nghiệp. Tổ này sẽ scan bài thành file ảnh trước khi được chuyển thành file text. File text có đặc điểm là chuyển hình ảnh được tô đen thành chữ A, B, C, D (bài thi gốc của TS lúc này sẽ được niêm phong để đối chiếu khi có yêu cầu phúc khảo).
Sau đó file text được gửi ra Bộ GD-ĐT. Bộ tập hợp file text của tất cả tỉnh thành để tính độ lệch từng câu, qua đó tính điểm cho từng câu. Đề thi có 50 câu với tổng điểm 100 nhưng không phải câu nào cũng 2 điểm. Việc này chủ yếu làm cho đề Anh văn bảy năm là đề có số lượng TS thi nhiều. Sau đó bộ gửi file đáp án và biểu điểm chấm về hội đồng chấm của các tỉnh. Hội đồng chấm các tỉnh sẽ dùng phần mềm chuyển file đáp án và biểu điểm của bộ vào máy vi tính để chấm bài cho TS.
* Như vậy việc sai sót rơi vào khâu nào, thưa ông?
- Khi nhận bài phúc khảo, chúng tôi rút bài ra, quét lại và chấm thì không thấy sai lệch so với điểm cũ. Sau đó tôi yêu cầu xem lại bài làm thực tế trên giấy của TS tất cả các chi tiết và phát hiện sai sót do mã đề thi. Có hai nguyên nhân dẫn đến sai sót này:
- Do khâu phát đề không đúng thứ tự qui định. Mỗi phòng thi có bốn mã đề, theo qui định mã đề thi được phát theo thứ tự hàng ngang để mỗi TS ngồi cạnh nhau được nhận mã đề khác nhau theo thứ tự định sẵn. Nhưng ở một vài hội đồng thi, do TS vắng nên giám thị khi phát đề không chú ý rút đề dành cho TS vắng ra mà vẫn phát tiếp tục, làm thay đổi thứ tự mã đề.
- Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do TS tô mã đề không đúng, hoặc quên tô mã đề, hoặc tô mờ... nên máy scan đọc không chính xác.
Từ hai nguyên nhân này, chương trình sửa lỗi tự động của máy khi quét đã tự gán mã đề cho những bài TS tô không rõ ràng hay tô không đúng mã đề... Do câu hỏi của mỗi mã đề khác nhau, nên mỗi mã đề có thang điểm riêng. Khi máy không đọc được và tự gán mã đề mới thì mã đề này lại không trùng với bài làm của TS nên TS bị điểm thấp. Đây cũng là lý do khiến điểm thi bị chênh lệch cao đến vậy chứ nếu chấm tay không thể nào có việc lệch nhiều vậy.
* Trước kỳ thi tốt nghiệp, bộ cũng đã tổ chức hai kỳ thi thử trắc nghiệm nhưng sao lại không phát hiện lỗi kỹ thuật này, thưa ông?
- Ở những kỳ thi thử trắc nghiệm, bộ chỉ công bố tỉ lệ điểm thi trung bình trở lên của các tỉnh thành và của từng trường trong mỗi tỉnh thành mà không thông báo điểm cụ thể của từng TS và cũng không có chuyện phúc khảo. Có lẽ vì vậy mà bộ không phát hiện lỗi kỹ thuật này của việc chấm máy.
* Có bao nhiêu bài xin phúc khảo môn tiếng Anh và bao nhiêu bài được nâng điểm sau khi chấm?
- Chúng tôi nhận 15 bài phúc khảo môn tiếng Anh. Kết quả chấm lại có ba bài điểm như cũ (trong đó một bài tiếng Anh phân ban, một bài tiếng Pháp ba năm và một bài tiếng Anh bảy năm), 12 TS còn lại được nâng điểm sau khi chấm.
* Như vậy có thể có nhiều TS biết mình bị chấm sai nhưng do không đạt điều kiện được chấm phúc khảo (điểm trung bình trong năm học cao hơn điểm thi 2 điểm) nên không được chấm lại. Những trường hợp này có được hội đồng chấm xem xét?
- Nếu không có qui định thì ai cũng sẽ xin khiếu nại để may ra chấm lại được thêm điểm bởi ai cũng có tâm lý chủ quan cho rằng điểm thi của mình cao hơn điểm giám khảo chấm. Còn cơ sở để tính chênh lệch 2 điểm là do: điểm trong năm là tổng điểm các bài kiểm tra để đánh giá cả quá trình học của HS, nội dung có giới hạn trong phạm vi một bài học hoặc một chương, HS lại được làm trong một trạng thái tâm lý thoải mái nên điểm cao so với thi tốt nghiệp tâm lý căng thẳng hơn nhiều, nội dung lại rộng. Vì vậy một HS có điểm bài thi không chênh quá 2 điểm trong năm có thể xem là điều bình thường, phù hợp năng lực thực tế của HS.
Mặc dù có qui định của bộ như vậy, nhưng nếu TS không đủ điều kiện phúc khảo mà có cơ sở cho thấy bài chấm có sự sai lệch, TS làm đơn... trong một số trường hợp sở cũng sẽ xem xét lại bài thi. Xem xét chứ không chấm lại (vì qui chế không cho phép), tức xem có cộng sót điểm, có lên nhầm điểm không... Nếu có TS sẽ được chỉnh điểm đúng với điểm đạt được (trong khi nếu được chấm lại, TS phải tăng 1 điểm trở lên mới được tính điểm mới).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận