![]() |
- BS ĐÀO XUÂN DŨNG (Chuyên khoa II, Sản phụ khoa): Chẩn đoán của bác sĩ da liễu có thể đã đúng, theo như mô tả thì cháu đã bị bệnh chàm thể tạng ở trẻ em, thường ở trẻ bú mẹ, với đặc điểm là dễ tái phát.
Thương tổn lúc đầu xuất hiện ở hai má màu đá hồng, ranh giới không rõ, trên nền da đỏ xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti như rôm, mụn nước dập vỡ chảy nước vàng sau vài ngày dịch khô thành một lớp vảy, vảy bong để lại nền da đỏ hồng. Bệnh tái diễn thành từng đợt nếu không được điều trị đúng phương pháp. Bệnh thường thấy ở hai má, cằm đôi khi thấy ở trán và tai. Tại vùng tổn thương rất ngứa làm cho các cháu hay dụi tay lên má, quấy khóc nhiều, ngủ không ngon giấc.
Nếu được điều trị, bệnh khỏi sau vài ngày nhưng rất hay tái phát, khi trẻ được 2-3 tuổi bệnh giảm dần và khỏi. Trường hợp nặng bệnh có thể tồn tại đến khi trưởng thành, nhưng biểu hiện có phần khác trước. Vị trí tổn thương xuất hiện ở vùng nếp gấp như khoeo, khuỷu chân và cổ. Do gãi nhiều da vùng đó dày lên. Căn nguyên của chàm thể tạng là do bẩm sinh, cơ thể thiếu lgA nhưng lại thừa lgE tạo điều kiện thuận lợi cho phản ứng dị ứng.
Điều trị theo phương pháp cổ truyền tắm nước lá khế, bôi và đắp nước lá trầu không. Lá trầu không một nắm thái nhỏ bỏ vào bát đổ nước sôi và để 15-20 phút, lấy nước rửa vết thương và lấy bã đắp, mỗi ngày làm một lần.
Ở người lớn, bệnh chàm dạng tổ đỉa rất khó điều trị và thường xảy ra ở lòng bàn tay, lòng bàn chân - những vị trí trong sinh hoạt hằng ngày thường phải tiếp xúc với xà bông, nước... Khi bôi Ultracomb, bệnh thuyên giảm là do tác dụng của chất corticoide trong thuốc, nhưng khi ngừng thoa bệnh sẽ tái phát.
Điều trị bệnh cần kiên nhẫn và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ: tránh tiếp xúc với xà bông, nước tẩy rửa, mang giày bít kín...; nếu ngành nghề có ảnh hưởng đến bệnh như làm việc nhà, thợ xây dựng, uốn tóc... phải tạm ngưng để chữa bệnh. Khi khỏi bệnh, cần đeo găng tay lúc làm việc, mang giày dép thoáng, hạn chế mang vớ; kiêng ăn thức ăn gây ngứa như cá biển, thịt bò, trứng lộn, cua ghẹ...
Nếu bệnh bị bội nhiễm vi trùng sinh mủ, cần kiêng ăn ngọt, nếp... Thuốc dùng: sinh tố PP, thuốc kháng dị ứng theo chỉ định của bác sĩ hoặc kháng sinh chống bội nhiễm (nếu cần).
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận