Bệnh lây theo đường hô hấp, virus có trong nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói..., người lành khi hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Khả năng lây bệnh qua phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác định dù virus có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần. Thời gian lây là từ 3-5 ngày trước khi sưng tuyến mang tai đến 2 tuần sau khi có triệu chứng.
Làm thế nào để nhận biết bệnh quai bị ?
Thời gian ủ bệnh trung bình là 18 ngày. Bệnh quai bị thường dễ nhận biết với triệu chứng sưng đau vùng mang tai do viêm sưng tuyến nước bọt. Trước khi sưng tuyến mang tai 1-2 ngày, người bệnh có cảm giác đau, khó nhai, chảy nước bọt. Vùng mang tai sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc. Một số trường hợp các tuyến nước bọt vùng dưới hàm bị viêm làm sưng hai mang tai và vùng dưới hàm. Vùng bị sưng nhưng không có hiện tượng tấy đỏ, đau nhưng không tạo mủ, gây đau khi nuốt nước bọt, bị khô miệng vì các tuyến nước bọt đã ngừng hoạt động.
Thông thường trẻ lớn hay người lớn triệu chứng thường nặng hơn trẻ nhỏ. Bên cạnh triệu chứng sưng vùng mang tai, trẻ có thể kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói. Bệnh sẽ tự khỏi dần sau 1 tuần đến 10 ngày nếu không có biến chứng. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời.
Những biến chứng có thể gặp ?
- Tổn thương thần kinh là biến chứng thường gặp nhất, viêm não hoặc viêm màng não thường xuất hiện 3-10 ngày sau viêm tuyến mang tai với triệu chứng sốt cao, thay đổi tính tình, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, cổ cứng. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực,…
- Sưng tinh hoàn và buồng trứng, có thể dẫn đến vô sinh (rất hiếm), dấu hiệu chủ yếu là tinh hoàn sưng to, đau; nữ thấy tức bụng và đau khi sờ nắn.
- Phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng; trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
- Một số biến chứng khác: viêm tụy, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm phổi, tổn thương gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu,...
Bệnh quai bị chủ yếu được điều trị tại nhà
- Khi có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh quai bị như đã nêu ở trên, người bệnh nên đi khám bệnh tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
- Đối với những trường hợp quai bị không biến chứng bệnh nhân có thể được chăm sóc tại nhà như sau:
+ Giảm đau, hạ sốt bằng Paracetamol.
+ Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt.
+ Nghỉ ngơi, có thể chườm lạnh trên vùng má bị sưng đau.
- Đưa đến bệnh viện khi thấy bệnh nhân có những biểu hiện nặng, bất thường.
Phòng bệnh quai bị
- Hạn chế tiếp xúc, không sử dụng chung đồ dùng với người bị quai bị.
- Tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 12 tháng tuổi và tiêm nhắc theo chỉ định của bác sĩ.
- Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ tư vấn về thời gian được phép mang thai sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận