24/12/2016 11:30 GMT+7

​Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Khi bé chào đời, niềm vui của cả gia đình như tăng lên nhiều lần khi đón thêm 1 thành viên bé nhỏ nữa. Trẻ mới sinh ra, non nớt và mỏng manh, do đó trẻ cần được sự chăm sóc đặc biệt từ người mẹ và cả gia đình nữa.

Chăm sóc giấc ngủ cho bé

Giấc ngủ của bé đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thể chất cũng như tinh thần của bé, vì vậy bà mẹ cần chăm sóc tốt giấc ngủ cho bé. Thời gian ngủ trung bình của trẻ sơ sinh là 18 - 20 giờ/ngày.

Tư thế nằm ngủ, giường đệm và thói quen đúng của người chăm sóc bé là 3 yếu tố giúp bé ngủ ngon và không gặp nguy hiểm. Cần tránh cho bé nằm sấp. Tất cả các nghiên cứu giấc ngủ của trẻ đều cho thấy tư thế nằm sấp làm tăng nguy cơ tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh. 

Trên thực tế, bé chưa đủ khả năng xoay người hoặc nhổm dậy khi gặp vấn đề như bị ngạt, bị gối đè... Đặt bé nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất cho bé theo khuyến cáo của các bác sĩ Nhi khoa. Nằm ngửa giúp khuôn mặt bé thoải mái, bé dễ hô hấp và tránh cho bé nguy cơ bị ngạt trong đống chăn gối. Tuy nhiên, khoảng tháng thứ 6, bé đã biết nhỏm đầu, lật nghiêng sang một bên. Đừng lo lắng nếu bé xoay người khi ngủ, đều đó có nghĩa là bé đã có đủ sức để lựa chọn một tư thế tốt nhất cho mình.

Nhiều bậc cha mẹ thường hay rung lắc giúp bé dễ ngủ hơn, tuy nhiên cần lưu ý hành động này khiến não bé dễ bị tổn thương.

Không hút thuốc: hút thuốc thụ động có hại cho mọi người, đặc biệt là các em bé. Khói thuốc gây ra các vấn đề về hô hấp và các bệnh viêm phế quản bởi tư thế nằm ngửa của bé.

Giữ nhiệt độ phù hợp: nên giữ nhiệt độ trong phòng bé phải > 26 độ C. Nếu quá nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên, gây nguy hiểm cho bé. Quá lạnh sẽ làm bé dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp. Nên cho bé nằm cạnh mẹ, giúp cho việc theo dõi và cho con bú sữa mẹ sẽ dễ dàng hơn.

Chăm sóc vệ sinh cho bé

Tắm là một phần không thể thiếu trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé. Tắm cho bé đúng cách có thể giúp cho bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu và có một giấc ngủ ngon.

Với những bé chưa rụng rốn có thể tắm bằng khăn, dùng khăn nhúng nước sạch và lau toàn thân bé. Đối với bé đã rụng rốn rồi có thể tắm bằng chậu. Không nhất thiết mỗi ngày phải gội đầu cho bé, ngoại trừ thời tiết nóng. Khi trời lạnh chỉ nên gội đầu bé 2 - 3 lần/tuần.

Vệ sinh mũi và tai: không nên ngoái bên trong mũi và tai em bé, chỉ cần làm sạch tai bằng cách sử dụng bông gòn thấm nước ngoài tai vì ráy tai là dịch tiết tự nhiên ở ống tai ngoài, có tính khử trùng và bảo vệ màng nhĩ khỏi cát bụi.

Vệ sinh móng tay, chân: không nên để móng tay, chân bé quá dài, bé sẽ tự cào xước da mình. Thời gian cắt móng tay cho bé là sau khi tắm, lúc này móng tay bé mềm.

Một số lưu ý khi tắm bé và chăm sóc rốn cho bé

Hàng năm, có rất nhiều trẻ bị nhiễm trùng rốn. Một số trường hợp rất nặng, khó điều trị và để lại di chứng như: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da mà nguyên nhân là do trẻ chưa được sự chăm sóc rốn đúng. 

Những sai lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi chăm sóc rốn cho trẻ là không dám đụng vào rốn của trẻ, chờ đến khi trẻ rụng rốn mới đụng đến, mang băng rốn quá kín, kéo dài 2-3 tháng mới mở ra... Những thói quen này đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Chăm sóc rốn cho trẻ là việc rất quan trọng. Đó là một quá trình liên tục, phải làm từ ngay sau sinh tới khi rốn rụng, lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn. Nếu người mẹ ở tại các cơ sở y tế thì việc chăm sóc rốn chủ yếu do các bác sĩ, điều dưỡng viên thực hiện. Nếu sinh thường, không có nguy cơ, sản phụ được thầy thuốc cho về nhà tự theo dõi tiếp.

Mẹ và bé được đưa về nhà thì việc chăm sóc, theo dõi để phát hiện các bất thường của rốn lại do chính các bà mẹ hoặc người nhà thực hiện. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc chăm sóc rốn sẽ được thực hiện như sau: hằng ngày, nên rửa rốn bằng dung dịch cồn 70 độ với bông sạch. Để thoáng, không băng rốn sau khi mở kẹp rốn; dùng bông sạch tẩm cồn 70 độ lau nhẹ nhàng từ đầu rốn xuống chân rốn. Lặp lại như trên từ 2-3 lần. Sát trùng rộng da xung quanh rốn 3 cm. Nên chú ý, việc tắm, lau người, chăm sóc rốn cho trẻ không ảnh hưởng đến rốn nhưng phải để rốn khô thoáng sau chăm sóc.

Tránh rắc tiêu lên rốn trẻ sau khi rụng rốn; không rắc bột kháng sinh, không bôi thuốc đỏ vào rốn, không đắp lá cây, xác sinh vật... kể cả thuốc lên rốn trẻ. Nếu trong quá trình chăm sóc, thấy rốn rỉ máu, chảy máu (cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng), rốn hôi, chảy nước màu vàng, rốn sưng đỏ, có mủ, rốn có u hạt to, không khô... cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.

Tóm lại, khi chăm sóc rốn cho trẻ, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng viên, theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử trí sớm các trường hợp bất thường, tránh được các biến chứng không đáng có.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên