Trả lời của Phòng mạch online:
Theo như câu hỏi trên thì bạn đã xác định được bệnh của bạn là chàm tiếp xúc. Đây là tình trạng viêm da hay nói cách khác da bị khô, đỏ, nổi mụn nước, ngứa, có thể rỉ dịch hoặc lở loét khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Khi tiếp xúc lâu dài da sẽ trở nên khô - dầy - nứt nẻ.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể phản ứng với một chất kích ứng nào đó nếu nồng độ và thời gian tiếp xúc đủ. Điều này là do phản ứng tại chỗ của da đối với chất kích ứng đó. Có đến 80% chàm tiếp xúc do nghề nghiệp thuộc dạng này. Các chất gây kích ứng thường gặp là xà bông, chất tẩy rửa, xi-măng, các dung môi, các chất mang tính acid hoặc tính kiềm mạnh…
Chàm tiếp xúc dị ứng là tình trạng viêm da có sự tham gia của các yếu tố miễn dịch trong máu khi da tiếp xúc với các chất dị ứng. Phần lớn các chất gây dị ứng chỉ gây viêm da ở một số rất ít trong số những người đã tiếp xúc. Điều này còn tùy thuộc vào cơ địa dị ứng của mỗi người.
Các bạn làm trong các nghành nghề sau đây rất dễ bị chàm tiếp xúc kích ứng:
• Thợ làm tóc: thường bị ở tay do tiếp xúc với paraphenylene diamine (PPD) có trong thuốc nhuộm hoặc glycerol monothioglycolate (GMTG) có trong thuốc uốn hoặc nickel trong các dụng cụ…
• Nha sỹ: cũng thường bị ở tay do tiếp xúc găng tay cao su, xi-măng răng…
• Trồng và bán hoa: do các hóa chất có trong cây hoặc trong hoa.
• Làm móng: có thể bị ở tay hoặc mí mắt là do tiếp xúc với chất keo, móng nhân tạo, chất đánh bóng móng…
Để xác định chất nào có khả năng gây ra tình trạng trên thì bạn nên rà soát lại thật chi tiết và cẩn thận từng yếu tố môi trường trong nhà, công việc, thói quen, thuốc đã dùng, quần áo, mỹ phẩm… Bởi vì để loại bỏ được tình trạng này thì tốt nhất chúng ta không nên tiếp xúc với hóa chất đó.
Về điều trị thì chúng ta nên áp dụng các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với nước, xà bông…; mang găng ny-lon phía trong khi làm các công việc nội trợ.
- Dùng xà bông baby hoặc các chất tẩy rửa da liễu cho tay như Cetaphil, Cleanance…
- Bôi chất giữ ẩm cho bàn tay như Vaselin, Urea (Softya, Ellgy…).
- Khi da bị mụn nước bạn chỉ nên bôi các chất màu như Eosin 2%, Milian...
Khi mụn nước đã khô, da còn đỏ - tróc vẩy thì bạn nên bôi kem hoặc lotion chứa corticosteroid nhẹ (hydrocortisone acetate...).
Khi da khô - dầy - nứt nẻ thì nên ngâm tay trong nước 5-20 phút, sau đó bôi ngay các chất giữ ẩm hoặc tiêu sừng (Salycilic acid…) hoặc mỡ corticosteroid mạnh (betamethasone dipropionate…).
Nếu tình trạng rỉ dịch nhiều hoặc có mủ thì bạn nên được kê toa thêm kháng sinh bôi hoặc uống.
Chúc bạn thành công!
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn! B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận