20/10/2005 05:21 GMT+7

Cha kéo xe thuê đi cùng ước mơ con

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Phải mấy lần gặp gỡ chúng tôi mới ráp nối được câu chuyện của Nguyễn Thị Chúc, tân SV khoa công nghệ sinh học ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

BMJV5idE.jpgPhóng to

Ngày nào Chúc cũng thức đến 1, 2 giờ sáng để học bài - Ảnh: N.Hà

Người bạn gái đang những ngày đầu tiên ở giảng đường ĐH này nhưng cứ nhắc đến cha mẹ ở quê lại khóc...

Giọt nước mắt tuổi học trò

Nhà Chúc ở Minh Hồng, một thôn nghèo ở xã đồng chiêm Liên Giang (Đông Hưng, Thái Bình). Nhà sáu người trông chờ cả vào hơn 5 sào ruộng được chia. Cả nhà cứ làm xong công ruộng nhà mình lại sấp ngửa đi cấy thuê, gặt thuê. Thôn hết việc thì sang thôn bên, xã bên... Đường đến chỗ làm công xa, có hôm nửa đêm Chúc ứa nước mắt khi thấy bố mẹ đã lục tục chuẩn bị đi cho buổi sáng mai kịp giờ.

Sát đến ngày thi ĐH, Chúc còn băn khoăn có nên thi hay không. Bố bảo không thi thì cũng chỉ là cảnh khó đành chịu như nhiều nhà nghèo, chứ thi rồi đỗ thì liệu có đành lòng không cho con học?... Nghĩ rồi người cha giấu cả nhà đi kéo xe thuê. Phải giấu vì ông dù mới 40 tuổi nhưng do đời sống thiếu thốn mà đủ thứ bệnh, khó làm nổi những việc tốn nhiều sức.

Mẹ Chúc cũng cứ lặng lẽ làm việc, chẳng quản ngày nắng, ngày mưa. Trưa, làm đồng xong, ăn qua loa miếng cơm nắm chuẩn bị sẵn, chẳng kịp nghỉ ngơi gì chị lại tất tưởi xuống con vực đầu làng mò cua, bắt tép, được thêm chút nào hay chút ấy.

Bị đau bụng, đau đầu kinh niên cả chục năm nay, nhưng chưa bao giờ chị bước chân vào bệnh viện nên cũng chẳng biết mình đang mắc bệnh gì. Còn đau, còn chịu được thì cố chịu, chứ nếu mua thuốc là bằng chi tiêu hàng tháng cả gia đình. Hết việc đồng áng, có hôm ngồi dệt chiếu với mẹ, nhìn dáng mẹ khắc khổ, cặm cụi cam chịu, Chúc chỉ chực òa khóc...

Thầy Trần Công Bỉnh, giáo viên dạy toán của Chúc: “Lớp 12, tuần nào Chúc cũng tự lập một chuyên đề toán học nhờ tôi xem giúp. Tôi thật sự ngạc nhiên bởi tư duy toán học của một em học sinh nhà nông chính gốc. Chúc biết tổng kết những dạng bài cụ thể thành những bài toán phổ quát cho nhiều trường hợp. Nhà cách trường chục cây số mà nhiều buổi sáng rất sớm, tôi thấy Chúc còn đèo chiếu đi in màu trước khi đến lớp...”.
...Và khát vọng giảng đường

18 tuổi mà Chúc bé nhỏ như một học sinh lớp 8. Vậy nhưng khi nghe tin Chúc đỗ ĐH 29 điểm, thầy cô, bè bạn không ai ngạc nhiên. Lớp 12K Trường THPT Bắc Đông Quan ai cũng nể sức học của Chúc. Chúc bảo thật ra vừa học vừa lo.

Thương nhất là lần bố quyết “đầu tư” lớn: vay mượn vốn nuôi gà thì gặp ngay dịch cúm. Gần trăm con gà phải đem chôn kéo theo món nợ mấy triệu đồng...

Từ ngày ấy bố mẹ không dám nghĩ đến chuyện làm ăn gì ngoài gắng sức làm thuê, cuốc mướn. Ba năm học THPT, ba lần đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán đều được giải nhì, Chúc mừng lắm. Phần tiền thưởng 200.000 đồng đã được mẹ gói ghém cẩn thận để mua sách, bút cho cả mấy chị em vào năm học sau.

Mới vào học hơn chục ngày nhưng cả phòng 409, C2, ký túc xá Mễ Trì đã lắc đầu bảo Chúc “cao thủ cày đêm”. Trần Hoàng Mai, cô bạn Thanh Hóa, rủ rỉ: “Nhiều hôm cả phòng ngủ say, bạn nào tỉnh dậy vẫn thấy Chúc chong đèn cặm cụi học bài”.

Hôm nhập trường, sợ Chúc lạ nước lạ cái, người lại bé tí teo mà thủ tục học rồi chỗ ăn, chỗ ở nhiêu khê lắm, bố cũng định theo lên, nhưng tính chi phí tàu xe lại nuốt nước mắt thương con gái đành thôi.

Chúc bảo cả ngày bố mẹ làm cật lực cũng chỉ kiếm được dăm nghìn, mà từ đầu năm đến giờ nào tiền ở, tiền sách, tiền học của Chúc đã lên đến triệu bạc: “Hôm trước, em lên nộp thủ tục xin miễn giảm học phí, nhà trường yêu cầu phải có sổ hộ nghèo mới được miễn giảm. Từ quê, bố báo lên xã chỉ cấp giấy chứng nhận hộ nghèo thôi chứ không có sổ hộ nghèo. Ngồi học mà lòng cứ nghĩ ngợi: hay mình về lại quê?!”.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên