13/11/2005 13:23 GMT+7

"Cha đẻ tàu vũ trụ Thần Châu tham nhũng" - Vụ án gây chấn động Trung Quốc

Theo Tiền phong
Theo Tiền phong

Trước tòa, Lịch Kiến Trung, nguyên Viện trưởng Viện Tên lửa Trung Quốc - người được báo chí gọi là “Cha đẻ tàu vũ trụ Thần Châu” đã khóc nức nở và cúi đầu thừa nhận mọi tội lỗi.

Người hùng rơi lệ trước tòa

G76UQTdg.jpgPhóng to

Lịch Kiến Trung

Theo các báo Trung Quốc số ra ngày 8-11 thì phiên toà đầu tiên xét xử ông Lịch Kiến Trung, nguyên Viện trưởng Viện Tên lửa Trung Quốc - người được báo chí gọi là “Cha đẻ tàu vũ trụ Thần Châu” đã diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-10 vừa qua.

Có lẽ do trước đó những tin tức về vụ bắt “người hùng” trong giới khoa học gây ra chấn động và kéo theo tranh cãi mạnh mẽ trong xã hội nên vụ án đã được xử kín và không được thông báo cho báo chí.

Người hùng khoa học 68 tuổi này đã khóc nức nở và cúi đầu thừa nhận mọi tội lỗi. Cùng ra trước vành móng ngựa với Lịch Kiến Trung còn có bà Trương Linh Anh, cấp dưới của Lịch, nguyên Chủ nhiệm Kế toán-Tài vụ Viện Tên lửa.

Theo cáo trạng của viện kiểm sát thì Lịch Kiến Trung đã tham ô 3,5 triệu NDT, nhận hối lộ 50 vạn NDT và 2 vạn USD; Trương Linh Anh tham ô 37 vạn NDT, nhận hối lộ hơn 50 vạn NDT; hai người còn bị khép tội đã chi trái quy định 160 triệu NDT. Nếu tội danh này được khẳng định thì Lịch Kiến Trung sẽ phải nhận mức án tù từ chung thân đến tử hình. Đây quả là kết cục đầy cay đắng đối với một nhà khoa học khá nổi tiếng trong lĩnh vực kỹ thuật mũi nhọn của Trung Quốc.

Viện Tên lửa vốn có tên là Viện Nghiên cứu số 1 trực thuộc Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, được thành lập tháng 11-1957, là nơi nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tên lửa đẩy của Trung Quốc với tổng số 25 ngàn cán bộ công nhân viên.

Nhà khoa học nổi tiếng Tiền Học Sâm là Viện trưởng đầu tiên của cơ quan quan trọng này, Lịch Kiến Trung là viện trưởng thứ 8. Trong thời gian làm viện trưởng, Lịch Kiến Trung đã lãnh đạo các cán bộ nghiên cứu của viện thiết kế và sản xuất thành công bốn loại tên lửa mới là Trường Chinh -3A, Trường Chinh - 3B, Trường Chinh - 2C và Trường Chinh - 2F.

Tên lửa “Trường Chinh - 2F” lần đầu tiên phóng thành công năm 1999 và là tên lửa chủ yếu đưa tàu vũ trụ lên quĩ đạo. Từ khi thành lập năm 1957 tới nay, viện đã 70 lần đưa vệ tinh lên quĩ đạo thành công.

Lịch Kiến Trung sinh năm 1937 tại Sơn Đông, năm 1961 tốt nghiệp khoa Cơ khí Đại học Thượng Hải chuyên ngành thiết kế và chế tạo thiết bị chính xác. Từ 1961 đến 1966 là Tổ trưởng Công trình Cục 20 Bộ Công an, từ 1966- 1991 về công tác tại Nhà máy sản xuất tên lửa Bát Nhất của Viện Tên lửa, lần lượt giữ các chức chủ nhiệm Đo lường, trưởng phòng sản xuất, phó giám đốc rồi Giám đốc nhà máy.

Sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, Lịch Kiến Trung được đưa ra nước ngoài đào tạo: từ 1980 đến 1982 ông ta tu nghiệp tại 2 trường đại học Winsconsin và Oklahoma. Sau khi về nước ông được giao làm Tổng chỉ huy tên lửa Trường Chinh-3, rồi liên tiếp được thăng chức: Năm 1991, được bổ nhiệm làm phó giám đốc Viện Nghiên cứu tên lửa, chủ quản công tác nghiên cứu và sản xuất tên lửa cũng như tàu vũ trụ.

Năm 1994 làm viện trưởng, đồng thời làm tổng công trình sư chỉ đạo nghiên cứu thiết kế tên lửa Trường Chinh - 3 thuộc Viện Nghiên cứu số 1 và Công ty Hàng không vũ trụ TQ. Năm 1999, ông giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Tên lửa vũ trụ TQ. Năm 2000, ông nghỉ hưu, thôi chức viện trưởng nhưng vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty.

Lịch Kiến Trung có một vị trí rất lớn. Ông ta là tổng công trình sư, giám đốc Viện Nghiên cứu kỹ thuật tên lửa, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty kỹ thuật tên lửa Trường Chinh đồng thời cũng là người làm việc có liên quan đến các bí mật quốc gia. Do đó, để điều tra vụ việc, Cục Chống tham nhũng Viện Kiểm sát thành phố Bắc Kinh với sự trợ giúp của Ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đã vào cuộc.

Thu nhập thấp dẫn đến tham ô?

Lịch Kiến Trung từng là đại biểu Quốc hội Trung Quốc. Năm 2000, phát biểu trước Quốc hội, ông từng nói rằng Trung Quốc đang “chảy máu” nhân tài do đãi ngộ quá thấp đối với các nhà khoa học và rằng một viện nghiên cứu khoa học quan trọng do ông phụ trách hằng năm đã mất đi tới 40% số chuyên viên.

Ông nói mình rất đau lòng khi chứng kiến các hãng nước ngoài đến “rước” các chuyên viên của viện ông đi làm cho họ. Lương của tổng công trình sư thiết kế chỉ hơn 3.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 6 triệu đồng), người mới tốt nghiệp lương có hơn 1.000 nhân dân tệ/tháng. Nếu làm việc cho các hãng nước ngoài thì lương của người mới tốt nghiệp ít nhất cũng tới hơn 8.000 nhân dân tệ/tháng.

Ông Lịch còn nói trong viện của ông có câu truyền miệng rằng: “Bán trà nước được nhiều tiền hơn nghiên cứu nguyên tử”. Nhiều cán bộ và chuyên viên kỹ thuật than phiền rằng tiền lương một năm của họ không bằng thu nhập trong một đêm biểu diễn của ca sĩ, và gọi vụ án Lịch Kiến Trung là “một bi kịch của ngành khoa học kỹ thuật cao”.

Sự kiện “vụ án Lịch Kiến Trung” gây xôn xao dư luận Trung Quốc, nhất là giới khoa học kỹ thuật. Trong thời gian chưa đầy một ngày mà mạng Internet có tới hàng mấy nghìn tin, bài bình luận, trong đó phần lớn đều cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho nạn tham nhũng tràn vào lĩnh vực khoa học vũ trụ của Trung Quốc là do tình trạng đãi ngộ không công bằng. Rất nhiều người bày tỏ: Lịch Kiến Trung là một người có công với đất nước nên hãy cho ông ta cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.

Vụ án đang được xét xử, các tình tiết phạm tội của Lịch Kiến Trung đang được làm rõ.

Theo Tiền phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên