![]() |
Cha của Suharto, một viên chức thủy lợi, và bà vợ trẻ cãi vã nhau vì thói tật cờ bạc của ông này. Cặp vợ chồng cuối cùng ly dị. Dù vậy, những hi vọng của người cha về đứa con mới sinh đã được gói gọn trong cái tên mà ông đặt cho con mình: Suharto có nghĩa là “giàu có hơn”.
Mẹ của Suharto quá ốm yếu, bệnh tật không thể nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy, bà mẹ tin cậy giao phó việc chăm sóc cậu con trai sơ sinh cho dì cả của Suharto khi cậu bé mới chỉ được 4 tháng tuổi. Vài năm tiếp theo là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời Suharto. Ông thường theo dượng cả ra đồng làm ruộng.
Suharto về sau hồi tưởng: “Đôi khi, dượng cõng tôi trên lưng trong khi đang làm đất và khi tôi lớn, ông ấy để tôi cưỡi lên cái cày. Điều đó thật là vui. Những khoảnh khắc mà tôi sẽ luôn luôn nâng niu trân trọng là khi tôi ngồi trên cái cày và họ cho con trâu đi tới, bảo chúng rẽ trái hay rẽ phải, là khi tôi nhảy ào vào ruộng, nghịch nước, đầm mình cho bùn đất lấm lem”.
Suharto cũng đi bắt lươn ở ruộng, loại thức ăn mà ông vẫn ưa thích cho đến hết cuộc đời. Khi Suharto được 4 tuổi và “thậm chí vẫn chưa bắt đầu mặc quần”, mẹ của ông quay trở lại đón con và sau đó, ông trải qua phần tuổi thơ còn lại của mình với nhiều người khác nhau trong dòng họ. Ông kết thúc việc ăn nhờ ở đậu hết gia đình này đến gia đình khác khi vào một trường ở thành phố lớn Yogyakarta, nơi mà Suharto vẫn hãnh diện khoe đôi chân không của người nông thôn giống như những học sinh nghèo khác.
Sau khi ông tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 1939, gia đình Suharto không đủ sức trang trải chi phí cho ông học tiếp lên cao hơn. Ông trải qua một quãng thời gian ngắn, khổ sở làm nhân viên ngân hàng. Công việc này chấm dứt sau khi xảy ra việc Suharto làm rách đồng phục xà-rông truyền thống của người Java mà ông bắt buộc phải mặc vì nó bị mắc kẹt vào nhíp xe đạp. Suharto không có tiền để mua cái xà-rông mới.
“Tương lai tôi dường như ảm đạm,” về sau Suharto viết. Cảnh cơ hàn mà Suharto phải đối mặt thời trẻ là yếu tố chính ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế mà ông lựa chọn lúc làm tổng thống về sau. “Đó là lý do vì sao trong tôi luôn dâng tràn một cảm xúc và ước muốn to lớn là giúp cho người dân thoát khỏi cảnh cơ cực đói nghèo,” ông viết. “Tôi biết nó như thế nào; tôi đã trải qua nó”.
Chẳng còn nhiều sự lựa chọn nào khác, Suharto tòng quân cho quân đội Hà Lan và ghi tên theo học một trường sĩ quan. Khi ông học được nửa chừng, Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra. Nhật Bản xâm lược các thuộc địa của Hà Lan và thực dân châu Âu đã đầu hàng. Một lần nữa bị thất nghiệp, Suharto tái gia nhập một lực lượng quân đội quốc gia đã được sắp xếp lại dưới sự chỉ huy của Nhật.
Suharto ngày càng ghét cay ghét đắng những lãnh chúa Nhật (dù suốt cả đời mình ông vẫn là một người hâm mộ các món ăn Nhật Bản). Những viên chỉ huy lãnh chúa này đối xử với các tân binh bản địa rất tàn ác và sự thống trị áp bức của Nhật “chỉ càng làm tăng khát vọng cháy bỏng của chúng tôi, những thanh niên Indonesia, phải bảo vệ đất nước của mình”.
Chẳng bao lâu sau, Suharto đã có cơ hội. Một phong trào giành độc lập cho Indonesia đang hình thành, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh anh hùng Sukarno. Là một trong những tiếng nói chống thực dân mạnh mẽ nhất trong thế giới các nước đang phát triển, Sukarno trở thành một hình tượng thần thánh đối với thường dân Indonesia. Hàng trăm nghìn người chờ đợi chỉ để được nhìn thấy thoáng qua người mà họ gọi là “Người anh cả Karno” mỗi khi ông đi vòng quanh đất nước.
Sự sụp đổ của chế độ đế quốc Nhật Bản đã đem lại cho phong trào một cơ hội vùng lên nắm chính quyền. Ngày 17-8-1945, hai ngày sau khi Nhật đầu hàng, Sukarno đứng bên ngoài ngôi nhà của mình ở Jakarta và trong một nghi lễ đơn giản, đọc to tuyên ngôn chỉ có vỏn vẹn 2 câu công bố nền độc lập của nước Cộng hòa Indonesia. Suharto chẳng đóng một vai trò nào trong phong trào dân tộc chủ nghĩa nhưng khi ông nghe được tuyên ngôn của Sukarno, ông thề sẽ bảo vệ nền cộng hòa.
Ông tập hợp những binh sĩ quân đội khác trong đơn vị phòng thủ mà sau đó thu hút được nhiều người khác thành lập lực lượng quân đội quốc gia mới. Các đơn vị của Suharto được cần đến. Người Hà Lan phớt lờ tuyên bố độc lập của Sukarno, quay trở lại tái giành giật thuộc địa của mình. Quân đội quốc gia Indonesia và các lực lượng quân sự Hà Lan thỉnh thoảng lại đánh nhau cho đến tận tháng 12-1949, khi người Hà Lan, dưới sức ép của Washington, buộc phải rút lui và công nhận nền độc lập của Indonesia.
Suharto đã lập nhiều thành tích chiến đấu trong suốt thời gian xảy ra xung đột, leo lên nhiều cấp bậc cao trong quân đội và tiếp tục đà này hết thập niên 1950. Đến năm 1965, ông là một trong những tướng lĩnh cao cấp nhất trong quân đội Indonesia.
Chất xúc tác đẩy Suharto chuyển sang quyền lực chính trị xảy ra trong khi ông đang ngủ. Qua vài năm, một cuộc tranh giành quyền ảnh hưởng chính trị trong nội bộ chế độ của Sukarno đã sôi lên giữa một bên là quân đội và một bên là Đảng Cộng sản Indonesia đang mở mang thanh thế. Đêm 30-9-1965, cuộc diễn tập quân sự bùng nổ thành một cuộc chiến công khai.
Các sĩ quan khuynh tả cấp thấp đã ra lệnh mở một cuộc tấn công bí mật nhằm vào những tướng lĩnh cấp cao của quân đội và hành quyết 6 viên chỉ huy của mình. Cùng lúc đó, quân đội tuyên bố kiểm soát nhiều mục tiêu chủ chốt của Jakarta. Bị đánh thức khỏi giường vào lúc 4h30 sáng bởi một bản tin trên truyền hình đưa tin có nhiều tiếng súng nổ trong trung tâm thành phố, Suharto mặc quân phục vào và lái chiếc xe jeep Toyota của mình tới bộ chỉ huy. Vốn đã biết rõ giới lãnh đạo cuộc nổi dậy, những người tự gọi mình là Phong trào 30-9, Suharto nghi ngờ họ là một nhóm nằm trong mạng lưới của lực lượng Đảng Cộng sản Indonesia âm mưu giành quyền kiểm soát quốc gia.
Ông nói trong một cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội: “Nếu chúng ta không đánh chúng thì cách nào chúng ta cũng sẽ chết vô ích.” Với nhiều nhóm quân trung thành trong tay, Suharto phát động nhiều cuộc tấn công giành lại được các trung tâm thông tin liên lạc quốc gia và phá hủy trụ sở chỉ huy của lực lượng nổi dậy gần một căn cứ không quân không xa. Sáng hôm sau, Phong trào 30-9 tan rã, để lại cho Suharto quyền chỉ huy thủ đô.
Dù vai trò chính xác của Đảng Cộng sản trong cuộc đảo chính bất thành chưa bao giờ được xác thực là có hay không nhưng quân đội và lực lượng dân sự ủng hộ quân đội, dưới sự khuyến khích của Suharto, đã chuyển sang tấn công Đảng Cộng sản một cách điên cuồng và bạo lực. Hơn vài tháng sau, ước tính có 500.000 người tình nghi theo cánh tả bị giết hại trong một cuộc thảm sát mà CIA gọi là “một trong những tội ác thảm sát hàng loạt tàn bạo nhất của thế kỷ 20”. Về sau Suharto viết: “Tôi nhận thấy nhiệm vụ đầu tiên của mình là tiêu diệt” phe cánh tả “để đập tan sự phản kháng của chúng ở khắp mọi nơi”.
Sự tập trung tiêu diệt phe cánh tả đã làm cho Suharto bị suy yếu nghiêm trọng và gây ra một cuộc chiến tranh giành quyền lực tay đôi giữa Tổng thống Sukarno và Suharto. Suharto thận trọng hành động chống lại vị tổng thống còn đang được nhiều người yêu mến khi đó. Trong một cuộc họp, Sukarno hỏi Suharto: “Chính xác là anh sắp sửa làm gì với tôi?”. Suharto cung kính trả lời: “Tôi được dạy… là phải tôn kính những người mà chúng tôi quý trọng".
Tháng 1-1966, trong khi Sukarno đang nỗ lực chặn đứng tình trạng suy yếu kinh tế nhanh chóng thì nhiều cuộc biểu tình lớn của sinh viên nổ ra, đòi hỏi chế độ Sukarno phải có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ.
Ngày 11-3, quân đội quyết định hành động. Sinh viên bao vây dinh tổng thống trong khi Sukarno đang mang dép lê, điềm tĩnh chủ trì một cuộc họp nội các. Ông nhận được một mẩu giấy báo. Nội dung giấy báo cho biết dinh tổng thống không những đang bị sinh viên mà còn cả binh lính bao vây. Trong tâm trạng gần như hốt hoảng, Sukarno đã rời buổi họp nội các và chạy trốn bằng một chiếc trực thăng đến một dinh thự tổng thống khác của mình ở thị trấn miền núi Bogor thuộc phía nam Jakarta.
Cùng ngày hôm đó, có ba vị tướng đón một chiếc trực thăng đến Bogor để gặp Sukarno. Họ cầu nguyện suốt đường đi. Trước đó, họ vừa mới đến thăm Suharto đang nằm tĩnh dưỡng tại nhà trong suốt thời gian diễn ra những sự kiện chấn động vì bị cúm nặng. Suharto yêu cầu ba vị tướng chuyển “lời hỏi thăm tốt đẹp” của ông đến Sukarno và “truyền đạt thông điệp nếu ông ấy tin tưởng vào tôi thì tôi sẽ xử lý được tình hình”.
Khi các tướng lĩnh gặp Sukarno, ông chỉ trích họ đã để cho các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra rồi hỏi họ có thể làm được điều gì. Sau một hồi ngượng ngịu im lặng, một trong ba vị tướng là Amir Machmud lên tiếng nói Sukarno nên “rõ ràng nhượng bộ” và cùng với Suharto điều hành đất nước. Họ soạn ra một dự thảo chỉ thị trao cho Suharto quyền khôi phục trật tự và an ninh đất nước. Sukarno đọc bản dự thảo một cách cẩn thận. “Nhân danh Thánh Allah”- ông thốt lên và ký vào dự thảo chỉ thị.
Chữ ký đó đã kết thúc thời đại Sukarno một cách không kèn không trống. Dù Sukarno vẫn lây lất trong vai trò là tổng thống chính thức được thêm 2 năm nữa nhưng ông thực sự đã chuyển giao quyền hành tổng thống cho Suharto, người điều hành một chế độ tự xưng là “Trật tự mới”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận