Phóng to |
Hải rất say mê giờ thực hành thí nghiệm - Ảnh: V.Đ. |
Có lần được anh trai dẫn vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng xem mấy anh sinh viên lắp ráp robocon, Hải nhìn say sưa và ước gì sau này mình sẽ làm được như vậy.
“Người bạn” của phế liệu
Thế là một buổi đi học, buổi về nhà Hải tìm đến các bãi phế liệu điện tử xin những chiếc tivi, radio về “mổ” và chế tạo đồ chơi trông rất bắt mắt.
Năm học lớp 8, Hải thấy thầy giáo giảng về năng lượng mặt trời và đưa ra một chiếc máy thu mô phỏng quay bằng tay. Hải tự hỏi mặt trời mọc phía đông, lặn phía tây, dùng tay quay máy như thế cũng mất công, ít nhất phải có một cái máy gì đó làm chiếc máy xoay theo hướng mặt trời. Hải bắt đầu đọc sách điện tử của anh trai, tìm những chiếc bóng đèn neon, tụ điện, gương thu năng lượng mặt trời của máy tính bỏ túi hư để chế tạo chiếc máy định hướng thu năng lượng mặt trời.
“Nhờ đống phế liệu điện tử xin ở mấy bà đồng nát mà em có thể tận dụng sáng chế đồ chơi, thiết bị dạy học như thế này” - Hải tâm sự. Từ sự hiếu kỳ, nghe ai có tivi, quạt điện hỏng hóc Hải mang tuôcvit, kềm đến “vọc”. Đến lớp 9, Hải đã trở thành một thợ sửa chữa điện tử nghiệp dư cừ khôi của xóm.
Nhà Hải có năm anh em, hai anh chị đầu đã đi làm, ba anh em còn đi học. Việc học tập của ba anh em Hải đều trông chờ vào sáu sào ruộng của bố mẹ. Năm nay là năm học cuối cấp, Hải chủ yếu tập trung học để chuẩn bị sang năm thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Thời gian cho việc sáng chế thiết bị dạy học của Hải không còn nhiều, nhưng những thiết bị đo điện trường hay đo bước sóng... Hải đều tranh thủ làm ở nhà, đưa lên lớp thực hành. |
Những sáng chế siêu rẻ...
Từ những thanh nhôm, tụ điện, biến thế điện... vứt ngoài bãi rác, qua bàn tay Hải đã trở thành thiết bị học tập bổ ích, rẻ gấp hàng trăm lần so với những thiết bị dạy học nhà trường mua. Bước vào lớp 10, sản phẩm đầu tay của Hải được thầy Trần Thọ Hường - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, biết đến. Thầy cũng không ngờ một học sinh mới bước vào lớp 10 mà sáng tạo được thiết bị dạy học, vượt qua những kiến thức thầy cô dạy ở trường.
Thấy mình sáng tạo những sản phẩm học tập không thua gì sản phẩm dự thi ở những cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc, năm 2006 Hải gửi thiết bị định hướng năng lượng mặt trời đến cuộc thi. Thật bất ngờ, chỉ là những tấm gương năng lượng mặt trời từ máy tính hư, một cái môtơ thải của radio, hai ba thanh nhôm kết lại, thiết bị định hướng năng lượng mặt trời của Hải đã giành giải khuyến khích.
Năm 2008, Hải tiếp tục gửi đến cuộc thi này một công trình mới: bộ thí nghiệm điện tĩnh, gồm những tấm mica, bóng đèn cao áp của tivi, điện kế... tìm được ở cửa hàng phế liệu, không mấy tốn kém so với những công trình lên đến hàng chục triệu đồng của những thí sinh khác. “Em rất mừng khi bộ thí nghiệm điện tĩnh đoạt giải khuyến khích, đây là công trình mất gần một tháng mới làm ra” - Hải không giấu niềm vui.
“Từ năm học lớp 10, năm nào Hải cũng trình bày đề tài lên nhà trường. Mỗi đề tài của Hải, nhà trường chỉ cung cấp kinh phí chưa đầy 100.000 đồng, thế mà em đã làm ra những thiết bị dạy học rất rẻ và bổ ích cho việc dạy học của thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi”, thầy Hường cho biết.
Hai sáng chế của Hải được thầy hiệu trưởng báo cáo lên Sở GD-ĐT nhằm phổ biến vào dạy học cho các trường trong tỉnh. “Tôi thấy hai sáng chế này của Hải rất hữu ích, lại không mấy tốn kém so với những thiết bị dạy học ngành giáo dục của tỉnh bỏ tiền ra mua về. Sở cũng đang cân nhắc việc ứng dụng hai công trình của Hải cho các trường cấp III trong toàn tỉnh”, thầy Hường cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận