![]() |
PGS - TS Phan Toàn Thắng (trái) cùng đồng nghiệp - BS Ivor Lim trong phòng thí nghiệm tế bào gốc. tại ĐHQG Singapore |
Anh Phan Toàn Thắng thường ví von về dây rốn: Có lẽ tạo hóa nói rằng “Đây là phần của các bạn, để khi cần thì lấy ra sửa chữa những hỏng hóc trên cơ thể mình”.
Từ năm 1998, nhiều nhà khoa học trên thế giới lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt nghiên cứu tế bào gốc với hi vọng biệt hóa (*) thành máu, da, xương, sụn, thần kinh, gan và tim để chữa bệnh cho con người. Nhiều nhà khoa học đi theo hướng lấy tế bào gốc từ phôi người đã vấp ngay về vấn đề đạo đức và pháp lý nghiêm ngặt tại một số nước.
Phát minh tình cờ
“Nếu cho rằng công nghệ này tuyệt vời, có ích cho nhân loại thì mơ ước của tôi là làm thế nào để giá thành tế bào gốc giảm xuống và trở thành phổ biến như... chiếc điện thoại di động hay máy tính cá nhân hiện nay. Có người cho rằng điều đó là ảo tưởng nhưng tôi hi vọng và phải giải được bài toán này”. |
Thế là tôi khám phá một kho tế bào gốc với những tính năng vượt trội. Dây rốn có chức năng dự trữ!”. Trong bốn tháng tiếp theo, anh miệt mài nghiên cứu và tìm được môi trường nuôi cấy phù hợp để tách ra được hai loại tế bào gốc (biểu mô và trung biểu mô) là những tế bào có nhiều tính năng tốt, ít bị thải ghép và có thể phân lập thành nhiều loại tế bào dùng trị bệnh.
Cùng năm, Công ty CordLabs Pte Ltd (Singapore), nơi anh làm giám đốc khoa học, bỏ ra 200.000 USD để đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu bản quyền Hoa Kỳ. Sang năm sau, anh đi Mỹ và châu Âu để thuyết trình công nghệ này. Phát minh của anh thu hút sự chú ý của nhiều trung tâm, tập đoàn nghiên cứu lớn của thế giới.
Tiến sĩ Thắng tiết lộ: “Chúng tôi đang hợp tác nghiên cứu ứng dụng chữa bệnh trên động vật và bắt đầu thử nghiệm điều trị trên người, bước đầu đã thành công trong chữa bỏng, loét do phóng xạ, vết thương do tiểu đường...”. Anh quan niệm cùng nhau chia sẻ ý tưởng sẽ tận dụng được thời gian và tiền bạc rất lớn. Việc bán công nghệ, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia để nghiên cứu là con đường nhanh nhất đưa nghiên cứu vào phục vụ nhân loại.
Phát minh của anh có thể nói bắt nguồn khi anh còn là bác sĩ ở Viện Bỏng quốc gia tại Hà Nội. Anh kể mà giọng vẫn còn bùi ngùi: “Khi đứng trước cơn đau của bệnh nhân bỏng, đa số lại là trẻ em và người nghèo, tôi cứ ao ước làm thế nào có được những mảng da to để phủ lên, mà bỏng càng sâu (30-40% trở lên) thì nguy cơ tử vong càng lớn”.
Khi đi tu nghiệp ở Anh và Singapore, anh từng thử dùng phương pháp cũ là lấy một mảnh da của bệnh nhân (tế bào gốc ở người trưởng thành) nuôi cấy để điều trị bỏng, nhưng kết quả không cao vì số lượng tế bào không đủ và nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Từ lúc đó anh đã quyết định tìm cho được công nghệ sản xuất tế bào gốc vì sẽ là nguồn có sẵn - sản phẩm đóng gói giống như thuốc, để trong tủ giữ lạnh và đảm bảo đủ số lượng cho bệnh nhân khi cần.
Món quà của tạo hóa
Từ tháng 10-2005, anh mang sản phẩm tế bào gốc về Hà Nội, bôi lên vết thương cho bệnh nhân, điều kỳ diệu là vết thương liền hoàn toàn trong ba đến năm ngày. Trên một bệnh nhân ung thư bị tia phóng xạ làm vết thương không liền trong ba tháng, tế bào gốc giải quyết vấn đề trong... 20 ngày. Còn một bệnh nhân tiểu đường bị những vết loét sâu khó lành ở cẳng chân và bàn chân, bị gia đình ruồng bỏ vì cho rằng bị... hủi, chỉ sau một tháng dùng tế bào gốc trung mô điều trị, vết thương đã lành hẳn. Tiến sĩ Thắng không mong mỏi gì hơn thế.
Anh làm phép tính đơn giản: trên thế giới mỗi năm có khoảng 100 triệu trẻ em được sinh ra, nếu thu giữ tất cả dây rốn này, mỗi dây dài 50cm thì sẽ có khoảng 50.000km, có thể quấn mấy vòng quanh Trái đất. Mỗi dây rốn tách ra được 6 tỉ tế bào, vì vậy số lượng cung cấp không hạn chế. Mặt khác, dây rốn được coi là “rác” nên sẽ không gặp vấn đề y đức.
Tế bào gốc từ màng dây rốn này có đặc tính rất độc đáo là gần như không bị thải loại. Anh Thắng chiêm nghiệm: “Tôi cứ tự hỏi: khi bà mẹ có thai thì đứa con như một “dị vật” nhưng tại sao nó không bị thải loại? Đó là tính năng trời cho - có protein để chống lại khả năng miễn dịch, thậm chí tiết ra những protein để ức chế miễn dịch. Tôi đã dùng tế bào gốc của người ghép cho chuột (dị loại) mà không dùng thuốc ức chế miễn dịch, chuột vẫn sống”.
Hai năm qua, PGS - TS Phan Toàn Thắng đã nhiều lần trở về VN với ao ước đưa công nghệ này về nước để VN sớm có một đội ngũ nghiên cứu trẻ đủ sức chinh phục lĩnh vực mới đầy hấp dẫn này. Giữa năm 2007 tại TP.HCM sẽ ra đời một “ngân hàng dây rốn”, và hi vọng cuối năm sẽ có được những sản phẩm tế bào gốc phục vụ nghiên cứu. Đặc biệt nơi đây sẽ lưu trữ dây rốn với chi phí 20 năm chỉ khoảng 1.500-2.000 USD.
PGS - TS Phan Toàn Thắng sinh năm 1968 tại Hà Nội, tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1991 và về công tác tại Viện Bỏng quốc gia. Năm 1995-1997 anh là thực tập sinh tại Đại học Oxford (Anh), năm 1997-2002 sang làm việc tại BV Đa khoa Singapore và hoàn thành luận án tiến sĩ. Từ 2002-2004 anh công tác tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Hiện nay anh là cán bộ giảng Đại học Quốc gia Singapore - NUS. Anh có trong tay Giải thưởng Khoa học trẻ của Hội đồng nghiên cứu y khoa quốc gia Singapore, Giải thưởng Khoa học quốc tế của Hội đồng nghiên cứu phẫu thuật tạo hình Mỹ. Anh còn là tác giả và đồng tác giả hơn 45 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế, trong đó 10 công trình có đăng ký sở hữu trí tuệ. Nghiên cứu của PGS - TS Phan Toàn Thắng hiện đã ứng dụng thành công trong chữa bỏng, loét do phóng xạ, vết thương do tiểu đường... Tiếp theo sẽ điều trị các tổn thương sụn, gãy xương... và xa hơn nữa là điều trị tiểu đường (biệt hóa tế bào gốc thành tế bào tiết insulin), nhồi máu cơ tim, teo cơ, liệt tủy, tai biến mạch máu não, suy tim, Alzheimer, Parkinson... Các công ty sản xuất dược, mỹ phẩm cũng rất chú ý đến hướng sử dụng các sản phẩm từ tế bào gốc để thử phản ứng thuốc, mỹ phẩm, thay vì phải thử trên động vật thí nghiệm. Và thậm chí có thể dùng tế bào gốc tiêm vào dưới các nếp nhăn của da để chống lão hóa, chăm sóc sắc đẹp. |
(*) Biệt hóa là hiện tượng các tế bào sinh ra có cấu trúc và/hoặc chức năng không giống với tế bào đã sinh ra nó và như vậy làm xuất hiện loại tế bào mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận