![]() |
Bà Hựu trong lần đầu tiên có mặt ở thủ đô cùng con trai út Trương Minh Sang |
Nước mắt ngắn, nước mắt dài bà than thở: “Ông bà xưa nói cái đau khổ của một kiếp người là ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh. Nhưng đời tôi thì đến 90 cái lênh đênh lận”.
Bà có tám người con, bốn trai bốn gái, sống bằng nghề buôn bán và có nhà cửa đàng hoàng ở chợ Cầu Ông Lãnh. Năm 1976, ông bà kéo nhau về quê ở Vĩnh Long lập nghiệp. Nhưng không sống nổi với nghề nông, rồi chồng bệnh, nên năm 1983 lếch thếch kéo nhau lên Sài Gòn mưu sinh và cũng để lo chạy chữa cho ông.
Năm ấy, con đầu đã gần 30 tuổi, nhưng hai đứa út song sinh chỉ mới thôi nôi! Chuyện ăn mặc của cả nhà dựa vào xe hủ tiếu dạo của bà, còn ngủ thì lề đường Hàm Nghi! Năm 1985, ông trời bắt đi người chồng. Bà ràn rụa nước mắt khi nhớ lại cảnh UBND phường Nguyễn Thái Bình cho quan tài và cho phép quàn áo quan tạm trên lề đường. Sự tảo tần của bà cộng với sự chịu thương chịu khó của các con - lớn thì giúp mẹ bán hủ tiếu, đi làm thuê; nhỏ thì bán kẹo ở bến Bạch Đằng - bà cũng mua được một căn nhà nhỏ ở quận 4.
Nhưng ông trời nghiệt ngã lắm, buộc người đàn bà có gương mặt phúc hậu ấy không được cười mà chỉ khóc. Năm 1999, cậu con trai đầu đi làm bị ong vò vẽ cắn đến độ liệt giường liệt chiếu tận giờ, cậu thứ hai thì bị xe đụng làm “tưng tưng”. Bà phải bán nhà để lo cho con và cả nhà chín người lại lếch thếch trở về lề đường Hàm Nghi. Chưa kể bà lại mất một đứa con trai cách đây vài năm...
Lại khóc, bà kể: “Tính ra gia đình tôi ở lề đường đến chín năm trời. Chồng chết, làm đám tang trên lề đường, con gái lập gia đình cũng tổ chức đám cưới trên lề đường. Sài Gòn mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa thì khổ không kể xiết. Đêm đang ngủ, mưa ập xuống, mấy miếng bạt chịu không nổi sụp xuống làm xòa nước, ướt như chuột. Chín mẹ con ngồi ôm nhau cho ấm đợi trời sáng và ai cũng khóc”. Nghèo đến cùng cực nên chuyện học hành của các con, trừ cậu út, đều chưa hết cấp I.
![]() |
Trương Minh Sang chiến thắng ở SEA Games 2005 |
Có năng khiếu trời cho, cộng với ý chí sắt đá của một cậu bé sống lề đường, con trai út của người đàn bà khóc được vào đội tuyển TP.HCM, rồi tuyển VN, và trong hai kỳ SEA Games liên tiếp 2003, 2005 đã đoạt HCV thể dục dụng cụ nam. Đó chính là Trương Minh Sang.
Một chiều đầu năm 2007, tôi tìm đến nhà người đàn bà khóc - Trần Thị Hựu (mẹ Sang). Sang khi ấy không có nhà, bởi một năm cậu ở Nhổn (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1) đến 11 tháng, chỉ về nghỉ vào dịp tết. Căn nhà mướn tồi tàn chứa chiếc xe nước mía của người chị cả - nguồn sống của gia đình, sau khi bà Hựu tuổi cao sức yếu nghỉ bán hủ tiếu - và 15 người vừa mẹ, con và các cháu đã có sinh khí.
Mọi người cười nói, mơ đến tết này sẽ dọn về nhà mới ở lầu hai chung cư An Sương (quận 12). Đó là căn hộ nằm trong chương trình giúp đỡ VĐV-HLV do giám đốc Sở TDTT TP.HCM Nguyễn Hoàng Năng chạy vạy, nhờ vả Tổng công ty địa ốc Sài Gòn. Căn hộ ấy trên 60m2, được bán với giá ưu đãi 300 triệu đồng và cho trả góp. Nếu không có khả năng trả thì được thuê với giá ưu đãi.
Trong tiếng cười nói của các con, bà Hựu lại khóc. Nhưng đó là những dòng nước mắt của hạnh phúc. Không khó để cảm nhận điều ấy khi ánh mắt bà long lanh, vui sướng kể chuyện: “Thằng út nhà tôi đang học Đại học TDTT. Nó là nhất nhà này rồi. Tôi bây giờ sống nhờ nó nuôi đấy. Mỗi tháng tiền lương 1,3 triệu đồng ở Sở TDTT nó để hết cho mẹ. Mấy đợt thưởng lớn cũng mang về cho mẹ. Nó nói mẹ khổ nhiều quá rồi, bây giờ để Út lo cho mẹ...”.
Bà đưa tay chỉ lên hai bức tường cũ kỹ để khoe vô số bằng khen của UBND TP.HCM, bằng khen của Thủ tướng... dành cho Sang. Rồi bà lôi ảnh ra khoe chuyến đi thăm thủ đô Hà Nội vào dịp 8-3 năm 2004. Đợt đó, Ủy ban TDTT đã cảm ơn những người mẹ có công sinh dưỡng các VĐV tài năng bằng một chuyến bao trọn gói đi thăm thủ đô. Đó cũng là chuyến đi chơi đầu tiên trong đời của người đàn bà khóc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận