![]() |
Ông Võ Văn Dự, chủ tịch huyện A Lưới, với cái laptop "bất ly thân", người khởi đầu cho những đột phá về "chiến lược con người" ở A Lưới - Ảnh: Lê Đức Dục |
“Cú sốc tích cực” cán bộ trẻ!
Ngay sau khi từ thành phố lên nhậm chức chủ tịch A Lưới từ đầu năm 2004, ông Võ Văn Dự đã lội khắp các bản làng trong huyện suốt mấy tháng trời để rút ra một điều: bây giờ đầu tư cho bà con nhiều công trình “bề nổi” thì rất dễ như xin kinh phí xây trường, mở đường giao thông... vừa thấy ngay hiệu quả vừa có thành tích báo cáo.
Nhưng cái quan trọng hơn là việc đầu tư căn cơ cho đồng bào về cách thức làm ăn, canh tác, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Muốn vậy người cán bộ lãnh đạo của xã phải có trình độ để hướng dẫn bà con. Hiểu thế nhưng tìm cho ra cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn này thì quá khó…
Tìm hiểu, ông Dự mới biết có 10 sinh viên quê A Lưới, là con em của đồng bào các dân tộc vừa tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp tại Đại học Nông lâm Huế nhưng chưa có việc làm hoặc đang làm hợp đồng với nhiều việc trái chuyên ngành đào tạo.
Với tư cách chủ tịch huyện, ông quyết định gặp mặt họ để nghe tất cả bày tỏ nguyện vọng và cũng để “test” khả năng của các tân kỹ sư. Nhân một hội thảo triển khai hoạt động một dự án về phát triển nông nghiệp trên địa bàn, ông mời tất cả đến dự và phát biểu góp ý.
Ông Dự kể: “Tôi quá đỗi bất ngờ khi các em đều rất tâm huyết, có nhiều giải pháp rất mới và ai cũng diễn đạt rõ vấn đề. Trong mặt bằng chung về cán bộ miền núi thì đây rõ ràng là những tài năng thật sự”.
Ngay sau hội thảo, ông đưa ngay các tân kỹ sư mỗi người về một xã của A Lưới làm công tác điều tra về các chỉ số kinh tế - xã hội và tự họ sẽ làm đề xuất các giải pháp.
Nhưng ngay từ đầu đưa ra phương án này, nhiều xã đã không chấp nhận; những ý kiến không đồng tình đều cho rằng các sinh viên vừa ra trường tuổi chỉ mới đôi mươi, về làm lãnh đạo làm sao có kinh nghiệm.
Ông Dự lại thân chinh về tận xã đấu lý: “Nếu xã không đồng ý cũng được nhưng phải đáp ứng điều kiện: tìm cho ra người trong xã, phải là người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, ưu tiên tốt nghiệp ngành nông lâm để làm phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế, nếu không thì huyện sẽ cương quyết bố trí!”. Cũng chỉ có tám xã đồng ý.
Tuy nhiên, trong hai năm qua, khi thấy các xã khác có cán bộ về, tiếp cận được các phương tiện kỹ thuật hiện đại, tiếp thu trình bày các dự án về cho xã rất hiệu quả thì chính các xã từng từ chối quyết liệt đã tìm lên huyện đề nghị: “anh xem bố trí ngay cho tôi một cán bộ trẻ, giỏi như xã kia nhé!”. Từ tám người nay đã có 12 phó chủ tịch xã của huyện đều là kỹ sư, cử nhân trẻ…
![]() |
Lê Văn Nghiếu (bìa phải), phó chủ tịch xã Hồng Trung, đang hướng dẫn bà con cách gieo giống tràm hoa vàng - Ảnh: Lê Đức Dục |
Chúng tôi tìm gặp Lê Văn Nghiếu, người dân tộc Pa Cô, một trong 12 phó chủ tịch xã được bổ nhiệm hồi năm 2004. Nghiếu kể học xong đại học, về xin hợp đồng làm ở nhà văn hóa huyện, khi nghe chú Dự kêu gọi anh em về làm cán bộ xã cũng hơi hoảng vì chưa hình dung thế nào…
Còn nay thì hình ảnh một cán bộ xã người dân tộc ngồi làm việc bên máy vi tính ở cái xã vùng cao biên giới Hồng Trung này quá ư ấn tượng với chúng tôi. Chưa kịp chuyện trò gì đã thấy bà con tìm đến hỏi Nghiếu chuyện chuẩn bị cho đợt trồng rừng theo dự án SNV của Hà Lan tài trợ.
Bây giờ, những công việc như viết dự án, triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật mà trước kia phải chạy lên nhờ huyện thì nay một mình Nghiếu làm tốt.
Thấy cụ Hồ Văn Nìn lụm cụm trước sân ủy ban nhặt quả tràm hoa vàng tách vỏ lấy hạt để gieo giống, tôi hỏi: “Sao cụ không mua cây giống mà trồng?”. Cụ bảo: “Năm trăm đồng một bầu, tốn nhiều tiền lắm, cán bộ Nghiếu hướng dẫn mình lấy hạt, ngâm “ba sôi, hai lạnh”, gieo là mọc tốt, khỏi mua giống làm gì”.
Hóa ra những chuyện triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật đâu có phải rình rang ghê gớm gì đâu, nó giản dị như câu chuyện cụ Nìn kể. Còn chuyện đưa các mô hình vườn rừng về cho dân, đưa giống sắn cao sản KM94 thay cho giống sắn bản địa, nhiều hộ dân trồng và bán cho nhà máy tinh bột sắn được hàng triệu đồng.
Chuyện Hồng Trung thâm canh cây lúa nước, thêm 100ha dự án “rừng vàng”... đều có bóng dáng của Lê Văn Nghiếu.
Vào xã Nhâm tìm phó chủ tịch Nguyễn Đình Hòa nhưng không gặp vì Hòa đã về Huế tập huấn. Hỏi ông Hồ Pừa, chủ tịch xã, về năng lực làm việc của Hòa, ông Pừa bảo: “Hòa tốt lắm, giỏi lắm; nhà tận thị trấn, lại là người Pa Cô nhưng vào đây với bà con Tà Ôi, vậy mà bà con tin Hòa lắm. Không chỉ đưa khoa học kỹ thuật về xã, Hòa còn là người đưa mấy cái máy vi tính trang bị cho địa phương, không có Hòa thì không ai biết cái lợi ích của nó!”.
Tôi cảm nhận rất rõ sinh khí của những người trẻ ở huyện vùng cao heo hút này khi biết phó chủ tịch thị trấn A Lưới Hồ Thị Hiền cũng là một người như thế. Khi đưa về làm phó chủ tịch thị trấn, Hiền mới 23 tuổi.
Anh Trương Tấn Hoàng, bí thư và anh Nguyễn Lợi, chủ tịch thị trấn, cho biết: “Hồi đưa Hiền về làm phó chủ tịch thị trấn anh em rất lo, nhưng giờ thì chúng tôi rất mừng vì đã nhìn thấy khả năng của Hiền. Bộ mặt A Lưới sáng sủa hơn cũng do công sức của những người trẻ như Hiền”.
Những phó chủ tịch như Hồ Thị Thắng của xã Hồng Bắc, Hồ Thị Môn ở Hồng Kim, Hồ A Luông ở Hồng Thủy, Hồ Văn Tâm ở Hương Nguyên, Hồ Văn Lua ở A Roàng, Hồ Văn Đời ở Hồng Thượng, Hồ Văn Xăng ở Hồng Vân... những cán bộ lãnh đạo xã với tuổi đời chỉ từ 25-30.
Ngoài trình độ, ngoài tấm lòng với quê hương núi rừng chôn nhau cắt rốn, họ còn là những người khao khát với kiến thức khoa học. Liên tục sau chuyến đi về A Lưới, tôi luôn bắt gặp họ ngược xuôi về Huế để dự hội thảo, nghe báo cáo dự án, để săn tìm những thông tin khoa học kỹ thuật mới mang về A Lưới - việc mà trước nay cán bộ xã vùng cao rất ngại ngùng.
Sau hai năm công tác, 10 trong số 12 người đã được kết nạp Đảng, hai người đang là đối tượng Đảng. Cái quan trọng nhất là bà con Pa Cô, Tà Ôi có quyền tin vào những đứa con thành đạt của họ đi xa và mang về…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận