13/01/2011 05:45 GMT+7

"Cắt bỏ ngón tay dư mới được thi"

L.ANH
L.ANH

TT - Một bạn đọc phản ảnh rằng anh không được thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) hai bánh chỉ vì bàn tay có sáu ngón. Từ thông tin đó, chúng tôi phát hiện đơn vị cấp GPLX đang áp dụng quy định từ năm 2001 của Bộ Y tế là người bị mất một ngón tay, ngón chân, bệnh trĩ... cũng không đủ điều kiện thi lấy GPLX.

8MQcdpM6.jpgPhóng to
Khám sức khỏe thi lấy giấy phép lái xe hai bánh tại Bệnh viện Q.Tân Bình, TP.HCM Ảnh: h.t.vân

Xòe bàn tay sáu ngón co bóp rất bình thường, anh Nguyễn Văn Minh (ngụ Q.10, TP.HCM) cho biết vị cán bộ sát hạch GPLX của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM từ chối cho anh thi lái xe gắn máy do bàn tay dư một ngón. Mặc dù anh khẳng định bàn tay sáu ngón vẫn cầm tay lái rất chắc, nhưng vị cán bộ sát hạch vẫn chiếu theo quy định của Bộ Y tế để thực hiện.

Thừa, thiếu đều không được

Tương tự, anh Trần Huỳnh ngụ ở Q.12 cũng nói anh nộp tiền học thi lấy GPLX hai bánh ở Trường cao đẳng GTVT TP.HCM và được trường hướng dẫn đến phòng khám sức khỏe ở đường Lý Chính Thắng, Q.3. Tại đây, bác sĩ khẳng định bàn tay sáu ngón không đủ điều kiện thi GPLX.

Thấy anh Huỳnh bức xúc, bác sĩ khuyên nên cắt bỏ ngón tay dư thì mới được thi lấy GPLX. Theo anh Huỳnh, người bạn của anh bị thiếu một ngón chân cũng không được thi GPLX.

Bộ Y tế đang xem xét lại

Theo Bộ Y tế, quyết định 4132 của bộ tuy có đưa một số bệnh lý vào danh sách “không đạt một trong những chỉ số này thì không được thi lấy GPLX”, nhưng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa trên thăm khám tổng quát và đánh giá sức khỏe để kết luận một người có đủ sức khỏe thi lấy GPLX hay không.

Hiện nay Bộ Y tế đang giao Viện Giám định y khoa đánh giá lại những quy định tại quyết định 4132, xem yếu tố nào cần giữ lại, yêu cầu nào đã lạc hậu phải bãi bỏ, đề xuất xây dựng quy định mới.

Theo một số chuyên gia, quyết định 4132 có nhiều quy định khó áp dụng, vì vậy có hiện tượng “du di”, ví dụ như cận thị trên 2 điôp thì đeo kính sát tròng và đàng hoàng thi lấy GPLX!

Một bác sĩ khám sức khỏe ở Bệnh viện Bộ GTVT cho biết trong quyết định 4132/2001/QĐ-BYT ngày 4-10-2001 (gọi tắt là quyết định 4132) của Bộ Y tế có quy định: thừa ngón tay và ngón chân là không đủ điều kiện thi GPLX, trường hợp chưa cắt bỏ ngón thừa hoặc đã cắt bỏ ngón thừa nhưng còn ảnh hưởng đến chức năng vận động cũng không đủ điều kiện.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - hiệu phó Trường dạy lái ôtô Tiến Bộ, thực tế người dư hoặc thiếu một ngón tay không quan trọng khi lái xe, điều quan trọng nhất là bàn tay đó có lực bóp đạt yêu cầu.

Mất sức nhai trên 25% cũng loại

Quyết định 4132 của Bộ Y tế còn có nhiều điều rất bất hợp lý. Chẳng hạn, phụ nữ mổ lấy thai trên hai lần hoặc bị rò bàng quang âm đạo; nam bị tràn dịch màng tinh hoàn; người bị viêm loét, hẹp thực quản; loét dạ dày, hành tá tràng; trĩ (độ 2, 3) hay trĩ nội đã thắt nay tái phát; bị bệnh hoa liễu hạ cam mềm, HIV dương tính... đều không đủ điều kiện lái xe.

Một cán bộ sát hạch GPLX của Sở GTVT TP còn nói: “Điều phi lý nhất là quy định hàm răng mất sức nhai trên 25% cũng không đủ điều kiện lái xe”.

Điều khá bất ngờ là người thi GPLX gắn máy và ôtô đều phải khám sức khỏe như nhau. Bởi vì ở trang cuối tờ giấy khám sức khỏe của người lái xe gắn máy và ôtô luôn có ghi chú dặn dò các bác sĩ phải thực hiện “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển các phương tiện giao thông cơ giới” theo quyết định 4132.

Thế nhưng, quyết định 4132 lại ghi rõ các tiêu chuẩn này áp dụng để khám sức khỏe đổi GPLX, khám sức khỏe nâng hạng bằng lái xe. Người điều khiển môtô ba bánh và hai bánh không áp dụng tiêu chuẩn này vì sẽ có quy định riêng. Như vậy, việc khám sức khỏe cho người lái môtô được áp dụng chung cho người lái ôtô, mười năm qua Bộ Y tế chưa ban hành quy định riêng cho người khám sức khỏe để lái xe hai bánh và ba bánh.

Ông Nguyễn Văn Quynh - hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề GTVT trung ương 3 (Bộ GTVT) - cho rằng điều quan trọng nhất đối với người lái xe là mắt, mũi, tai, tay và chân còn vận động tốt.

Tại các quốc gia phát triển, nhà chức trách ra những quy định rất rõ ràng về sức khỏe đối với người xin cấp GPLX. Cơ quan cấp GPLX công khai danh sách các căn bệnh, điều kiện y tế có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe. Người xin cấp GPLX bị một trong các bệnh có trong danh sách có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan cấp GPLX.

Khi đó, cơ quan này có thể sẽ đề nghị người xin cấp GPLX kiểm tra y tế để xác định tình trạng sức khỏe trước khi quyết định có cho phép họ thi lấy GPLX hay không. Bác sĩ của người xin cấp GPLX cũng có nghĩa vụ tư vấn cho bệnh nhân về khả năng có lái xe được hay không.

Quy định y tế đối với người xin cấp GPLX ở các nước phát triển tập trung vào những vấn đề như nghiện rượu, ma túy, rối loạn giấc ngủ, các bệnh tim mạch, thần kinh, Parkinson...

Trong danh sách quy định y tế của các nước châu Âu, Mỹ, những vấn đề như bàn tay có sáu ngón, bệnh trĩ không hề nằm trong danh mục phải thông báo cho cơ quan cấp GPLX. Người bị HIV chưa chuyển qua giai đoạn AIDS cũng không cần thông báo cho nhà chức trách. Những người bị cận, viễn hay các rối loạn thị giác vẫn có quyền thi lấy GPLX với điều kiện luôn đeo kính điều chỉnh thị giác khi lái xe, người bị khiếm thính phải đeo thiết bị trợ thính.

Tương tự, những người bị mất chân tay vẫn có thể thi lấy GPLX nếu có chân tay giả, kể cả những người bị mắc bệnh đái tháo đường, động kinh hay các căn bệnh khác vẫn có thể thi lấy GPLX nếu chứng minh rằng họ uống thuốc điều trị thường xuyên.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên