12/10/2005 00:00 GMT+7

Cạo mặt, ráy tai...: Cả kho vi khuẩn, nấm!

Theo Pháp Luật TP.HCM
Theo Pháp Luật TP.HCM

Nếu quý bà thích làm móng tay thì một trong những thú vui của nhiều quý ông là… nằm phê lim dim mắt cho thợ ráy tai. Có ông đâm nghiện, lần nào cắt tóc cũng qua công đoạn ráy tai, cạo mặt. Hỏi sao không làm ở nhà thì bảo "không sạch, không đã". Hãy xem cái "sạch" và “đã” ở tiệm của các ông như thế nào.

Eajew3hm.jpgPhóng to

Ảnh minh hoạ

"Sạch"

Xẩm chiều ngày 22-9, chúng tôi đến tiệm CK trên đường Nguyễn Hiến Lê, quận Tân Bình. Anh thợ tên K. chải, cắt tóc cho Trung (bạn tôi) bằng cái lược đã gẫy hai răng. Xong công đoạn cắt, tỉa, anh Khải lấy khăn dính tóc lem nha lem nhem vắt sau ghế phủi lên đầu, cổ Trung. Anh còn cẩn thận cầm cái bàn chải đã cũ chải lên kẽ tai cho sạch tóc con (!)

Đến công đoạn cạo mặt, K. bẻ đôi lưỡi lam mới thay vào con dao cạo mặt "để khách hoàn toàn yên tâm, khỏi sợ nhiễm HIV" - K. giải thích. Nghe tưởng như vệ sinh lắm nhưng ngay sau đó, K. cầm bông phấn (để sát trùng trước khi cạo), phần tay cầm đã đen nhẻm, mặt bông và cả hộp phấn dính đầy tóc con của các lượt khách hàng vỗ lên mặt Trung.

Như vậy, trừ chiếc lưỡi lam, còn lại từ kéo, tông đơ, bàn chải, khăn, bông phấn mỗi ngày được dùng chung cho hàng chục lượt khách hàng mà không hề được tiệt, tẩy trùng. Cạo xong, K. đổ một thứ chất lỏng màu xanh ra tay mình rồi xoa lên trán Trung. K. bảo đó là nước tẩy trùng hiệu Camelia.

Thứ nước sát trùng và phấn xoa mặt dùng trong các tiệm này chỉ có tác dụng làm yên lòng khách. Ở chợ Tân Bình, chị bán hàng chào hàng chúng tôi cả một loạt thứ dung dịch này, đủ màu, đủ mùi dâu, táo, cỏ thơm điếc mũi. Không hề có nhãn mác và nơi sản xuất, tất cả đựng trong các can nhựa, giá 8.000đồng/chai. Phấn xoa mặt thì giá rẻ giật mình: 1.600 đồng một bịch loại đặc biệt, cũng thơm sặc nhưng hình như là… bột thạch cao.

Hơ lên đèn để… sát trùng

Bác sĩ Phạm Thị Kim Anh, Truởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Da liễu TP.HCM:

Hơ đèn không diệt được nấm

Trên đầu có rất nhiều loại nấm, ngay cả gàu cũng là một loại nấm cho nên chỉ cần chải lược chung cũng bị lây, ngay cả khi không bị xước da.

Nếu tay có nấm Aspergillus Flavus mà dụi lên mắt hoặc ăn uống… có thể nhiễm bệnh kết mạc mắt, làm da đỏ, có vẩy hoặc các bệnh về phổi. Nếu không tẩy trùng đúng cách thì không thể diệt được loại nấm này. Việc "hơ" cây bông trên ngọn điện không thể diệt được nấm.

Bà Phẩm Thị Thu, dược sĩ khoa xét nghiệm Viện Pasteur: Dùng chung dụng cụ là rất nguy hiểm

Bông ngoáy tai dùng chung mang nguy cơ lây bệnh lớn và rất nguy hiểm. Staphylococus aureus là tụ cầu khuẩn vàng rất khó chữa, thường gây viêm loét, mưng mủ ngoài da.

Khi nhiễm các loại nấm này mà dùng tay ăn uống có thể gây bệnh đường tiêu hóa. Thói quen dùng chung lược và dụng cụ cắt, gội, cạo mặt rất nguy hiểm.

Bộ dụng cụ ráy tai gồm nhiều thứ nhưng chủ yếu là dao cạo tai, một thanh dài có muỗng nhỏ xíu ở đầu (còn gọi là xà beng) dùng để cậy ráy tai, nhíp và một que dài đầu gắn túm bông tròn. Cả bộ cắm trong cái ống bằng vỏ lon bia 333 cũ kỹ đầy bụi. Vùng lỗ tai rất nhạy cảm, dễ tổn thương nhưng chiếc dao cạo tai lại không hề được thay.

Anh thợ cầm dao cạo tai quay vài vòng trong lỗ tai Trung, Lấy "xà beng" bới xeo, rồi dùng nhíp gắp những mảnh ráy tai đủ màu đen vàng trắng ra. Lấy được mảnh nào, anh lại cần mẫn quẹt lên cẳng tay khách mảnh đó. Nhìn đống "sản phẩm" mà ghê. Ông khách chỉ lấy tay gạt đi là xong, mặc kệ chúng nó bắn đi đâu thì bắn.

Cuối cùng, anh thợ lấy cây bông tròn… hơ lên ngọn đèn dây đốt vài giây rồi xoe vào tai khách. Anh bảo là để làm chết những con vi khuẩn dưới ngọn đèn nóng. Anh thợ này quả là người có cách làm vệ sinh dụng cụ lạ lùng nhất mà tôi từng thấy.

Từ các bàn cắt tóc lề đường đến tiệm cắt tóc máy lạnh, đâu đâu cũng cạo mặt, lấy ráy tai cũng y bài bản như chúng tôi vừa tả. Con nít làn da non nớt dễ xước hơn nhiều so với người lớn, do đó nguy cơ lây bệnh từ các dụng cụ mất vệ sinh cũng lớn hơn nhiều.

Lây nhiễm qua… thợ!

Chú tôi thường cắt tóc và ngoáy tai ở tại tiệm N. tại một quận ven, khen ở đấy sạch và bảo: "Ai đi cắt tóc xong về chẳng tắm gội ngay mà sợ dơ bẩn!". Chính vì tâm lý dễ dãi của nhiều người nên vệ sinh tại các tiệm càng bị buông lỏng.

Anh chủ tiệm N. khoe đã làm nghề này bảy năm, ngày nào đông cũng được 15, 16 người. "Gặp khách bị lở loét ngoài da cũng chẳng muốn làm đâu nhưng người ta ngồi chờ riết thì cũng phải làm, chứ không người ta nói mình phân biệt, mất khách", anh N. nói thật.

Lược, kéo thì rửa mỗi ngày nhưng cái tông đơ điện và những thứ dùng để ráy tai thì chẳng tẩy trùng bao giờ. Anh quả quyết: "Nếu cạo chảy máu, người ta bỏ đi ngay, lần sau người ta đâu còn tìm tới mình nữa. Có chảy không sao vì dao cạo dùng riêng". Thế nhưng các thứ khác đều dùng chung thì anh… không nói đến!

Ngay cả đôi tay của thợ cũng là kho vi trùng. Suốt một buổi, anh hết xoa nước "sát trùng" lên mặt khách rồi cạo mặt, lấy ráy tai, tỉa… lông mũi và búng xoành xoạch những cáu bẩn trên dao cạo xuống đất, rồi ăn uống, hút thuốc, cầm tiền khách trả… mà anh chẳng thèm rửa tay lần nào. Hết khách nọ đến khách kia, ai cũng được đôi tay ấy xoa lên mặt, tẩm quất lên trán, thấy mà rùng mình!

Suốt mấy ngày khảo sát các tiệm cắt tóc từ sang trọng đến bình dân, tôi không thấy quý ông nào khi đi cắt tóc, ráy tai chịu khó mang theo dụng cụ riêng. Bác sĩ Phạm Thị Kim Anh, Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Da liễu, nói khi chị mang theo lược, khăn đến tiệm để cắt gội thì ai cũng nhìn chị như người trên trời rơi xuống.

Bông ngoáy tai:

Nấm tìm thấy trên mẫu

Kết quả

Gây bệnh

Staphylococcus aureus 1.328 khuẩn Gây bệnh ngoài da, sưng đỏ từ gốc móng, viêm da, gây mụn nhọt, lở loét, rất khó chữa.
Aspergillus flavus Dương tính Đây là loại nấm rất độc, có trong phổi, khoang mũi, tai, trán; khi nhiễm rất khó chữa trị. Các bộ phận khi nhiễm dễ bị hoại tử và gây áp-xe
Tổng số nấm mốc 33 loại Nấm khác có thể gây ảnh hưởng sức khỏe

Lược chải đầu: Có 30 loại nấm, có thể gây rụng tóc, gàu và nhiều bệnh khác gây tổn thương da đầu và tóc.

(Kết quả xét nghiệm mẫu bông ngoáy tai và lược của một tiệm cắt tóc tại Viện Pasteur TP.HCM)

Theo luật vệ sinh tẩy trùng ngành tóc và thẩm mỹ của Mỹ: sau khi phục vụ mỗi khách hàng, phải chùi sạch: kéo cắt tỉa tóc, dao cạo, kẹp cuốn tóc, tất cả các loại lược bằng khăn giấy và xịt thuốc tẩy trùng sát khuẩn, diệt nấm, diệt siêu vi hoặc các loại cồn (các loại thuốc diệt khuẩn này phải được đăng ký với văn phòng quản lý môn bài ngành tóc và thẩm mỹ).

Dụng cụ điện phải được chùi sạch và xịt bằng thuốc tẩy trùng diệt khuẩn, diệt nấm trước khi dùng. Vật liệu chưa dùng đến phải cất trong các hộp đựng sạch và khô ráo, để riêng ra các dụng cụ và vật liệu đã vấy bẩn.

Cuối ngày sử dụng, tất cả các vật dụng (kéo cắt tóc, kéo tỉa tóc, dao cạo…) phải rửa bằng nước và xà bông… sau đó khử trùng bằng dung dịch diệt nấm, diệt siêu vi. Kem, nước làm se da, thuốc thoa tay, thuốc rửa, chất làm ẩm, mặt nạ, dầu… chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ.

Theo Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên