07/04/2005 21:34 GMT+7

Cao Hành Kiện: "Cứu mình bằng văn chương nghệ thuật"

PHẠM XUÂN NGUYÊN thực hiện (Báo Thể thao và Văn hóa)
PHẠM XUÂN NGUYÊN thực hiện (Báo Thể thao và Văn hóa)

Vừa qua, tôi sang Pháp dự hội thảo quốc tế “Tác phẩm tiểu thuyết và sân khấu của Cao Hành Kiện, giải Nobel Văn học 2000” do Đại học Provence tổ chức. Đầu tháng 3, theo lời hẹn, tôi đến gặp Cao Hành Kiện tại nhà riêng của ông ở Paris. Ông đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện cởi mở và thân tình.

isInCArN.jpgPhóng to
Nhà văn Cao Hành Kiện

Người phiên dịch cho cuộc trò chuyện của chúng tôi là dịch giả trẻ Cao Việt Dũng.

* Thưa ông, ở Bắc Kinh trước đây, chính là kịch của ông đã làm dấy lên cuộc tranh cãi giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa truyền thống, chứ không phải tiểu thuyết.

- Vâng, có mấy vở được diễn, sau đó rồi thôi.

* Trước hôm khai mạc hội thảo, chúng tôi có được xem buổi biểu diễn ra mắt vở opera Tuyết tháng Tám của ông do Nhà hát opera Marseille và Trường nghệ thuật biểu diễn Quốc gia Đài Loan phối hợp dàn dựng tại Marseille. Tôi kinh ngạc trước vở diễn đó: về nội dung kể chuyện Lục tổ Thiền Huệ Năng, về nghệ thuật diễn viên Đài Loan hát tiếng Trung, diễn viên Marseille hát tiếng Pháp nhưng vẫn kết hợp được với nhau.

- Tuyết tháng Tám được công diễn lần đầu ở Nhà hát Quốc gia Đài Bắc ngày 20-12-2002. Buổi biểu diễn ở Marseille ngày 27-1-2005 là lần đầu tiên nó ra mắt khán giả châu Âu. Khi viết vở này tôi theo nguyên tắc “tứ bất”: Nó không hoàn toàn là một vở opera Trung Quốc, không hoàn toàn là một vở opera theo nghĩa phương Tây, không hoàn toàn là một vở kịch sân khấu, không hoàn toàn là một vở ballet. Nó là sự trộn lẫn và hợp tác của tất cả các hình thức thể hiện khác nhau đó.

* Vì sao ông lại chọn tích Lục tổ Huệ Năng cho vở opera Tuyết tháng Tám?

- Lục tổ Huệ Năng (638 - 713) là một thiền sư có vai trò quan trọng đối với lịch sử Thiền tông cũng như lịch sử Trung Quốc. Ông được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao y bát nhưng là người sống ngoài mọi cương tỏa tôn giáo. Ông dạy mọi người rằng ai cũng có thể được giác ngộ nếu biết vứt bỏ mọi chấp nê và gắn mình với thế giới đang sống.

Huệ Năng không gán cho mình một sứ mệnh, một nhiệm vụ lớn lao nào. Ông sống như mọi người bình thường. Cái lớn của ông là ở đấy. Và tôi coi trọng tư tưởng ấy của Huệ Năng.

* Theo ông, văn học có sứ mệnh gì không?

- Văn học chỉ phơi bày thực trạng đời sống con người, nêu lên những vấn đề nhân bản của nó. Đừng hoang tưởng là có thể giải quyết được hết mọi vấn đề của con người, của cuộc sống. Tôi viết về thực tế cuộc sống như nó đang diễn ra, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở nhiều nơi khác.

Con người với những vấn đề tồn tại cơ bản của nó, bất kỳ ở đâu, là điều quan tâm chính của tôi. Điều này lớn hơn số phận của một quốc gia, đất nước. Tôi cũng tin như nhiều người hiện nay rằng các hệ thống đại tự sự đã thuộc về quá khứ.

* Văn học Trung Quốc sau thời Cách mạng Văn hóa đã có nhiều thay đổi, đã có những tác giả tên tuổi xuất hiện. Ở VN chúng tôi gần đây có dịch khá nhiều tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc, trong đó có một tác giả nổi bật là Mạc Ngôn. Ông có đọc họ không?

- Hầu như không đọc. Mạc Ngôn tôi có đọc qua nhưng thấy không có gì đáng chú ý. Nói chung tôi không để ý lắm về văn học Trung Quốc hiện nay.

* Còn với các tác giả Trung Quốc ở hải ngoại, như Đới Tử Kiệt cũng ở Pháp đây chẳng hạn?

- Tôi không biết. Khi sang Pháp, tôi không tham gia vào một hội đoàn nào của người Trung Quốc cả. Văn học là vấn đề cá nhân, tôi không muốn dính vào phe nhóm, trường phái nào.

* Sống và viết trong hoàn cảnh xa xứ, ông cảm thấy thế nào?

- Với tư cách nhà văn xa xứ, tôi chỉ còn biết cứu mình bằng văn chương nghệ thuật. Nói thế không có nghĩa là tôi chỉ làm văn chương thuần túy, cắt đứt với xã hội. Không phải. Tôi coi sáng tạo văn chương là một thách thức của cá nhân đối với xã hội. Dù cho sự thách thức đó có nhỏ bé đi nữa, nó vẫn để lại được một vị thế.

* Khi ở Trung Quốc, cũng như hiện nay ở Pháp, ông có từng đọc văn học VN không?

- Thú thực, tôi không biết gì về văn học VN. Có một bộ phim VN tôi có xem, đó là phim Mùa Hè chiều thẳng đứng. Bây giờ tôi đang làm một bộ phim chân dung, trong đó có một cậu bé VN đóng tôi hồi nhỏ.

* VN là một nước dịch nhiều sách. Nhưng hiện nay chúng tôi đã gia nhập công ước Berne nên phải tính tới chuyện bản quyền. Ông có vui lòng cho chúng tôi dịch các tác phẩm của ông sang tiếng Việt không?

- Tôi cám ơn anh trong hội thảo đã mang tặng tôi hai bản tiểu thuyết Linh Sơn và một tập truyện ngắn của tôi dịch sang tiếng Việt. Với tôi, nếu dịch các tác phẩm từ tiếng Trung sang thì được, không có vấn đề gì. Cả những sách đã in, cả những sách sẽ dịch và in, thì mỗi cuốn gửi cho tôi 6 bản để tôi gửi cho những người lưu giữ. Vâng, cứ gửi về địa chỉ của tôi ở Paris.

***

Xong câu chuyện, Cao Hành Kiện đứng dậy lấy ra cả một tập tác phẩm của ông in bằng tiếng Trung tặng cho tôi. Truyện ngắn, tiểu luận, kịch, đầy một túi sách nặng tay. Tôi cám ơn ông về cuộc trò chuyện, về những cuốn sách tặng với hy vọng chúng sẽ được dịch ra tiếng Việt. Và bây giờ tôi xin ghi lại địa chỉ của ông để nhà nào đã và sẽ làm sách của Cao Hành Kiện biết mà gửi sách cho ông, mỗi cuốn 6 bản: Gao Xingjian, 11, rue Sainte-Anne, 75001, Paris.

PHẠM XUÂN NGUYÊN thực hiện (Báo Thể thao và Văn hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên