19/12/2016 14:56 GMT+7

Cao Bá Hưng: Tôi đúng là hậu duệ của nhà thơ Cao Bá Quát

LAM ĐIỀN - V.V.TUÂN
LAM ĐIỀN - V.V.TUÂN

TTO - Sau bài viết "Cháu 7 đời của Cao Bá Quát...", TTO nhận được nhiều phản hồi thắc mắc về gia phả dòng họ Cao Bá vì cho rằng dòng họ này đã bị tru di tam tộc sau khi khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại...

Cao Bá Hưng đã nói trên sân khấu Sing My Song rằng mình là cháu nội bảy đời của Cao Bá Quát - Ảnh: SMS

Một bạn đọc viết: "Xin quý báo cung cấp đường link đến gia phả dòng họ Cao Bá vì Dực Tông Anh Hoàng Đế (Tự Đức) ra lệnh tru di tam tộc sau khi khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại...". Bên cạnh đó còn có nhiều ý kiến hỏi thêm về thông tin Hưng là cháu nội bảy đời của cụ Cao Bá Quát.

Tuổi Trẻ đã liên lạc với Cao Bá Hưng và Hưng cho biết mình không bất ngờ khi phóng viên hỏi về thông tin này...

* Về việc Hưng là cháu bảy đời của cụ Cao Bá Quát, câu chuyện này trong gia đình ai là người nói đầu tiên với Hưng?

- Ngay từ bé tôi đã nghe ông nội tôi kể lại. Ông bảo dòng họ mình nổi tiếng thơ ca, mấy đời liền đều là nhà thơ. Nhưng đến đời ba tôi thì không làm thơ mà chuyển sang âm nhạc, tôi cũng vậy.

* Ba chữ Cao Bá Quát, Hưng được nghe từ hồi nào?

- Từ bé luôn. Và không phải riêng nhà tôi là hậu duệ Cao Bá Quát đâu, còn nhiều gia đình khác nữa. Tôi cũng biết ý kiến đặt vấn đề rằng trong lịch sử thì Cao Bá Quát bị triều đình bắt giữ và tru di tam tộc thì làm sao mà có Cao Bá Hưng được.

* Vậy là Hưng có nghe gia đình nói về trường hợp một người nào trong họ Cao Bá Quát đã sống sót và sau đó vào Nam?

- Nói đúng ra thì cụ Cao Bá Quát có rất nhiều vợ, và truy ra điều này hơi khó vì cụ là người thích lang thang phiêu bạt. Chuyện này trong gia đình tôi ai cũng biết và tôi không phải là người rõ/hiểu sâu nhất. Tôi có ông nội là nhà sử học, tình cờ tôi cũng biết cả chuyện trước đời cụ Cao Bá Quát thì tổ tiên tôi là cụ Cao Lỗ.

* Nếu nói từ đời cụ Cao Lỗ thì xa quá, Hưng có biết tính từ sự biến tru di tam tộc vào đời Cao Bá Quát, thì đến đời thứ mấy xuất hiện một nhánh hậu duệ của họ Cao trong phía Nam này không?

- Cái này thì tôi không nhớ rõ, tôi sẽ hỏi lại ông tôi, tra lại thông tin và trả lời sau. Ông tôi vẫn còn khỏe mạnh.

* Hưng có nhớ tên các vị tổ trực hệ từ Cao Bá Quát cho đến đời ông của Hưng không?

- Tôi có nhớ một vài người nhưng không nhớ chính xác thứ tự. Ông tôi là Cao Bá Nghiệp, ba tôi là Cao Bá Phương. 

Ông tôi sống ở Sài Gòn và tôi cũng có nhiều lần đi họp gia tộc, họp cả dòng họ Cao Bá từ bắc vào nam, có cả họ Cao Bá ở nước ngoài nữa. Hai năm họp một lần, gần nhất là năm ngoái, tôi có đi, khá là đông, ngoài nhà tôi còn nhiều nhà khác nữa.

* Trước ông của Hưng thì Hưng có nhớ tên ai không?

- Trước ông tôi là Cao Bá Thao, nhà văn, nghệ danh là Thao Thao. Và trước nữa thì tôi nhớ có cụ Cao Bá Nhạ, nhưng không rõ có phải cụ Nhạ là ba của cụ Thao không...

* Nếu cụ Cao Bá Nhạ là hàng con của Cao Bá Quát thì trước đời bố cụ Thao còn một đời nữa, vì ông của Hưng đời thứ 5, cụ Thao đời thứ 4, mà cụ Nhạ thì đời thứ 2 tính từ Cao Bá Quát. Thôi chuyện này để đó tính sau. Có bao giờ Hưng thấy ở gia đình có bộ gia phả không?

- Có chứ, tôi từng thấy rồi. Nhưng mà tôi không biết nó như thế nào luôn. Tôi thấy dưới dạng ghi chép các tên thôi, và cũ lắm. Tôi chỉ xem thôi và cũng không hiểu lắm.

* Nhưng Hưng có còn nhớ quyển ấy viết bằng chữ quốc ngữ hay chữ Hán, Nôm không?

- Hình như là chữ Hán Nôm đó anh. Tất cả thơ văn các cụ tôi để lại cũng đều chữ Hán hết, không có chữ quốc ngữ.

----------

Ông Cao Bá Nghiệp, con trai cố nhà văn Thao Thao (Cao Bá Thao) đã từng bỏ ra nhiều công sức tìm hiểu sự thực về cái chết của Cao Bá Quát cho biết, sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương 1855 (mà Cao Bá Quát là một trong những người lãnh đạo) thất bại, Cao Bá Quát không bị chết ở trận tiền.

Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, triều đình nhà Nguyễn vì muốn dẹp yên nên đã dựng lên chuyện Cao Bá Quát bị chết ở trận tiền. Nhưng mấy năm sau (1858) vua nhà Nguyễn là Tự Đức vẫn ra lệnh cho các quan tỉnh ở giáp biên giới Trung Quốc truy nã Cao Bá Quát và các con của ông.

Nếu trước đó quan quân nhà Nguyễn đã chém được Cao Bá Quát thì sao còn phải ban lệnh truy nã tiếp? Còn thực tế Cao Bá Quát trốn đi đâu thì vẫn là bí ẩn của lịch sử. Tôi đã nhiều lần đi tìm ở khắp nơi, kể cả sang Trung Quốc, Singapore, Indonesia… nhưng vẫn chưa tìm được.

Khoảng 10 năm sau cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, hai người con của Cao Bá Quát là Cao Bá Phùng và Cao Bá Thông lại bí mật trở về quê cũ. Người anh Cao Bá Phùng đã đưa em về quê giao phó cho một gia nhân trung thành trông nom và đổi tên em là Cao Huy Lục. Vì thế mới còn hậu duệ của dòng họ Cao Bá đến bây giờ”.

Cụ Cao Bá Nghiệp cho Tuổi Trẻ biết: Sau khi ra lệnh tru di tam tộc dòng họ Cao Bá Quát, nhà Nguyễn làm một cuộc hành hình những người họ Cao này ở Phú Thị, Gia Lâm. Ngay lúc đó thì có ông Cao Bá Bính đem quân về giải vậy họ Cao, làm cho mọi người tứ tán đi khắp nơi. Có những người chạy vào nam, thay tên đổi họ, không còn dùng chữ Cao Bá nữa mà dùng Lê Cao, Trần Cao, Nguyễn Cao... chạy vào đến tận Cà Mau.

Tuy vậy, khi mất thì trên mộ đều ghi là hậu duệ của Cao Bá Quát. Về trực hệ thì tôi là con của nhà văn Thao Thao tức Cao Bá Thao. Nhưng vào Nam thì đến đời tôi mới vào, tôi vào Sài Gòn từ tháng 7 năm 1975, sau đó trở ra.

Đến năm 1991 mới chính thức vào sống cùng con gái là Hồ Nga trong này, còn Cao Bá Phương con tôi thì vào TPHCM sau chị Nga nó 2 năm. Ông thân sinh cụ Thao là Cao Bá Thúy; thân sinh cụ Thúy là cụ Cao Huy Lục. Cụ Lục là con trai thứ hai của cụ Cao Bá Quát, tính đến Cao Bá Hưng đúng là bảy đời đấy.

Cao Bá Quát không chết trận, dòng họ cũng không bị tru di...

Cũng theo tài liệu mà ông Cao Bá Nghiệp sưu tầm (đã công bố trên trang caobaquat.com.vn) thì trong bài viết của nhà sử học Đinh Tú “Tìm thấy cuốn gia phả họ Cao ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội” có ghi rõ: 

“Qua cuốn gia phả này, ta có thể biết thêm và đính chính một số sai sót đã viết về Cao Bá Quát từ trước đến nay. Chúng tôi có nhận định: nhà Nguyễn đã không làm được việc “tru di ba họ Cao ở Phú Thị”.

Nhận định này hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết của vùng Phú Thị - Phù Đổng nói về họ Cao ở Phú Thị bị quân nhà Nguyễn đóng cọc trói ở chợ Sủi (tên Nôm của làng Phú Thị) doạ chém tất cả, nếu không ai khai rõ chỗ ẩn trú của Cao Bá Quát. Đúng lúc này, một cánh nghĩa quân bỗng ập đến, quân lính nhà Nguyễn bỏ chạy, già trẻ trai gái nhà họ Cao thoát chết, bỏ làng ra đi cả, mấy chục năm sau mới có chi trở về.

Điều này xác minh rằng khi Cao Bá Quát cầm vũ khí chống lại triều Nguyễn, họ Cao ở Phú Thị đã không thể sống yên ổn và đã phải phân tán đi các nơi, vì vậy cuốn gia phả này mới còn lại đến ngày nay.

Truyền thuyết vùng Phú Thị - Phù Đổng còn cho ta biết chuyện Tú tài Cao Huy Bính, người đã bị quan quân nhà Nguyễn tra tấn dã man hòng tìm nơi ẩn nấp của Cao Bá Quát (khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại), nhưng ông không khai. Sau này, Cao Huy Bính tổ chức nghĩa quân đánh Pháp không thành vì ông đã bị sát hại bất ngờ.  Cuốn gia phả cho ta thấy rõ, Tú tài Cao Huy Bính là con ông chú ruột của Cao Bá Quát.

Qua những sự việc trên, chúng tôi thấy việc Cao Bá Quát không chết trận và cũng không bị bắt chém, có cơ sở sự thật. Chính vì ông còn sống, nên nghĩa quân của ông vẫn còn tin tưởng, đủ sức hoạt động kéo dài thêm 3 năm nữa”.

LAM ĐIỀN - V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên