23/07/2014 05:40 GMT+7

Cảnh giác với "bệnh chân lạnh"

ThS.BS Trần Phước Hòa
ThS.BS Trần Phước Hòa

TT - Chưa đến một tuần nhưng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM) đã phẫu thuật cho hai bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch máu có nguy cơ hoại tử chân do hút thuốc lá lâu năm.

Lạnh hai bàn chân, bệnh gì?Chống lạnh giữa mùa hè Đau nhức khớp gối khi lạnh

0TmIt4VD.jpgPhóng to
Bác sĩ Trần Phước Hòa khám, kiểm tra lại sức khỏe cho bệnh nhân T.T.Y. sáng 22-7 - Ảnh: L.TH.H.

ThS.BS Trần Phước Hòa - khoa tim mạch bệnh viện, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân - cho biết cả hai bệnh nhân này đều hút thuốc lá mấy chục năm, mỗi ngày hút 20-30 điếu.

Suýt hoại tử chân

"Nếu bệnh nhân sau khi mổ không quyết tâm cai thuốc lá sẽ rất nguy hiểm và thấy ngay hậu quả trước mắt do mạch máu bị tắc lại rất nhanh, vì chất nicotin trong thuốc lá không chỉ làm tổn thương thành mạch máu mà còn làm co mạch"

Ngày 10-7, ông T.T.Y. (57 tuổi, Quảng Ngãi) đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khám bệnh với tình trạng hai chân bị tê, nhức mỏi, bị đau khi đi bộ trên 100m. Bác sĩ khám thấy hai chân của ông Y. có dấu hiệu thiếu máu, không bắt được mạch nên lập tức cho chụp CT scan và phát hiện ông Y. bị tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng dưới thận, có nguy cơ bị hoại tử hai chân. Nguyên nhân do ông Y. bị viêm tắc mạch máu bởi hút thuốc lá lâu năm. Bác sĩ Phước Hòa cho biết thêm tình trạng bị tắc nghẽn hoàn toàn động mạch chủ bụng dưới thận như bệnh nhân Y. rất hiếm gặp và nguy hiểm nếu không được phẫu thuật sớm. Ngày 16-7, các bác sĩ đã phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp dùng một ống ghép mạch máu nhân tạo để bắc cầu từ động mạch chủ ngực xuống hai động mạch chậu đùi. Đây là ca phẫu thuật khó vì phải thực hiện trên động mạch chủ của cơ thể và đoạn mạch máu nhân tạo được ghép rất dài (50cm) do thành mạch bị vôi hóa rất nhiều và tiến sát tới động mạch thận. Ca phẫu thuật kéo dài gần bốn giờ, sau phẫu thuật bác sĩ đã bắt được mạch ở hai chân bệnh nhân.

Ngày 22-7, nằm trên giường bệnh ông Y. kể ông hút thuốc lá từ năm 16 tuổi, mỗi ngày ông hút hơn một gói thuốc lá. Dù ông ăn uống được và không làm việc gì quá sức nhưng người ngày càng ốm yếu (cao 1,55m, nặng gần 40kg), đặc biệt ông hay nhức mỏi chân, lạnh chân nhưng ông cứ nghĩ là bình thường vì tuổi tác đã lớn.

Trước đó ngày 12-7, các bác sĩ cũng phẫu thuật thành công cho bệnh nhân C.V.H. (47 tuổi) bị tắc động mạch chậu đùi bên trái và hẹp động mạch chậu chung do hút thuốc lá hơn 20 năm với số lượng nhiều (mỗi ngày hút trung bình một gói). Khi nhập viện chân trái bệnh nhân bị bầm tím, có nguy cơ hoại tử cao. Các bác sĩ dùng mạch máu nhân tạo bắc cầu từ động mạch chậu xuống động mạch đùi để lưu thông máu xuống chân, đồng thời kết hợp can thiệp mạch máu, dùng bóng để nong động mạch chậu cho bệnh nhân. Đây là phương pháp phẫu thuật lai (kết hợp giữa phẫu thuật và can thiệp mạch máu), mang lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân mắc các chứng bệnh về tim mạch và mạch máu phức tạp.

Theo bệnh nhân H., trước khi nhập viện bệnh nhân thấy chân bị tê, đau và đã đi khám ở nhiều nơi nhưng lại được bác sĩ chẩn đoán là đau khớp, đau thần kinh tọa và cho thuốc uống nhưng không khỏi.

“Phổi ấm thì chân lạnh”

Bác sĩ Phước Hòa cho biết trong y học, các bác sĩ vẫn truyền nhau câu nói “Phổi ấm thì chân lạnh” để cảnh báo các bệnh nhân hút thuốc lá sẽ phải đối diện với bệnh tắc nghẽn mạch máu dẫn tới thiếu máu ở chân. Thường những người hút thuốc lá nhiều, lâu năm sẽ làm hệ thống mạch máu của cơ thể bị co giãn quá mức. Chất nicotin có trong thuốc lá có thể đi vào trong máu gây tổn thương thành mạch máu. Khi thành mạch máu bị tổn thương, những tiểu cầu trong máu sẽ “rủ nhau” đến “tập kết” ở vị trí thương tổn và bám lại ở đó, tạo thành huyết khối và huyết khối đó ngày càng lớn dần. Khi huyết khối hình thành, thành mạch phía sau của huyết khối càng thiếu máu, làm tổn thương mạch máu ngày càng lan rộng.

Thường người bệnh dễ bị tắc các mạch máu nhỏ trước do vận tốc dòng chảy của máu không lớn. Trường hợp tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng như ông Y. hiếm gặp hơn do động mạch chủ có đường kính lớn (khoảng 2-2,5cm) nên vận tốc dòng chảy của máu rất lớn, làm mạch máu khó tắc nghẽn do sự bám huyết khối ít hơn. Tuy nhiên, động mạch chủ là đường dẫn máu từ tim đến toàn bộ cơ thể để nuôi cơ thể mà bị tắc ở một đoạn nào đó sẽ rất nguy hiểm.

Bác sĩ Hòa kể có bệnh nhân sau khi mổ xong về nhà hút thuốc lại ngay. Chỉ một hai tuần sau quay lại kiểm tra đã thấy huyết khối bắt đầu tụ lại. Để ngăn chặn việc hình thành lại huyết khối, bác sĩ phải cho bệnh nhân sử dụng thêm thuốc chống đông máu. Trong khi đó, nếu bệnh được phát hiện sớm, khi mạch máu mới tắc 20-30%, thậm chí 50% thì bệnh nhân chỉ cần thay đổi lối sống bằng cách bỏ hẳn thuốc lá, tập luyện thể dục và uống thuốc điều trị đúng liều, đúng chỉ định của bác sĩ thì kết quả rất tốt mà không cần phẫu thuật.

Dấu hiệu tắc nghẽn mạch máu

Khi mạch máu mới bị tắc nghẽn, bệnh nhân có triệu chứng đi cách hồi (đi một đoạn 100-200m là có cảm giác như bị tê chân, đau chân, phải ngồi xuống hoặc đứng lại rồi mới đi tiếp được). Lúc mạch máu bị tắc nghẽn nhiều hơn nữa, màu da ở dưới chân (đoạn bị thiếu máu) sẽ đổi màu từ bình thường sang màu sậm. Từ từ bề mặt da có biểu hiện bị khô do thiếu máu nuôi và teo đi, sau đó dần dần tạo thành những lỗ đáo hay chỗ loét. Nếu không được điều trị, chỗ loét đó ngày càng rộng ra và khi mạch máu bị tắc hoàn toàn thì chân sẽ bị hoại tử, không còn cách cứu vãn, chỉ còn cách là cưa bỏ chân.

ThS.BS Trần Phước Hòa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên